24/12/2024

Lãnh đạo G20 thông qua “Đồng thuận Hàng Châu”

Bế mạc chiều 5-9, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 11 nhóm các nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua các gói chính sách và chương trình hành động mang tên “Đồng thuận Hàng Châu”.

 

Lãnh đạo G20 thông qua “Đồng thuận Hàng Châu”

Bế mạc chiều 5-9, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 11 nhóm các nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua các gói chính sách và chương trình hành động mang tên “Đồng thuận Hàng Châu”.

 

 

Lãnh đạo G20 thông qua “Đồng thuận Hàng Châu”
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Hàng Châu, Trung Quốc – Ảnh: REUTERS

Phát biểu trước báo giới sau lễ bế mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhất trí rằng trước những rủi ro và thách thức của nền kinh tế hiện nay, việc duy trì môi trường quốc tế hoà bình và ổn định là rất quan trọng.

Các nước G20 nên giúp đỡ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ hơn về các chính sách kinh tế vĩ mô, sử dụng các công cụ chính sách hiệu quả như tài chính, tiền tệ và cải cách cấu trúc”.

Để không là “lời nói suông”

Ông Tập Cận Bình cho biết các nhà lãnh đạo G20 đánh giá tăng trưởng toàn cầu vẫn dưới mức kỳ vọng và tiềm ẩn những rủi ro tiêu cực. Tuy nhiên, ông Tập nhấn mạnh “Đồng thuận Hàng Châu” sẽ là tiền đề thúc đẩy kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng thông qua các biện pháp mang tính tổng thể, toàn diện, sáng tạo, mở và dài hạn.

Tuyên bố chung của hội nghị vạch ra định hướng phát triển, mục tiêu và biện pháp của hợp tác G20. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định sự không ổn định và những biến động khó lường trong tỉ giá hối đoái có thể gây bất lợi đối với sự ổn định kinh tế và tài chính; tái khẳng định sự phản đối chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại và đầu tư dưới mọi hình thức.

G20 sẽ chủ động giải quyết những hậu quả kinh tế tài chính tiềm tàng xuất phát từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU); hoan nghênh những nỗ lực nhằm đưa Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ cuối năm 2016, cũng như đối phó với tất cả các hình thức tài trợ khủng bố.

Trước đó trong các phiên họp ngày 4 và 5-9, lãnh đạo G20 cũng đã nhất trí thúc đẩy xây dựng “Lộ trình sáng tạo tăng trưởng G20”, ban hành “Nguyên tắc chỉ đạo đầu tư toàn cầu G20” và “Chiến lược tăng trưởng thương mại toàn cầu G20”.

Kết thúc hội nghị, giới quan sát cho rằng những kết quả quan trọng đã đạt được tại Trung Quốc lần này sẽ chỉ là lời nói suông nếu bản thân các nước G20 không xử lý tốt những mâu thuẫn, bất đồng giữa các thành viên như vấn đề bảo hộ mậu dịch, tranh chấp lãnh thổ và việc một số nền kinh tế chủ chốt trong nhóm đang trên đà suy giảm tăng trưởng.

Những cuộc gặp gỡ 
song phương bên lề

Việc nguyên thủ các nước gặp gỡ song phương bên lề các hội nghị quốc tế là điều hết sức bình thường, song trong bối cảnh thế giới đang có nhiều vấn đề căng thẳng như hiện nay, các cuộc gặp giữa một số lãnh đạo các nước lại được chú ý hơn cả.

Điển hình như cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp chủ nhà Tập Cận Bình tối 4-9. Ngoài những vấn đề vốn đã gây căng thẳng giữa hai nước từ lâu như nhân quyền và tranh chấp Biển Đông, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo còn được giới truyền thông đặc biệt chú ý sau một loạt vụ lùm xùm liên quan tới công tác tiếp đón của Trung Quốc đối với đoàn Mỹ.

Tiến trình hoà bình cho Syria cũng là trọng tâm trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Obama bên lề Hội nghị G20.

Dẫu không có một thoả thuận cụ thể nào được ký kết, song cuộc gặp riêng “mặt đối mặt” của hai nhà lãnh đạo đã kéo dài “lâu hơn dự kiến”, với kết quả là hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Syria trong thời gian tới.

Truyền thông Nhật Bản ngày 5-9 đưa tin sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai nước gặp mặt sau gần một năm rưỡi căng thẳng liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

DUY LINH