28/12/2024

Tàu chiến đổ xô đến Biển Đông

Trong khi Trung Quốc và Nga tập trận trên Biển Đông, Nhật Bản tuyên bố sẽ tham gia tuần tra chung với hải quân Mỹ ở khu vực.

 

Tàu chiến đổ xô đến Biển Đông

Trong khi Trung Quốc và Nga tập trận trên Biển Đông, Nhật Bản tuyên bố sẽ tham gia tuần tra chung với hải quân Mỹ ở khu vực.



Tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Tributs của Nga tham gia tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông /// Ảnh: Nhân Dân nhật báo

 

Tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Tributs của Nga tham gia tập trận chung với Trung Quốc ở Biển ĐôngẢNH: NHÂN DÂN NHẬT BÁO

Sau 3 ngày chuẩn bị ở TP.Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, 2 hạm đội Trung Quốc và Nga hôm 15.9 bắt đầu di chuyển ra Biển Đông tập trận cho đến ngày 19.9. Tham gia cuộc tập trận chung mang tên Joint Sea 2016 có tổng cộng 13 tàu nổi, 2 tàu ngầm, 11 máy bay cánh bằng, 10 trực thăng, một số thiết bị đổ bộ cùng 256 lính thủy đánh bộ, theo Tân Hoa xã.
Đổ bộ chiếm đảo
Theo kế hoạch, 2 bên tiến hành diễn tập chống tàu ngầm, phòng không, đổ bộ chiếm đảo, tìm kiếm cứu hộ, kiểm tra và sử dụng vũ khí. Đỉnh điểm của đợt tập trận là một cuộc đổ bộ và tấn công từ trên không để đánh chiếm một hòn đảo, theo Đài RT. Hải quân Trung Quốc khẳng định cuộc tập trận nhằm tăng cường hợp tác và không nhắm vào nước nào; còn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố hoạt động này nhằm hỗ trợ tăng cường ổn định ở khu vực.
Thực tế là cuộc tập trận chung lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc phủ nhận phán quyết ngày 12.7 của Tòa trọng tài bác bỏ “đường lưỡi bò”, còn Nga đã bày tỏ ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh đối với phán quyết. Do đó, một số nhà quan sát cho rằng thông qua cuộc tập trận, Trung Quốc muốn lập lờ rằng có một cường quốc như Nga đứng về phía mình trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, sự ủng hộ của Moscow dành cho Bắc Kinh chỉ gói gọn trong vấn đề phán quyết của toà với hàm ý phản đối sự can thiệp của bên ngoài vào châu Á – Thái Bình Dương và đối tượng chính ở đây là Mỹ. Nga vẫn rất thận trọng trong việc tỏ thái độ liên quan trực tiếp đến tranh chấp trên Biển Đông và không muốn để dư luận hiểu rằng mình về phe Trung Quốc.
Theo giới chuyên gia, đó là lý do khu vực tập trận nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, không thuộc vùng tranh chấp và Nga chỉ huy động một số tàu chiến cũ từ thời Liên Xô tham gia tập trận cũng như không mang đến tàu ngầm.
Mặt khác, tờ South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích Antony Wong ở Macau chỉ ra rằng hệ thống thông tin chung mà 2 bên sử dụng trong tập trận chỉ giới hạn cho việc trao đổi radar và dữ liệu sonar. “Hệ thống này không cung cấp kết nối dữ liệu chiến thuật, tức đường dây liên lạc được chuẩn hoá qua sóng vô tuyến mà các đồng minh quân sự sử dụng. So sánh với hệ thống kết nối dữ liệu mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh NATO, có thể thấy gần như không có sự tin tưởng giữa Trung Quốc và Nga”, ông Wong nhận định.
Nhật tăng cường hiện diện
Trong khi đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada hôm qua chỉ trích Trung Quốc phủ nhận phán quyết và quân sự h Biển Đông. “Những hành động này cho thấy Trung Quốc cố tình đơn phương thay đổi hiện trạng, tạo ra việc đã rồi và phá hoại những chuẩn mực phổ biến”, Kyodo News dẫn lời bà Inada nói.
Nữ bộ trưởng cảnh báo nếu thế giới chấp nhận những ý đồ “bẻ cong pháp luật” thì “hậu quả có thể trở thành vấn đề toàn cầu”. “Trong bối cảnh này, tôi ủng hộ mạnh mẽ những chiến dịch tự do hàng hải của hải quân Mỹ. Về phần mình, Nhật sẽ gia tăng vai trò ở Biển Đông thông qua tham gia tuần tra huấn luyện chung với Mỹ, tập trận song phương và đa phương với các nước khu vực”, Bộ trưởng Inada tuyên bố.
Bà cho biết thêm Nhật cũng sẽ tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cho những quốc gia ven biển Biển Đông. Đáp lại, hải quân Mỹ nhấn mạnh: “Mỹ hoan nghênh Nhật mở rộng hoạt động ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục các biện pháp nâng cao nỗ lực hợp tác song phương để đóng góp cho an ninh và ổn định của khu vực”.
Philippines chưa đàm phán song phương với Trung Quốc
Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr đưa ra tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) hôm qua 16.9. Ông lý giải rằng hai bên còn bất đồng về điều kiện đàm phán. Manila muốn đàm phán phải dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông trong khi Bắc Kinh chỉ muốn đàm phán ngoài khuôn khổ phán quyết.
Cũng tại CSIS, ông Yasay cũng bất ngờ tuyên bố người Philippines “không phải là em nhỏ của người Mỹ” nên không cần tiếp tục được dạy dỗ về nhân quyền, theo tờ The Philippine Star. Thời gian qua, quan hệ đồng minh giữa Philippines và Mỹ có dấu hiệu trục trặc khi bất đồng về nhiều vấn đề. Tổng thống Rodrigo Duterte liên tục có những phát ngôn gây sốc nhằm vào Washington và giới chức Manila thường xuyên phải “nói lại cho rõ”.
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời một số quan chức Mỹ nói chính quyền Tổng thống Barack Obama “sửng sốt” trước những động thái của Philippines và đang tiếp tục theo dõi tình hình. Tuy nhiên, Washington cũng đã phát tín hiệu cảnh báo khi một quan chức cấp cao cho rằng Tổng thống Duterte đang “tự cô lập với giới chính trị tinh hoa và quân đội Philippines” vì cả hai đều muốn có quan hệ vững chắc với Mỹ để ứng phó Trung Quốc.
Hiện không những đồng minh hoang mang mà cả Trung Quốc cũng tỏ ra khó hiểu về các diễn biến từ Philippines. Trong bài xã luận mới đây, Hoàn Cầu thời báo viết: “Với tính khí của ông Duterte, dù chỉ trích ai đi nữa, ông ấy cũng sẽ không dễ để bất kỳ bên thứ ba nào lợi dụng. Về lâu dài, Trung Quốc khó có thể dễ dàng ứng phó ông ấy”.


 

Văn Khoa