Lãi suất nhích theo mùa làm ăn cuối năm
Sau một thời gian ngắn ổn định, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng nhẹ lãi suất huy động khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng theo trong khi đang bước vào cao điểm mùa làm ăn cuối năm.
Lãi suất nhích theo mùa làm ăn cuối năm
Sau một thời gian ngắn ổn định, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng nhẹ lãi suất huy động khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng theo trong khi đang bước vào cao điểm mùa làm ăn cuối năm.
Với xu hướng tăng lãi suất huy động hiện nay, nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo trong mùa làm ăn cuối năm – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Nhiều ngân hàng (NH) thừa nhận khó giữ được lãi suất (LS) cho vay ổn định trong những tháng cuối năm, do nhu cầu vay vốn làm ăn tăng, trong khi huy động vốn những tháng đầu năm tăng chậm hơn cho vay.
Đồng loạt tăng lãi suất
Ngân hàng Bản Việt vừa tăng LS tiền gửi, theo đó LS kỳ hạn 6 tháng tăng 0,1%/năm, lên 7,1%/năm, kỳ hạn 13 tháng LS tăng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm. Mức LS huy động kỳ hạn 18 tháng ở mức 8,2%/năm tại NH này cũng được ghi nhận là mức cao nhất thị trường hiện nay.
Trước đó, hàng loạt NH khác cũng tăng LS như VPBank, Eximbank, Nam Á, Hàng Hải… Cụ thể, VPBank tăng 0,2%/năm với LS kỳ hạn từ 1-3 tháng, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1%/năm, lên 6,7%/năm. Còn Eximbank tăng LS kỳ hạn từ 1-12 tháng, với mức tăng 0,1-0,2%/năm.
Có nhiều nguyên nhân khiến LS nhích lên trong thời gian gần đây. Theo giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH lớn tại TP.HCM, việc NH Nhà nước đang hút tiền về thông qua việc phát hành tín phiếu với khối lượng khá lớn khiến nguồn tiền trên thị trường trở nên khan hơn.
Thêm vào đó bắt đầu vào cao điểm mùa làm ăn cuối năm, NH phải tăng LS để thu hút vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp (DN).
Chưa kể theo quy định mới của NH Nhà nước, từ năm 2017 các NH thương mại phải giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn 50%. Trong khi thời gian qua nhiều NH đã sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, buộc phải tăng LS huy động để kéo giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn.
Theo các NH, khi nhu cầu vốn tăng lên những tháng cuối năm, LS cho vay khó có thể giữ nguyên mà sẽ có xu hướng tăng chứ khó có khả năng giảm.
Doanh nghiệp lo ngay ngáy
Vừa trả xong khoản vay 640 triệu đồng cho NH sau thời gian vay 3 tháng, ông M.L., tổng giám đốc Công ty CP may MH (TP.HCM), cho biết ngoài LS, công ty còn phải trả thêm một số phí, phụ phí khác nên cộng lại cũng khá cao so với mặt bằng chung.
“Ngay sau khi có được nguồn trả nợ vay, tôi trả ngay vì nghe đâu sắp tới LS có thể tăng nữa”, ông M.L. tặc lưỡi nói.
Cũng vừa trả xong khoản vay dưới 500 triệu đồng với LS 8%/năm sau khi hoàn tất đơn hàng, ông Đặng Quốc Hùng, giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi, lo lắng cho rằng cuối năm sẽ có nhiều đơn hàng, không vay thì không đủ nguồn tiền để xoay vòng được, nhưng nếu LS tăng các DN nhỏ sẽ gặp khó.
“LS cho vay ở mức 7-8% DN mới mạnh dạn vay, chứ nếu cao hơn, chưa kể có thể bị điều chỉnh tăng giữa chừng, ngặt nghèo lắm mới nghĩ đến chuyện vay bởi lợi nhuận không đủ để trả lãi vay”, ông Hùng cho biết.
Ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết nhiều DN hội viên cũng bày tỏ lo ngại khả năng NH sẽ tăng LS trong thời gian tới. Theo ông Hưng, với việc NH liên tục tăng LS huy động như thời gian qua, LS cho vay cũng khó lòng giữ mức hiện nay.
“Chúng tôi vẫn thường nghe các DN nhỏ và vừa nói rằng họ rất khó tiếp cận được vốn vay NH, dù đã có nhiều giải pháp, quyết sách được đưa ra. Nhưng với những DN nào vay được, LS trở thành gánh nặng của họ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hưng, với các khoản vay trung và dài hạn, rất nhiều DN than phiền các NH đưa ra nhiều mức LS khác nhau cho từng hạn mức vay, chẳng hạn có NH đưa ra gói vay có điều kiện từ năm thứ hai trở đi, DN phải trả lãi vay theo mức LS huy động 12 tháng (ở thời điểm hiện tại) cộng thêm 3%, tính ra DN chịu thiệt thòi rất nhiều nếu muốn đầu tư dài hạn.
Cho vay tăng nhanh hơn huy động vốn Theo số liệu của NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, dư nợ vay trung dài hạn vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ trên địa bàn với hơn 57%, dư nợ ngắn hạn chỉ chiếm 43%. Trong khi đó, huy động vốn từ đầu năm đến nay tăng chậm hơn cho vay. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8-2016, huy động vốn chỉ tăng 7,71% so với cuối năm 2015 trong khi tín dụng tăng 11,24%, mức tăng cao nhất trong vòng ba năm gần đây. |