23/01/2025

Nhà đầu tư phủi tay, 
người lao động bơ vơ

Đầu tháng 8-2016, trang thương mại điện tử Lingo.vn đột nhiên ngừng hoạt động và cho 265 lao động nghỉ việc. Trước khi Lingo.vn “khai tử”, hàng loạt trang thương mại điện tử khác cũng đã biến mất…

 

Nhà đầu tư phủi tay, 
người lao động bơ vơ

Đầu tháng 8-2016, trang thương mại điện tử Lingo.vn đột nhiên ngừng hoạt động và cho 265 lao động nghỉ việc. Trước khi Lingo.vn “khai tử”, hàng loạt trang thương mại điện tử khác cũng đã biến mất…

 

 

 

Nhà đầu tư phủi tay, 
người lao động bơ vơ
Nhân viên của Lingo bất ngờ khi nghe đại diện nhà đầu tuyên bố giải thể công ty – Ảnh: N.H.

Bức thư của tập thể 265 lao động từng làm việc cho doanh nghiệp này vừa được công bố cho thấy nhà đầu tư của Lingo đang dùng phương án giải thể để “phủi trách nhiệm” với người lao động. Trong bối cảnh nở rộ khởi nghiệp, theo các chuyên gia, người lao động cần cẩn trọng với trường hợp tương tự Lingo để tránh thiệt thòi, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài.

Bị cho thôi việc 
trong 2 giờ

Bà Trần Kim Oanh – đại diện công đoàn, giám đốc khối vận hành Lingo – cho biết từ khi thông báo giải thể công ty và cho toàn bộ lao động nghỉ việc đến nay, phía nhà đầu tư chưa hề có động thái hỗ trợ hay thiện chí ngồi lại đàm phán với tập thể người lao động.

Điều bất bình hơn là thông báo cho nghỉ việc chỉ diễn ra trong một buổi gặp mặt giữa đại diện hội đồng cổ đông và 265 người lao động.

“Chúng tôi bị yêu cầu nghỉ việc, dọn đồ ngay lập tức ra khỏi công ty một cách lạnh lùng, nhiều nhân viên bị mất việc đột ngột trong sự bàng hoàng và đầy bức xúc” – bà Oanh nói.

Lý do giải thể, đại diện chủ đầu tư chỉ nêu không tìm được nhà đầu tư để tiếp tục cung cấp vốn duy trì hoạt động. Trước đó, đã có nhà đầu tư cam kết sẽ rót 3 triệu USD cho trang web thương mại điện tử này cho đến hết năm 2016, nhưng tính đến thời điểm giải thể, số tiền rót vào Lingo bằng một nửa khoản tiền cam kết.

Bà Oanh cũng cho biết trong 265 lao động bị cho nghỉ việc này, có gần 70% lao động làm việc dưới một năm, phần lớn trong số họ trước đây đang làm việc tại những công ty khác thì được mời về Lingo với nhiều hứa hẹn phát triển trong tương lai. Chưa kể có 5-6 trường hợp đang mang thai hay nghỉ hậu sản, có con nhỏ dưới 1 tuổi.

Theo đại diện tập thể người lao động Lingo, kể từ ngày nhận quyết định giải thể doanh nghiệp 3-8-2016, người lao động chưa nhận được bất cứ quyết định chính thức nào về việc chấm dứt hợp đồng lao động nên các thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cũng chưa được xử lý.

“Trong khi quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo, các khoản nợ tập thể chưa được hoàn tất, chúng tôi mong cơ quan chức năng không xử lý thủ tục giải thể cho Công ty Lingo” – bà Kim Oanh đề xuất và cho biết đã lấy được 210 chữ ký của người lao động để sẵn sàng kiện nhà đầu tư ra toà.

Cẩn trọng những 
trường hợp tương tự

Theo ông Nguyễn Tất Năm – trưởng phòng lao động – tiền lương – tiền công (Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM), hiện sở vẫn chưa nhận thông tin về sự việc của Công ty Lingo, nhưng người lao động có thể đến phòng lao động – tiền lương – tiền công để được hướng dẫn giải quyết.

Theo quy định về giải thể, doanh nghiệp sẽ phải đăng ký giải thể tại Sở Kế hoạch – đầu tư TP. Và để được giải thể, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động. Cơ quan chức năng sẽ ưu tiên giải quyết các khoản nợ liên quan đến người lao động như nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội…

Trường hợp doanh nghiệp cố tình không giải quyết các nghĩa vụ, theo ông Năm, người lao động có thể khởi kiện ra toà để bảo vệ quyền lợi.

Từ câu chuyện lùm xùm nhân sự sau giải thể của Lingo, ông Trần Trí Dũng – chuyên gia giám sát và đánh giá chương trình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp SECO – cảnh báo VN đang hội nhập, bước chân vào thế giới khởi nghiệp, cách tuyển dụng, chấm dứt lao động sẽ khác và rủi ro sẽ chia đều cho mọi người.

“Chấp nhận tinh thần khởi nghiệp cũng có nghĩa người lao động sẽ phải chấp nhận sự bất trắc trong tương lai, thành công sẽ lớn nhưng rủi ro đi kèm cũng tương ứng” – ông Dũng nói và lưu ý đây chính là điểm khác biệt so với cách nghĩ lâu nay khi làm việc cho các doanh nghiệp lớn, lâu năm.

Ông Dũng khuyến cáo người lao động nên có chuẩn bị trước những rủi ro tại các công ty, nhất là công ty khởi nghiệp, để tránh bị thiệt thòi.

Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM):

Có quyền khiếu nại

Theo quy định, một doanh nghiệp muốn giải thể và cho người lao động thôi việc cùng một lúc thì phải báo cho cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh, TP trước 30 ngày. Trong trường hợp này, Lingo thông báo cho nhân viên nghỉ việc sau đó mới ký thủ tục giải thể là không đúng pháp luật.

Người lao động nên lưu ý ngay cả khi công ty không đóng bảo hiểm thất nghiệp thì lao động nào làm đủ trên 12 tháng vẫn được nhận trợ cấp mất việc với mức tương đương hai tháng lương.

Nếu nhà đầu tư không giải quyết chế độ theo đúng quy định thì người lao động có quyền gửi đơn lên Sở Kế hoạch – đầu tư TP để ngăn chặn việc giải thể doanh nghiệp, đồng thời khiếu nại lên ban chấp hành công đoàn cấp tỉnh, TP.

N.BÌNH