Lực lượng cận vệ thiện chiến của thủ tướng Hun Sen
Đây là lực lượng trung thành nhất với nhà lãnh đạo Campuchia và được cho là trang bị “tận răng” để bảo vệ “vòng trong” cho Thủ tướng Hun Sen.
Lực lượng cận vệ thiện chiến của thủ tướng Hun Sen
Đây là lực lượng trung thành nhất với nhà lãnh đạo Campuchia và được cho là trang bị “tận răng” để bảo vệ “vòng trong” cho Thủ tướng Hun Sen.
Lực lượng cảnh vệ bịt mặt diễu binh hôm 4-9 ở bản doanh tại thành phố Takhmao – Ảnh: AKP |
Hôm 4-9 vừa qua, lực lượng cận vệ của Thủ tướng Hun Sen đã kỷ niệm ngày thành lập với những cuộc phô diễn sức mạnh tại thành phố Takhmao, tỉnh Kandal – nơi lực lượng này đặt bản doanh. Đây là địa điểm cách thủ đô Phnom Penh 10km về phía nam.
Có một điều đáng chú ý là dường như giới truyền thông Campuchia cũng không rõ về quá trình hình thành của lực lượng này. Như hôm 5-9, tờ The Cambodia Daily đưa tin là kỷ niệm bảy năm thành lập trong khi tờ The Phnom Penh Post lại nói là 26 năm!
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học New South Wales (Úc), cũng cho rằng Bộ Tư lệnh cảnh vệ của Thủ tướng Hun Sen được thành lập năm 2009 nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Thủ tướng cùng gia đình, các lãnh đạo, cơ quan chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, nó còn có nhiệm vụ huấn luyện, nghiên cứu và giữ gìn an ninh, phát triển xã hội, hậu cần, tài chính và công nghệ.
Theo GS Thayer, đơn vị này được tách ra từ Lữ đoàn bảo vệ 70 theo một quyết định của Thủ tướng Hun Sen vào tháng 9-2009 và trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF).
Cũng có nguồn tin giải thích lực lượng cận vệ này được thành lập vào năm 1995 và được phiên vào tiểu đoàn 246 dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông Hun Sen. Đến tháng 9-2009 đơn vị này lại được tách ra thành một đơn vị độc lập. |
Lực lượng cảnh vệ được tranh bị thiết giáp – Ảnh: AKP |
Lữ đoàn 70 vẫn chịu trách nhiệm bảo vệ Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện Campuchia, các sĩ quan và tướng lĩnh cao cấp của Bộ Quốc phòng Campuchia, lãnh đạo thành phố Phnom Penh và các đoàn khách quốc tế đến thăm Campuchia.
Theo đánh giá của giới quan sát quốc tế, Lữ đoàn còn là lực lượng dự bị, hậu thuẫn và có liên quan mật thiết với Bộ Tư lệnh cảnh vệ của Thủ tướng Hun Sen. Nói cách khác, đây có thể coi là lực lượng bảo vệ vòng ngoài của ông Hun Sen. Hoạt động của Lữ đoàn được báo cáo trực tiếp với Thủ tướng.
Trong khi đó, giới truyền thông ở Campuchia vẫn gọi Bộ Tư lệnh cảnh vệ là “đội cận vệ của Thủ tướng Hun Sen”.
Không ai rõ lực lượng này có bao nhiêu thành viên nhưng các con số đưa ra hiện nay là hơn 3.000 thành viên.
Đội cận vệ áo đen, mắt kính đen rất ngầu trong buổi duyệt binh – Ảnh: AKP |
Có một điều chắc chắn là đây là lực lượng được đào tạo tốt nhất và được trang bị tốt nhất trong lực lượng vũ trang của Campuchia hiện nay. Mọi chi phí tài chính, hậu cần, các hoạt động hỗ trợ đào tạo lực lượng này đều do Bộ Quốc phòng Campuchia và RCAF chịu trách nhiệm.
Trong một văn bản của Đại sứ quán Mỹ hồi năm 1995, đại sứ Mỹ Charles Twining từng mô tả ông Hun Sen là người quá chú trọng đến an toàn cá nhân. Theo lời đại sứ Mỹ, ông Hun Sen thường đi công cán trong nước với đội cận vệ lên đến 60 người – nhiều hơn bất kỳ lực lượng cận vệ nào của các lãnh đạo chính trị Campuchia lúc đó.
Ông Sebastian Strangio, tác giả cuốn sách “Campuchia của Hun Sen” cho rằng từ năm 1996, lực lượng cận vệ của ông Hun Sen đã lên hơn 1.000 thành viên, được trang bị xe tăng, thiết giáp và trực thăng.
Phần lớn lực lượng này trú đóng tại căn cứ Tuol Krasang mà cánh nhà báo nước ngoài thường gọi là “Hang Hùm”.
Ngoài ra còn có hàng trăm cận vệ đóng tại trụ sở đảng Nhân dân Campuchia (CPP) nằm ở phía sau dinh thự của ông Hun Sen ở thủ đô Phnom Penh.
Theo lời tác giả Sebastian Strangio, lực lượng cận vệ của thủ tướng Hun Sen nhận lương tháng khoảng 300 USD trong khi binh sĩ bình thường chỉ nhận khoảng 13 USD.
Đội hình thiết giáp của đội cảnh vệ của thủ tướng Hun Sen – Ảnh: AKP |
Theo những hình ảnh đã xuất hiện mấy ngày qua thì thấy lực lượng này được trang bị xe thiết giáp, súng phóng tên lửa và súng máy do Trung Quốc sản xuất.
Trong ngày kỷ niệm của lực lượng cận vệ hôm 4-9 có sự xuất hiện của cả tướng Pol Saroeun, tổng tư lệnh quân đội. Ông đã chủ trì buổi lễ duyệt binh của lực lượng này.
Cũng trong buổi lễ, tướng Saroeun, người được ông Hun Sen bổ nhiệm làm tổng tư lệnh năm 2009, tuyên bố lực lượng “tuyệt đối trung thành” với Thủ tướng Hun Sen và gia đình Thủ tướng
Tướng Hing Bun Heang – Tư lệnh cảnh vệ Thủ tướng Hun Sen – cũng phát biểu rằng lực lượng của ông tuyên bố trung thành với nhiệm vụ “bảo vệ an toàn cho các lãnh đạo cấp cao của chính phủ và chính quyền và tuân theo các chỉ thị của chính phủ đã được bầu hợp pháp”.
Tướng Heang cũng không quên nhấn mạnh đến sứ mạng cứu hộ của lực lượng này khi đất nước gặp phải thiên tai bão lũ.
Trong những ngày đối đầu với phe đối lập thuộc đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) mấy ngày gần đây, tướng Heang cũng tuyên bố đưa lực lượng bao vây, truy đuổi những thành viên của CNRP vi phạm luật pháp vì cho rằng đó cũng là nhiệm vụ của lực lượng của ông.
Theo Báo cáo Cán cân Quân sự 2009 (Military Balance 2009) của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế London (IISS) thì Lữ đoàn 70 bao gồm 4 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có số lượng từ 600 – 1.500 người, được chia làm các đơn vị đặc biệt chống khủng bố, đơn vị phản ứng nhanh và lực lượng dự bị. |