Gập ghềnh đường đến tự do kinh doanh
Mặc dù Chính phủ đã hạ quyết tâm xử lý mọi cản trở bất hợp lý và bất hợp pháp cho kinh doanh nhưng con đường đến tự do kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam còn khá gập ghềnh.
Gập ghềnh đường đến tự do kinh doanh
Mặc dù Chính phủ đã hạ quyết tâm xử lý mọi cản trở bất hợp lý và bất hợp pháp cho kinh doanh nhưng con đường đến tự do kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam còn khá gập ghềnh.
Nhiều doanh nghiệp lo không được kinh doanh gas do quy định mới của nghị định 19/2016 về quản lý kinh doanh khí – Ảnh T.T.D. |
“Hãy mong tinh thần quyết liệt bảo vệ doanh nghiệp – dù chỉ là một doanh nghiệp nhỏ và không thuộc “thành phần chủ đạo” như cà phê Xin Chào – của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một bước tiến đầu tiên và mạnh mẽ với tác dụng dẫn lối tiên phong trên con đường dẫn tới tự do kinh doanh và chống hình sự hóa luật pháp kinh doanh vốn còn không ít cản trở này |
1 Nghe phê bình thẳng thắn của ông bộ trưởng Bộ Công thương rằng “chính chúng ta đang làm méo thị trường” với thuộc cấp, người ta không khỏi giật mình về độ vênh giữa các văn bản dưới luật – do các cơ quan thừa hành của Chính phủ lập và trình – với tinh thần của Luật doanh nghiệp và cam kết “cởi trói”, tạo sân chơi bình đẳng và chống hình sự hoá cho doanh nghiệp của Chính phủ.
Dường như trong việc soạn thảo nghị định 19, nghị định đang bị báo chí cho là vô hình trung dồn các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh gas vào con đường phá sản, các mục tiêu “quản lý nhà nước” và “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” đang được dùng như một thứ bung xung để ban hành các quy định bảo vệ những tay chơi lớn trên thị trường gas qua một cơ chế lobby chính sách nào đó?!
Khi liên tưởng đến vụ giới kinh doanh phân phối xe quyết liệt kiến nghị bỏ thông tư 20 – một thông tư cũng do chính Bộ Công thương chủ trì và đồng ý bãi bỏ – về điều kiện kinh doanh cho nhập khẩu và phân phối ôtô, buộc phải có giấy uỷ quyền chính hãng, người ta có thể thấy một pattern (hình mẫu) lặp đi lặp lại nhiều lần trong hoạt động lập pháp, khi nó được trao vào tay cơ quan hành pháp, đặc biệt khi cơ quan hành pháp đó cũng đồng thời là chủ sở hữu thay mặt Nhà nước sở hữu số lượng công ty, tập đoàn nhà nước lớn nhất.
Theo logic đó mà suy, chỉ có thể xử lý được gốc rễ vấn đề pháp luật gây mất bình đẳng và bóp méo thị trường khi nào chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước được thực hiện triệt để và cơ chế lập pháp được thay đổi căn bản.
2 Sân chơi kinh doanh chưa bình đẳng, thế còn quyền tự do kinh doanh thì sao? Câu trả lời có thể tìm thấy khi liên hệ đến vụ cà phê Xin Chào. Ba ngày sau khi trưởng Công an Bình Chánh và hai sĩ quan thuộc cấp bị cách chức vì sai phạm trong việc cố tình hình sự hóa vụ cà phê Xin Chào thì chủ quán cà phê này bị chính quyền địa phương xử lý trái pháp luật bằng một văn bản đã hết hiệu lực.
Những người có theo dõi vụ việc này không thể không liên tưởng tới tuyên bố của Thủ tướng trong hội nghị ngày 23-8: “…khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không làm đến nơi đến chốn để giải quyết…”.
Quan sát ngay từ ví dụ cà phê Xin Chào, người ta có thể thấy con đường đến tự do kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam còn khá gập ghềnh dù Chính phủ mới đã hạ quyết tâm xử lý mọi cản trở bất hợp lý và bất hợp pháp cho kinh doanh bằng một loạt quy định pháp luật và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ.
Lực cản bên trong bộ máy quan liêu quen nếp cũ và sức ỳ tư duy của từng cán bộ công chức với thói quen coi quản lý nhà nước như công cụ để “hành (doanh nghiệp) là chính” thay vì phục vụ có thể nói là những cản ngại chính cho đợt cải cách pháp chế doanh nghiệp kỳ này.
Xu hướng lạm dụng hình luật để “quản lý” kinh doanh có thể quan sát qua một ví dụ khác, cũng đang nóng hổi trên truyền thông: việc Chính phủ thống nhất quan điểm bỏ điều 292 với nội dung hình sự hóa vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ trái phép qua mạng máy tính, mạng viễn thông.
Có lẽ không hề là tình cờ khi điều này thuộc Bộ luật hình sự năm 2015 – một bộ luật có đến 130 sai sót pháp lý – khiến Quốc hội phải cho lùi thời gian áp dụng ngay trước khi bắt đầu có hiệu lực.
Trong vụ này, đích thân Thủ tướng yêu cầu ban soạn thảo Bộ Tư pháp, cũng như các bộ chịu trách nhiệm soạn thảo các dự luật khác phải rút kinh nghiệm nghiêm túc vì những sai sót này.
Một lần nữa, mẫu hình của cơ chế ban hành luật pháp mà các cơ quan hành pháp cũng chính là các cơ quan soạn thảo dự luật trước khi cơ quan lập pháp có cơ hội phê chuẩn có thể thấy rõ ở đây.
Có thể nói xu hướng này, ngoài việc tạo bất bình đẳng và bóp méo sân chơi kinh doanh, cũng là một loại “formula – công thức sản xuất” pháp luật để nhiều dư địa cho việc hình sự hoá nói riêng và thực trạng lạm quyền của các cơ quan hành pháp trong hoạt động lập pháp nói chung.
3 Có thể rút ra vài quan sát vắn tắt, việc chuyển từ một cơ chế pháp trị (rule-by-law) – nơi các cơ quan công quyền tùy nghi sử dụng và diễn dịch pháp luật để “trị dân” như quan chế phong kiến – sang một thể chế pháp quyền (rule-of-law) – nơi pháp luật được coi là những bộ tiêu chuẩn ứng xử chung của cả xã hội được ý chí toàn dân thông qua và có tác dụng bắt buộc thi hành một cách bình đẳng với cả cơ quan công quyền, công chức, doanh nghiệp và công dân – là một diễn trình dài và không dễ dàng.
Bước đầu tiên và quan trọng nhất của cải cách thể chế có lẽ chính là thay đổi não trạng và cách hành xử của bộ máy làm cải cách.