Gỡ vướng cấp giấy chứng nhận nhà đất tại TP.HCM
Rất nhiều giải pháp được đưa ra tại phiên họp giải trình do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức hôm 8.9, nhằm gỡ vướng cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất trên địa bàn.
Gỡ vướng cấp giấy chứng nhận nhà đất tại TP.HCM
Rất nhiều giải pháp được đưa ra tại phiên họp giải trình do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức hôm 8.9, nhằm gỡ vướng cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất trên địa bàn.
Đại biểu HĐND Trương Lâm Danh cho biết trong các lần đi tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh, bức xúc rất nhiều. Như tại khu dân cư P.Tân Thới Nhất, Q.12, do Công ty CP thương mại du lịch làm chủ đầu tư, dân mua đất đã 10 năm nay nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận nhà đất (GCN) dù người mua đã thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nguyên nhân là chủ đầu tư chưa làm thủ tục cấp GCN cho dân.
Các hộ dân tại dự án dân cư Phú Lâm C, An Lạc do Tổng công ty địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư từ 2009 đến nay chưa cấp GCN cho dân… Nhiều đại biểu cũng cho biết cử tri mong muốn được cấp GCN với 7.000 trường hợp cấp phép xây dựng tạm theo Quyết định 27 của TP từ tháng 8.2014 đến nay.
TIN LIÊN QUAN
Mới đây, Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM đã gửi UBND TP dự thảo sửa Quyết định 33 của TP về hạn mức tách thửa.
Cấp giấy cho mua bán giấy tay
|
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, đến nay toàn TP đã cấp được hơn 1,4 triệu GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trên tổng số hơn 1,5 triệu nhà, đất.
Hiện còn tồn đọng hơn 100.000 trường hợp chưa được cấp GCN, trong đó: chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1.7.2004 là hơn 37.400 trường hợp; lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép không phù hợp quy hoạch là hơn 17.500 trường hợp; vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng chưa xử lý được là hơn 7.000 trường hợp; hơn 20.500 trường hợp người dân chưa có nhu cầu cấp GCN và hơn 26.500 trường hợp khác.
Cũng theo ông Thắng, với trường hợp người dân mua nhà đất bằng giấy tay sau ngày 1.7.2004, Sở đã kiến nghị và Bộ TN-MT đã bổ sung vào nghị định sửa đổi theo hướng sẽ cho phép cấp GCN đối với trường hợp sau: Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất bằng giấy tay từ trước ngày 1.1.2008; nhận chuyển nhượng, tặng cho từ ngày 1.1.2008 đến trước ngày 1.7.2014 đối với đất có giấy tờ hợp lệ; sử dụng đất do nhận thừa kế trước ngày 1.7.2014.
Đối với những trường hợp lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép không phù hợp quy hoạch hiện TP đã giao cho các sở, ngành rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Trường hợp nào sau điều chỉnh phù hợp với quy hoạch thì sẽ hướng dẫn người dân lập thủ tục cấp GCN.
Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng chưa được xử lý, UBND quận, huyện rà soát xử lý cấp GCN theo điều 22, Nghị định 43. Trường hợp không đủ điều kiện công nhận nhà, tài sản gắn liền với đất thì cấp GCN đối với đất, ghi nhận tài sản gắn liền với đất để quản lý. Đối với trường hợp người dân chưa có nhu cầu cấp GCN, chủ động mời người dân đủ điều kiện lên cấp GCN ngay, những hộ dân khó khăn về tài chính có thể ghi nợ tiền sử dụng đất…
Giảm thủ tục không cần thiết
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, cho rằng hiện TP còn hơn 100.000 trường hợp chưa được cấp GCN là khá lớn, trong đó đáng lưu ý là hơn 37.400 trường hợp chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay sau ngày 1.7.2004. Do đó, trường hợp nào thuộc thẩm quyền giải quyết được thì TP nên giải quyết ngay, còn trường hợp nào chưa được thì kiến nghị T.Ư.
Đối với hơn 17.500 trường hợp không cấp GCN được do không phù hợp quy hoạch, Nghị quyết 16 của TP đã giao UBND TP chỉ đạo rà soát lại. Thời gian qua, TP đã thu hồi hơn 500 dự án “treo”, đi liền với việc cấp khoảng 25.000 GCN cho người dân, nhưng thực tế con số này vẫn chưa được nhiều.
“Cần bảo vệ hơn nữa quyền lợi của người dân, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai của TP. Để giải quyết được trường hợp này, Sở QH-KT tiếp tục kiểm tra lại các đồ án quy hoạch, cái gì phù hợp thì để, cái gì không phù hợp thì dứt khoát điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi người dân. UBND các quận, huyện chỉ đạo quyết liệt việc này vì dự án nằm trên địa bàn, nên sẽ biết được người dân khổ như thế nào, dự án có khả thi hay không”, bà Tâm nói.
Để đẩy nhanh việc cấp GCN, bà Tâm nhấn mạnh: “Sở TN-MT phải làm sao để giảm thủ tục không cần thiết, suy nghĩ rút ngắn thời gian có lợi cho dân, cho quản lý nhà nước chứ không thể đề xuất kéo dài thời gian thêm nữa”.
Đình Sơn