Chiến đấu cơ Mỹ – Trung – Đài đối đầu trên không
Một tình thế nguy hiểm đã xảy ra ngày 12.9, khi hàng chục chiến đấu cơ của Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan đổ dồn về eo biển Ba Sĩ.
Chiến đấu cơ Mỹ – Trung – Đài đối đầu trên không
Một tình thế nguy hiểm đã xảy ra ngày 12.9, khi hàng chục chiến đấu cơ của Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan đổ dồn về eo biển Ba Sĩ.
Ngày 12.9, không quân Trung Quốc thông báo một biên đội oanh tạc cơ, chiến đấu cơ, máy bay cảnh báo sớm và tiếp liệu của nước này đã bay qua eo biển Ba Sĩ nằm giữa Đài Loan và Philippines để tiến hành tập trận ở tây Thái Bình Dương. Phát ngôn viên Thân Tiến Khoa của không quân Trung Quốc cho biết đây là cuộc tập trận thường lệ theo kế hoạch. Tuy nhiên, các tình huống xảy ra trong cuộc tập trận này nguy hiểm hơn nhiều so với những gì được công bố chính thức.
Tình huống khẩn cấp
Theo tiết lộ mới đây của tờ Up Media ở Đài Loan, vào khoảng 7 giờ ngày 12.9, giờ địa phương, radar quân sự Đài Loan phát hiện một đội hơn 10 máy bay Trung Quốc cất cánh từ phi trường Huệ Châu ở Quảng Đông. Ban đầu, đội máy bay này được cho là tham gia cuộc tập trận chung Joint Sea-2016 giữa Trung Quốc và Nga khai mạc cùng ngày ở ngoài khơi thành phố Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông. Thế nhưng, các chiến đấu cơ không bay về phía nam mà ngoặt sang phía đông hướng về eo biển Ba Sĩ.
Trước tình huống đó, Đài Loan ra lệnh cho các chiến đấu cơ F-16 và chiến đấu cơ sản xuất trong nước F-CK-1 cất cánh khẩn cấp từ hai căn cứ Đài Nam và Gia Nghĩa hướng về vùng biển phía nam. Khi đến nơi, máy bay Đài Loan phát hiện đội hình chiến đấu cơ Trung Quốc gồm có các chiếc tiêm kích đa năng Su-30MKK, tiêm kích cơ J-11B, oanh tạc cơ H-6K, máy bay trinh sát điện tử Tu-154, máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 và máy bay tiếp liệu IL-78. Đây là những loại máy bay hiện đại và đáng gờm của không quân Trung Quốc. Vì thế, Đài Bắc tiếp tục triển khai thêm một đợt F-16 đến khu vực để đề phòng.
Theo Up Media, tình hình còn trở nên căng thẳng hơn nữa bởi sự xuất hiện của tàu khu trục Mỹ USS Spruance ở khu vực vào thời điểm đó. Tàu này đang trên đường trở về căn cứ ở Nhật Bản sau khi hoàn tất chuyến tuần tra tại Biển Đông.
Phát hiện thấy toán chiến đấu cơ Trung Quốc, tàu USS Spruance đã đánh tín hiệu yêu cầu yểm trợ khẩn cấp trên không. Lập tức, lực lượng Mỹ đóng tại căn cứ Okinawa của Nhật Bản cấp tốc điều động 8 chiếc tiêm kích F-15 và 2 máy bay trinh sát điện tử RC-135 đến gần khu vực ngoài khơi đảo Lan Tự ở eo Ba Sĩ để chi viện. Đài Loan lúc này cũng triển khai thêm một đợt F-16 từ căn cứ Hoa Liên. Tổng cộng, 16 chiếc F-16 và F-CK-1 của Đài Loan đã cất cánh làm nhiệm vụ giám sát.
Chạm trán
|
Lúc 7 giờ 25, tại khu vực gần đảo Lan Tự, các chiếc Su-30MKK của Trung Quốc bắt đầu vờn nhau với F-15 của Mỹ. Tình hình căng thẳng tột độ khi phi công hai bên thực hiện các động tác chiến thuật để chiếm lĩnh vị trí lợi thế trên không, còn chiến đấu cơ Đài Loan quan sát từ xa.
Trong quá trình cơ động, một chiếc Su-30MKK đã bay vào Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, trong khu vực 24 hải lý quanh đảo Lan Tự, khiến Đài Bắc báo động.
Trùng hợp là trong ngày hôm đó, Đài Loan đang tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật tại căn cứ Bình Đông ở phía nam nên các tên lửa đất đối không Thiên Cung III (Sky Bow III) được điều đến căn cứ này. Khu vực quanh đảo Lan Tự nằm trong tầm tác chiến của tên lửa Thiên Cung III triển khai ở Bình Đông. Vì thế, khi chiếc Su-30MKK bay vào ADIZ, Đài Loan đã kích hoạt Thiên Cung III để chuẩn bị khai hỏa nếu máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận.
May mắn là chiến đấu cơ Trung Quốc nhanh chóng rời ADIZ. Đồng thời, máy bay Mỹ và Trung Quốc kiềm chế leo thang đối đầu. Chiến đấu cơ Mỹ rốt cuộc bay về hướng bắc trở lại căn cứ ở Nhật Bản còn máy bay Trung Quốc bay về hướng đông tiếp tục cuộc diễn tập ở Thái Bình Dương.
Sau khi Up Media tiết lộ chi tiết về cuộc chạm trán bất ngờ giữa ba bên, Lực lượng phòng vệ Đài Loan ra thông báo phủ nhận chi tiết máy bay Trung Quốc bay vào ADIZ. Tuy nhiên, không chỉ Up Media, trang tin Alert 5 cũng dẫn nguồn tin riêng xác nhận về tình huống nguy hiểm ngày 12.9.
Sơn Duân