28/12/2024

Philippines đi đường đối ngoại nào?

Các nhà phân tích chính trị nhận xét Tổng thống Rodrigo Duterte đang lèo lái con thuyền đối ngoại của Philippines rẽ sang một hướng khác, xa cách những đồng minh cũ.

 

Philippines đi đường đối ngoại nào?

Các nhà phân tích chính trị nhận xét Tổng thống Rodrigo Duterte đang lèo lái con thuyền đối ngoại của Philippines rẽ sang một hướng khác, xa cách những đồng minh cũ.

 

 

Liên tục trong hai ngày đầu tuần, Tổng thống Duterte có những phát ngôn gây sự chú ý cả trong lẫn ngoài nước: đầu tiên là kêu gọi lực lượng cố vấn quân sự Mỹ rút khỏi Mindanao, miền nam Philippines.

Tiếp theo, ông tuyên bố không muốn Hải quân Philippines tuần tra chung với Mỹ ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Lời giải thích được người phát ngôn của ông Duterte đưa ra là “Manila muốn theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập”…

“Tôi không muốn rắc rối”

Tổng thống Duterte – người có mối quan hệ không mấy dễ chịu với Washington chỉ sau hơn hai tháng nhậm chức – “thổ lộ” rằng ông từ lâu đã muốn cân nhắc lại chính sách đối ngoại của Philippines, nhưng vẫn còn chần chừ vì “không muốn rạn nứt với Mỹ”.

Giới quan sát cho rằng nếu quả thật ông Duterte “nói đi đôi với làm”, thì chỉ riêng hai động thái trên sẽ làm xói mòn đáng kể nỗ lực xây dựng mối quan hệ chiến lược với Mỹ của các đời tổng thống tiền nhiệm.

Phát biểu trước các quan chức Philippines hôm 13-9, ông Duterte khẳng định chỉ muốn quân đội Philippines tuần tra vùng lãnh hải 12 hải lý, bỏ qua các khu vực đang tranh chấp vì ông “không muốn rắc rối”.

Nhà lãnh đạo cho rằng tham gia tuần tra chung với Mỹ hoặc Trung Quốc có thể khiến Philippines mắc kẹt giữa xung đột.

Ông Duterte không giải thích thêm về hành động cụ thể, nhưng dường như thỏa thuận tuần tra chung Biển Đông đạt được giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Philippines hồi tháng 4-2016 đang “ngàn cân treo sợi tóc”.

Chưa hết, ông Duterte còn cho biết đang cân nhắc mua trang thiết bị quốc phòng của Nga và Trung Quốc, trong khi trước nay Manila phụ thuộc chủ yếu vào Mỹ và các đồng minh phương Tây trong lĩnh vực này.

Mới trước đó một ngày, ông Duterte chỉ trích sự hiện diện quân sự của Mỹ ở miền nam Philippines thổi bùng sự thù hằn của các nhóm nổi dậy Hồi giáo. “Ngày nào còn ở với Mỹ, chúng ta sẽ không có hoà bình ở Mindanao” – tổng thống Philippines khẳng định.

Tuy vậy, các quan chức quân đội cao cấp và Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay sau đó trấn an dư luận rằng quan hệ chiến lược Philippines – Mỹ vẫn sẽ được duy trì.

“Nền đối ngoại độc lập”

Bộ Ngoại giao Mỹ phản ứng trước các phát ngôn của tổng thống Philippines khá chừng mực và cho biết chưa nhận được bất cứ yêu cầu nào từ Manila về việc rút lực lượng khỏi Mindanao.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest “nhẹ nhàng” bình luận ông Duterte có khuynh hướng đưa ra những phát ngôn “phong phú” kiểu tỉ phú Donald Trump.

Nhưng dù Washington cố tỏ ra không để bụng và một số quan chức Philippines đã đứng ra “chữa cháy” cho phát ngôn của tổng thống, giới phân tích không khỏi lưu ý dấu hiệu Manila đang muốn giữ khoảng cách với Mỹ.

Cụ thể nhất là lời giải thích của người phát ngôn tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella, trên truyền thông địa phương.

Theo ông Abella, những phát ngôn của ông Duterte thể hiện định hướng mới của chính phủ tiến tới “một nền đối ngoại độc lập”.

Thật sự có không ít người bày tỏ sự đồng tình với chính sách “thoát ly Mỹ” của ông Duterte tại Philippines. Giáo sư Dennis Quilala thuộc Đại học Philippines nhận xét quan điểm của ông Duterte đánh dấu sự thay đổi so với các chính quyền thời kỳ trước.

“Điều rõ ràng bây giờ là Mỹ không phải là lựa chọn duy nhất của Philippines. Những lợi ích khác sẽ được cân nhắc” – ông Quilala đánh giá.

Tờ Manila Times cảnh báo: “Nếu trở nên quá gần gũi với Mỹ, Philippines sẽ gặp rủi ro bị kéo vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Nó tiềm tàng những nguy hiểm nghiêm trọng đối với lợi ích quốc gia và người dân Philippines”.

Còn ông Mark Thompson, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Thành thị Hong Kong, nhận định ông Duterte đang đi theo con đường chủ nghĩa dân tộc chưa từng biểu hiện ở các thời kỳ trước.

Bắc Kinh đánh tiếng rằng quan hệ Trung Quốc – Philippines đang ở “bước ngoặt” và hi vọng Manila sẽ giải quyết tranh chấp “một cách hợp lý” để giúp khôi phục tình hữu nghị.

Theo Reuters, “lời ngỏ” trên được Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đưa ra khi tiếp một phái đoàn Philippines sang Trung Quốc ngày 13-9.

Phái đoàn Philippines 16 người đến Trung Quốc lần này bao gồm chủ yếu các nhà ngoại giao đã về hưu và dẫn đầu bởi Rafael Alunan, một người thân cận của cựu tổng thống Fidel Ramos, người từng được Tổng thống Duterte chọn làm đặc phái viên đi “phá băng” quan hệ với Trung Quốc.

Tại cuộc gặp mới nhất, Thứ trưởng Lưu nhấn mạnh: “Hiện tại, quan hệ Trung Quốc – Philippines đang ở bước ngoặt mới.

Trung Quốc hi vọng có thể cùng Philippines tìm tiếng nói chung, giải quyết các tranh chấp một cách hợp lý và đưa quan hệ trở lại con đường đối thoại và hợp tác hữu nghị”.

“Chúng ta không tuần tra hay tham gia bất cứ quân đội nước ngoài nào kể từ bây giờ vì tôi không muốn rắc rối. Tôi không muốn chơi nhiệt tình nhưng thiếu cẩn trọng với Trung Quốc hay Mỹ. Tôi chỉ muốn tuần tra lãnh hải của chúng ta

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte

 

MINH TRUNG