28/12/2024

Người trong cuộc 
nói về thi đánh giá năng lực

Phương án đổi mới kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra được dựa trên nền tảng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội.

 

Người trong cuộc 
nói về thi đánh giá năng lực

Phương án đổi mới kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra được dựa trên nền tảng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội.

 

 

 

Người trong cuộc 
nói về thi đánh giá năng lực
Các thí sinh chuẩn bị làm bài thi tại phòng máy, mỗi thí sinh có một đề thi riêng do máy tính tổ hợp trong kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội – Ảnh: HIẾU LƯƠNG

Tuy nhiên, trong dư luận đã có những ý kiến nghi ngờ giá trị đo lường của phương thức thi này khi đưa ra vấn đề: kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội chưa có những tổng kết, đánh giá, công bố rộng rãi thì làm sao thuyết phục được về độ tin cậy?

Người trong cuộc 
nói về thi đánh giá năng lực
TS Sái Công Hồng – Ảnh: QUỐC TOẢN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Sái Công Hồng – giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội – 
chia sẻ:

– Từ năm 2012, ĐHQG Hà Nội đã được Bộ GD-ĐT giao nghiên cứu thí điểm đổi mới tuyển sinh bậc ĐH. Trong quá trình triển khai thí điểm điều này từ năm 2014 đến nay, hằng năm sau khi tổng kết công tác tuyển sinh, chúng tôi đều có gửi báo cáo đến các cơ quan chủ quản và các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, bản thân tôi được ĐHQG Hà Nội giao làm chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu, đánh giá về mối tương quan giữa điểm thi của bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và điểm thi THPT quốc gia trong thời gian hai năm (2015-2016).

Chúng tôi đã khảo sát trên 2.500 thí sinh trúng tuyển vào ĐHQG Hà Nội năm 2015, thu thập dữ liệu điểm thi các môn thi THPT quốc gia và điểm trung bình học tập các môn học năm lớp 12 của các thí sinh này để phân tích đối sánh với kết quả của bài thi đánh giá năng lực. Nghiên cứu này cho thấy mối tương quan hoàn toàn chặt chẽ giữa kết quả thi bài thi đánh giá năng lực và kết quả của kỳ thi THPT quốc gia trên từng thí sinh cụ thể.

Những kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chúng tôi từng bước công bố trên các tạp chí khoa học thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục từ tháng 6 đến tháng 9-2016. Vì thế nếu nói chúng tôi không tổng kết, đánh giá kỳ thi này là chưa chính xác.

* Quy trình và đội ngũ làm đề thi đánh giá năng lực mà ĐHQG Hà Nội đang vận dụng khác biệt gì so với cách làm đề thi truyền thống để đảm bảo tính khách quan, ngăn ngừa những tiêu cực, thưa ông?

– Trong ba năm qua, ĐHQG Hà Nội đã huy động hơn 100 thầy cô giáo tham gia viết và thẩm định câu hỏi thi. Chúng tôi thực hiện bảo mật công tác xây dựng câu hỏi thi thông qua quy trình thực hiện với 12 bước nghiêm ngặt.

Ngoài việc ký cam kết về pháp lý, mỗi chuyên gia tham gia làm đề cho ngân hàng đề thi chỉ được giao 1-2 nội dung nhỏ trong cấu trúc đề thi và mỗi thầy cô tham gia xây dựng câu hỏi thi chỉ làm một bước trong quy trình xây dựng câu hỏi thi.

Theo quy định, việc ĐHQG Hà Nội ra quyết định mời thầy cô nào tham gia viết và thẩm định các câu hỏi thi phải được bảo mật, không thể công khai. Với lợi thế của một đơn vị đào tạo có đầy đủ các ngành khoa học cơ bản và có ba trường THPT thuộc các trường thành viên, chúng tôi khai thác được đội ngũ các thầy cô tham gia viết, thẩm định câu hỏi thi phong phú ở hầu hết các khoa cơ bản quan trọng, gắn với các môn học ở bậc phổ thông và các trường THPT chuyên thuộc các trường ĐH thành viên.

* Một số nhà toán học cho rằng không nên thi trắc nghiệm đối với môn toán, do đặc thù của môn học này là phát triển tư duy, phù hợp với cách thi tự luận. Ý kiến của ông trước nhận định này?

– Đó là quan điểm của mỗi người, tôi không bàn luận. Việc thi toán bằng hình thức trắc nghiệm có thể là mới với chúng ta, nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Trắc nghiệm môn toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ. Mỗi bài thi này có trên 50 câu hỏi toán hoàn toàn thi bằng hình thức trắc nghiệm.

Hằng năm, mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1.800 trường ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ. Đề thi trắc nghiệm khách quan được thiết kế tốt sẽ đánh giá được chính xác năng lực ở các mức độ khác nhau của người học. Trong mỗi bài toán, dù có nhiều cách giải khác nhau nhưng phải cùng đến một đáp số.

Đối với ĐHQG Hà Nội, khi thiết kế câu hỏi thi trắc nghiệm môn toán nói riêng cũng như các môn khác, các chuyên gia đã tính toán tối thiểu phải qua bao nhiêu bước tư duy, tốn bao nhiêu thời gian mới tìm ra được đáp án đúng. Nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian, các thí sinh này thật sự có năng lực bậc cao để giải quyết hết các câu hỏi trong bài thi.

Ba năm triển khai thi đánh giá năng lực ở ĐHQG Hà Nội cho thấy: với 50 câu hỏi trắc nghiệm môn toán đã đánh giá, phân loại được thí sinh theo một phổ điểm tương đối chuẩn và khi phân tích đối sánh với điểm môn toán của kỳ thi THPT quốc gia (thi bằng hình thức tự luận) cũng như kết quả học tập môn toán lớp 12 của nhóm thí sinh chúng tôi khảo sát đánh giá, kết quả là hoàn toàn tương đồng.

* Ngân hàng đề thi vốn được xây dựng cho tuyển sinh đầu vào của ĐHQG Hà Nội có đủ về quy mô và tương thích về độ khó để chia sẻ cho một kỳ thi có kết quả vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa để tuyển sinh ĐH, thưa ông?

– Từ khi ĐHQG Hà Nội chính thức chọn phương thức thi đánh giá năng lực để tuyển chọn thí sinh vào các ngành đào tạo vào năm 2014, chúng tôi phải mất gần một năm rưỡi để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, với khoảng 4.000 câu hỏi phục vụ kỳ thi năm 2015.

Nhưng từ năm 2015 đến nay, với sự đầu tư mạnh mẽ của ĐHQG Hà Nội cùng với kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi đã bổ sung được khoảng 13.000 câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng quy mô của ngân hàng đề thi lên khoảng 17.000 câu hỏi.

Dĩ nhiên sau hai kỳ tuyển sinh vừa qua, chúng tôi phải sàng lọc, bỏ đi những câu hỏi không còn giá trị đo lường mà tất cả thí sinh đều trả lời được và bổ sung các câu hỏi mới.

Thực tế, ngân hàng câu hỏi được xây dựng trong ba năm qua của ĐHQG Hà Nội nhằm mục đích đánh giá năng lực, tuyển sinh ĐH đầu vào cho ĐHQG Hà Nội. Vì thế, không phải tất cả số câu hỏi hiện có đều phù hợp chuyển giao cho Bộ GD-ĐT để sử dụng cho kỳ thi THPT quốc gia “hai trong một”.

Tôi xin khẳng định: ĐHQG Hà Nội không phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính về đề thi, mà công việc này thuộc về Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT vừa thành lập tổ công tác xây dựng đề thi minh họa. Bộ sẽ xây dựng cấu trúc đề thi.

Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ sàng lọc và phân loại những câu hỏi thi đã được thử nghiệm chuẩn hóa, phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia để chuyển cho Bộ GD-ĐT sử dụng theo cấu trúc đề thi được phê duyệt.

NGỌC HÀ – VĨNH HÀ