28/12/2024

Nhóm sinh viên miệt mài 5 năm tạo phần mềm ‘trợ lý ảo’ giúp người Việt

Nhóm sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đã mất 5 năm để nghiên cứu một phần mềm vì cộng đồng, là một trợ lý ảo có thể nghe, hiểu và trả lời được bằng tiếng Việt.

 

Nhóm sinh viên miệt mài 5 năm tạo phần mềm ‘trợ lý ảo’ giúp người Việt

Nhóm sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đã mất 5 năm để nghiên cứu một phần mềm vì cộng đồng, là một trợ lý ảo có thể nghe, hiểu và trả lời được bằng tiếng Việt.




Nhóm tác giả của ứng dụng  /// Ảnh: Nữ Vương

 

Nhóm tác giả của ứng dụngẢNH: NỮ VƯƠNG

Nhiều tiện ích
Từ thực tế nhìn thấy những người già, người khuyết tật gặp khó khăn trong việc điều khiển các thiết bị công nghệ hiện đại, hay sự nguy hiểm khi bác tài xế sử dụng điện thoại di động lúc lái xe, các thành viên trong nhóm suy nghĩ: “giá mà chỉ nói với cái điện thoại rồi nó làm hết thì hay quá”.
“Trợ lý ảo” là cụm từ dùng để chỉ tính năng điều khiển thiết bị bằng giọng nói. Người sử dụng có thể tương tác với thiết bị mà không cần chạm vào màn hình, chỉ cần nói hoặc ra lệnh để Umind (tên của phần mềm) thực hiện.
Nguyễn Việt Quốc (trưởng nhóm) cho biết Umind có thể gọi điện thoại với nhiều câu lệnh khác nhau. Người dùng có thể nói Umind gọi cho anh A, chị B… đã có tên trong danh bạ, Umind sẽ lập tức gọi đến. Hoặc bạn có thể đọc số và Umind tự động gọi đến số đó. Với chức năng nhắn tin, người dùng có thể yêu cầu Umind đọc tin nhắn hoặc nhắn lại nội dung bạn đã đọc và yêu cầu gửi tới số điện thoại hay tên trong danh bạ. Umind đáp ứng rất nhanh chóng và chính xác.
Bên cạnh đó, ứng dụng còn có rất nhiều tiện ích như chỉ đường, báo thức, sắp xếp lịch trình làm việc, dạy nấu ăn… Với chức năng chỉ đường, chỉ cần bạn nói muốn đến địa điểm nào, ngay lập tức hệ thống sẽ định vị vị trí bạn đang đứng và tìm đường ngắn nhất, nhanh nhất đến địa điểm bạn đã yêu cầu.
Về chức năng báo thức, người dùng không cần nhiều bước để cài đặt. Thay vào đó, chỉ bằng một câu lệnh ngắn như “gọi tôi lúc 6 giờ sáng” hay “báo thức lúc 6 giờ sáng” thì báo thức sẽ được thiết lập.
“Bạn không cần phải thuê một cô trợ lý hay phải đem theo những lịch trình công việc dày đặc bên mình. Với Umind, bạn có thể yên tâm rằng lịch làm việc của mình được sắp xếp và sẽ được thông báo rất đầy đủ và chính xác”, Hồ Nguyễn Anh Phong, thành viên nhóm, ví ứng dụng của nhóm như một cô trợ lý thông minh.
Nhóm cũng đã nghiên cứu và áp dụng thành công tính năng mà nhóm cho là quan trọng nhất của ứng dụng. “Umind có thể kết nối với rất nhiều thiết bị điện trong nhà để điều khiển. Hãy tưởng tượng bạn đã đi ngủ nhưng quên tắt đèn phòng khách. Hay bạn ra khỏi nhà mới phát hiện mình chưa tắt điều hoà thì vẫn một câu nói và Umind sẽ tắt cho bạn”, Quốc tâm đắc.
Ứng dụng có thể học từ người
Nhóm của Quốc đã mất khoảng thời gian 5 năm để nghiên cứu và 5 tháng hoàn thiện sản phẩm đưa ra thị trường. “Hiện nay trên thị trường cũng đã có những trợ lý ảo tiên tiến, tuy nhiên mình muốn tạo ra một trợ lý ảo dành riêng cho người Việt. Có thể nghe, hiểu và trả lời bằng tiếng Việt”, Quốc tâm sự.
Đấy cũng chính là lý do hao tốn nhiều thời gian của nhóm để nghiên cứu thành công ứng dụng với nhiều ưu điểm vượt trội.
Ứng dụng gồm có 3 phần, phần chuyển giọng nói sang văn bản, xử lý ngôn ngữ tự nhiên rồi lại chuyển văn bản sang giọng nói. Mỗi phần gắn với một module điều khiển riêng biệt.
Trong tất cả 3 phần này, phần xử lý ngôn ngữ tự nhiên là phần gây nhiều thử thách cho nhóm nhất. Bởi tiếng Việt vô cùng phức tạp, để hiểu được ý nghĩa của các câu nói, câu lệnh của người dùng hoàn toàn không phải là một chuyện đơn giản.
“Đôi khi người với người khi nói chuyện với nhau còn chưa chắc hiểu hết được đối phương muốn gì. Huống chi là một phần mềm”, Phong nói.
Cũng theo Phong, tiếng Việt không có một quy chuẩn hay một cấu trúc nào để máy có thể hiểu được theo một cách logic. Mặt khác, dữ liệu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt không có nhiều nên nhóm đã nghiên cứu và sử dụng một ứng dụng mang tên Deep learning.
Với Deep learning, Umind có thể “học” từ người dùng. Chính vì thế ứng dụng hoàn toàn không bị giới hạn bởi các tính năng trong điện thoại. “Umind sẽ “học” mọi người và dần trở nên thông minh hơn; xử lý được nhiều dạng câu hỏi hơn. Nhóm đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp tiên tiến nhất để Umind có thể phân biệt điều đã được học rồi và không học lại nữa”, Phong cho biết.
Địa chỉ để đăng ký tải ứng dụng: http://umind.io/
Sản phẩm Umind là một sáng tạo có tính ứng dụng rất cao cho người dùng. Nhất là trong thời buổi công nghệ đang phát triển như hiện nay, sản phẩm là minh chứng cho sự nắm bắt và phát triển nhanh chóng theo xu hướng của thế giới. Công nghệ sẽ thay thế con người trong những công việc hằng ngày và cụ thể sản phẩm sẽ như một cô thư ký mà lúc nào vẫn có thể đi bên mình, hỗ trợ thông tin, tìm kiếm địa chỉ… một cách nhanh nhất, chính xác nhất.
Ông Nguyễn Minh Sơn
(Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM)

 

Nữ Vương