23/01/2025

Ý tưởng mới của cô giáo dạy sử

Những tư liệu, đoạn trích đánh giá về sự kiện lịch sử Việt Nam, qua cái nhìn của các sử gia nước ngoài, được đưa vào chương trình giảng dạy môn lịch sử ở bậc THPT sẽ giúp học sinh hào hứng hơn.

 

Ý tưởng mới của cô giáo dạy sử 

Những tư liệu, đoạn trích đánh giá về sự kiện lịch sử Việt Nam, qua cái nhìn của các sử gia nước ngoài, được đưa vào chương trình giảng dạy môn lịch sử ở bậc THPT sẽ giúp học sinh hào hứng hơn.

 

 

 

Ý tưởng mới của cô giáo dạy sử 
Cô Nhung trong giờ giảng bài lịch sử cho học sinh Trường THPT Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An – Ảnh: D.HÒA

Đó là nội dung sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử của cô giáo trẻ Phan Thị Hồng Nhung (28 tuổi, Trường THPT Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) gửi đến chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”.

Tốt nghiệp khoa sử Trường ĐH Vinh năm 2010, cô Nhung được nhận về Trường THPT Kim Liên công tác. Sáu năm đứng trên bục giảng, cô Nhung luôn trăn trở làm sao thay đổi cách dạy học để môn sử thực sự thu hút được học sinh.

“Những năm gần đây học sinh đang có xu hướng thiên về môn khoa học tự nhiên, chọn học theo khối A, B… không thích học các môn khoa học xã hội, nên những kiến thức đơn giản về môn sử các bạn cũng không nắm được” – cô Nhung tâm sự.

Mỗi mùa thi đến, chỉ số ít học sinh chọn môn sử là môn thi tự chọn khiến cô Nhung không khỏi chạnh lòng, suy nghĩ học trò đang quay lưng với môn học này.

“Nhiều học sinh nói với tôi rằng môn sử khó hơn các môn khác, vì kiến thức nhiều lại mang tính hàn lâm khô khan, nhiều sự kiện, ngày tháng khó nhớ. Việc dạy học ở trên lớp còn mang tính “cô đọc, trò chép”, học sinh ôn bài theo kiểu học vẹt, cốt chỉ trả bài cho giáo viên. Điều đó dẫn đến tâm lý và thói quen trong tư duy của học sinh xem nhẹ môn lịch sử, thậm chí nhiều em… sợ môn sử” – cô Nhung chia sẻ.

Từ thực tế đó, cô Nhung cho rằng để học sinh yêu thích môn lịch sử thì cần phải thay đổi sách giáo khoa, chương trình, cũng như phương pháp giảng dạy của giáo viên.

Tình cờ biết đến chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, sau gần hai tháng nung nấu ý tưởng, tìm kiếm tài liệu, cô Nhung đã nghiên cứu đề tài về khai thác và sử dụng nguồn tài liệu nước ngoài trong biên soạn chương trình lịch sử Việt Nam ở bậc THPT.

Với đề tài này, cô Nhung hi vọng ngành giáo dục sẽ có những cải cách, đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn trong việc dạy và học môn sử.

Theo cô Nhung, có thể đưa vào sách giáo khoa, vào chương trình giảng dạy môn lịch sử ở bậc học THPT những tư liệu, đoạn trích đánh giá về sự kiện lịch sử Việt Nam dưới cái nhìn của các sử gia nước ngoài, những nguồn thông tin hợp lý, khách quan và khoa học.

“Nguồn tài liệu nước ngoài mà sách giáo khoa lịch sử hiện tại sử dụng còn hạn chế, thiếu câu nói của một số nhân vật nước ngoài, hoặc chỉ sử dụng một số ít tác phẩm lịch sử, trong đó những tác phẩm sử học phương Tây ít hơn so với phương Đông. Chưa sử dụng cả tranh ảnh, số liệu từ các tư liệu nước ngoài…” – cô Nhung nói.

“Giáo viên có thể trích dẫn các đoạn hồi ký, tác phẩm của sử gia nghiên cứu, lời kể câu chuyện của người nước ngoài, tranh ảnh, bài báo, tạp chí… một cách sáng tạo, logic để bài giảng lịch sử hấp dẫn học sinh hơn” – cô Nhung đề xuất.

Cô còn đưa ví dụ trong bài 20, Lịch sử lớp 12 về chiến dịch Điện Biên Phủ, có thể trích một số nội dung hay trong Thời điểm của những sự thật – Hồi ký Navarre, lời của một vị tướng Pháp nói về chiến dịch Điện Biên Phủ…

Với đề tài này, cô Nhung đặt kỳ vọng thông qua cách tiếp cận nói trên học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức lịch sử Việt Nam, giáo dục tình yêu Tổ quốc cho thế hệ trẻ, mà còn giúp học sinh hiểu biết thêm về văn hóa, lịch sử nước ngoài.

“Nếu sách trích dẫn những đoạn trích đó bằng tiếng nước ngoài thì còn rèn khả năng nói ngôn ngữ nước ngoài, bổ trợ việc học tốt ngoại ngữ cho học sinh” – cô Nhung nói.

Thầy Phan Trần Hải, hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, cho biết cô Nhung là cô giáo trẻ giàu nhiệt huyết, có cách truyền cảm hứng yêu môn lịch sử đến học sinh thông qua các bài giảng mang tính sáng tạo, hấp dẫn…

Nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh, nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử ở nhà trường và được học trò, đồng nghiệp tin yêu.

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” tiếp nhận các công trình, sáng kiến tới ngày 30-9-2016.

 Địa chỉ nhận hồ sơ:

Ban thanh niên trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, số 64 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. ĐT: 0462631852.

■ Website: trithuctre.doanthanhnien.vn;

■ Email:[email protected].

DOÃN HÒA