23/01/2025

Bí ẩn người dạy tiếng Anh cho lãnh đạo Triều Tiên

Một người Mỹ bị cho là đã chết vào năm 2004 có thể đang sống ở Bình Nhưỡng sau khi bị bắt cóc để dạy tiếng Anh cho ông Kim Jong-un.

 

Bí ẩn người dạy tiếng Anh cho lãnh đạo Triều Tiên

Một người Mỹ bị cho là đã chết vào năm 2004 có thể đang sống ở Bình Nhưỡng sau khi bị bắt cóc để dạy tiếng Anh cho ông Kim Jong-un.




Hình ảnh cuối cùng của David Sneddon ở Trung Quốc trước khi mất tích /// Daily Mail

Hình ảnh cuối cùng của David Sneddon ở Trung Quốc trước khi mất tíchDAILY MAIL

Ngày 14.8.2004, David Sneddon, 24 tuổi và là sinh viên của Đại học Brigham Young (Mỹ), được nhìn thấy lần cuối cùng khi rời khỏi khách sạn ở thị trấn Shangri-La, nằm không xa hẻm núi nổi tiếng Hổ Khiêu Hiệp ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đến 12 ngày sau, tức là vào ngày 26.8, gia đình chính thức đưa ra thông báo mất tích. Sau quá trình điều tra, cảnh sát Trung Quốc kết luận Sneddon đã tử nạn trong lúc thám hiểm hẻm núi Hổ Khiêu Hiệp và không thể tìm thấy thi thể.
Tuy nhiên, Đài truyền hình TBS News (Nhật Bản) mới đây bất ngờ dẫn lời ông Choi Sung-yong, Chủ tịch Hiệp hội Gia đình những người bị Triều Tiên bắt cóc (trụ sở tại Hàn Quốc), loan tin Sneddon đã bị đặc vụ Triều Tiên bắt cóc. Theo các nguồn tin từ Bình Nhưỡng và những người Triều Tiên đào tẩu, sau một thời gian dài dạy tiếng Anh cho ông Kim Jong-un (hiện là đương kim lãnh đạo CHDCND Triều Tiên), Sneddon đã lấy vợ, có 2 con và vẫn sống tại Bình Nhưỡng.
“Không bất ngờ”
Thông tin trên có thể làm gia tăng hy vọng cho gia đình David Sneddon nhưng không khiến họ ngạc nhiên vì lâu nay họ vẫn luôn nghi ngờ những kết luận chính thức về số phận của anh. “Tôi không ngạc nhiên chút nào”, bà Kathleen Sneddon, mẹ của David Sneddon, khẳng định với báo Desert News Utah về thông tin anh đang ở Triều Tiên. “Trong thâm tâm, chúng tôi biết rằng nó vẫn còn sống nên không ngừng tìm kiếm”, bà nói.
Tờ Daily Mail dẫn lời những người Triều Tiên đào tẩu cho biết họ thường từ nước này trốn sang Trung Quốc, tìm đường xuống phía nam để vào các nước Đông Nam Á rồi từ đây sẽ có đường dây đưa họ đến Hàn Quốc. Hẻm núi Hổ Khiêu Hiệp là một trong những điểm dừng quan trọng trên tuyến đường đào tẩu này. Lý do là địa hình hiểm trở nhưng lại thu hút đông du khách nước ngoài nên dễ trà trộn. “Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ rằng Trung Quốc bắt David vì nghi nó dính líu tới đường dây đào tẩu của người Triều Tiên. Một người bạn của nó từng dạy tiếng Anh cho người Triều Tiên ở Bắc Kinh”, ông Roy Sneddon, cha của David Sneddon, nói với Daily Mail. Thế là gia đình ông đến Vân Nam bắt đầu cuộc tìm kiếm con trai. Họ dán hình ảnh và thông tin vụ mất tích bằng tiếng Hoa ở nhiều nơi, bất chấp sự bất hợp tác của địa phương.
Đến năm 2011, tổ chức Ủy ban Về nhân quyền ở Triều Tiên (Mỹ) bất ngờ liên hệ với gia đình Sneddon và kết nối họ với nhóm những người Triều Tiên đào tẩu. Hy vọng của họ thật sự bùng lên sau khi một người Mỹ sống ở Hàn Quốc gọi điện cho biết vợ ông này là người Triều Tiên và sau khi tìm hiểu từ các nguồn tin ở quê nhà, họ khẳng định có một người rất giống mô tả về David Sneddon ở Bình Nhưỡng.
Chiến dịch của Mỹ
Cha mẹ David Sneddon cho rằng con họ đã bị mật vụ Triều Tiên để ý theo dõi từ lâu vì anh có một thời gian dài sống ở Hàn và nói lưu loát tiếng Hàn. Theo những nguồn tin giấu tên từ Bình Nhưỡng, sau khi bị bắt, Sneddon trải qua giai đoạn “học tập cải tạo” rồi được lãnh đạo Triều Tiên khi đó là Kim Jong-il ra lệnh bổ nhiệm dạy tiếng Anh cho Kim Jong-un. Sau đó, Sneddon chuyển qua tham gia cùng một số người nước ngoài khác dạy tiếng Anh cho nhân viên tình báo và ngoại giao. Đến nay, anh được cho là đã “hoàn toàn trở thành công dân Triều Tiên về tư tưởng và có gia đình yên ấm”.
Tờ Desert News Utah dẫn lời gia đình Sneddon cho biết sau khi xuất hiện thông tin mới, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu tái khởi động chiến dịch tìm kiếm. Trả lời câu hỏi của phóng viên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby hôm 1.9 không bình luận về cuộc tìm kiếm nhưng tuyên bố vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn khẳng định David Sneddon đang ở Triều Tiên. Ông Kirby còn nhấn mạnh kể từ khi xảy ra vụ mất tích, các phái bộ ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc vẫn luôn liên lạc chặt chẽ với giới chức địa phương để tìm hiểu tình hình.
Bên cạnh đó, quốc hội Mỹ cũng đã lên tiếng khi thượng nghị sĩ Mike Lee và hạ nghị sĩ Chris Stewart soạn nghị quyết yêu cầu Bộ Ngoại giao điều tra rốt ráo nghi vấn David Sneddon bị bắt cóc.
Đến nay, Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng đều chưa có bình luận công khai về những thông tin trên. Trong khi đó, gia đình Sneddon vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm con, mở website và trang Facebook đăng tải thông tin đồng thời kêu gọi sự ủng hộ từ dư luận. Daily Mail dẫn lời ông Roy Sneddon nói sẽ không bao giờ từ bỏ hy vọng dù khó khăn đến đâu.
“Sập toà nhà ở Triều Tiên, 34 người chết”
Ngày 2.9, một nguồn thạo tin tiết lộ với Yonhap rằng ít nhất 34 người thiệt mạng sau khi một tòa nhà căn hộ 5 tầng ở huyện Samjiyon thuộc tỉnh Ryanggang của CHDCND Triều Tiên đổ sập do mưa to hôm 31.8. Giới tình báo Hàn Quốc xác nhận Ryanggang, giáp với Trung Quốc, hứng mưa to trong mấy ngày gần đây, nhưng chưa xác nhận thông tin trên. “Chúng tôi đang kiểm tra thông tin 34 người miền Bắc thiệt mạng”, một quan chức Hàn Quốc cho Yonhap hay.
Nguồn tin khẳng định đây là vụ sập nhà thứ 2 ở Ryanggang sau khi một toà nhà chung cư 5 tầng ở TP.Hyesan sập hôm 29.8. Ngoài ra, nhiều khu vực ở tỉnh Bắc Hamgyong, phía bắc Triều Tiên, cũng đang ngập nặng và có thể đã gây nhiều thương vong, theo Yonhap. Cho đến hôm qua, truyền thông Triều Tiên chưa đưa tin về thương vong hay thiệt hại do đợt mưa to gây ra.
Cũng trong ngày 2.9, Yonhap đưa tin chính phủ Triều Tiên đang lên kế hoạch xây dựng một khu phức hợp tài chính và khách sạn 5 sao nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào thành phố cảng Wonsan ở phía đông nước này.


 

Văn Khoa