23/01/2025

Thắp trong tim ngọn lửa Hoàng Sa

Mở đầu chuyên trang “Chủ quyền – biên cương – biển đảo” hằng tuần này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Đồng – chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.

Thắp trong tim ngọn lửa Hoàng Sa

 

Mở đầu chuyên trang “Chủ quyền – biên cương – biển đảo” hằng tuần này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Đồng – chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. 

 

 

 

 

Thắp trong tim ngọn lửa Hoàng Sa
Đội tàu cá của ngư dân Bình Châu, Quảng Ngãi ra khơi. Ngư trường truyền thống của ngư dân vùng này là quần đảo Hoàng Sa – Ảnh: TRẦN MAI

Hoàng Sa là của Việt Nam. Ngày 19-1-1974, Trung Quốc trắng trợn dùng vũ lực cướp đi phần máu thịt này của Tổ quốc. Ông Đồng nói:

– Đấu tranh đòi lại Hoàng Sa là công việc cam go, đòi hỏi phải kiên trì. Hơn lúc nào hết, giờ đây là lúc chúng ta phải cùng thắp lên ngọn lửa trong tim để có trách nhiệm hơn khi một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vẫn chưa đòi lại được.

* Thưa ông, hằng ngày ngư dân của chúng ta đánh bắt ở Hoàng Sa phải đối mặt với nhiều hiểm nguy trước sự đe doạ, phá hoại và bắt bớ trái phép của phía Trung Quốc. Với tư cách là người quản lý quần đảo này, theo ông, phải làm như thế nào để giúp ngư dân bám biển, giữ đảo?

Thắp trong tim ngọn lửa Hoàng Sa
Ông Võ Ngọc Đồng – Ảnh: HỮU KHÁ

– Vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân ta từ bao đời nay. Trên ngư trường truyền thống này, ngư dân không chỉ mưu sinh kiếm sống hằng ngày mà còn góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc đối với quần đảo bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép 42 năm qua. Mỗi con tàu, mỗi người dân của ta trên vùng quần đảo này là một cột mốc biên cương trên biển.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016, Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết trong năm 2015, biên phòng Đà Nẵng đã phát hiện 264 lượt tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển, sử dụng tàu quân sự, tàu chấp pháp quấy nhiễu, cản trở tàu của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt tại ngư trường này.

Gần đây là việc Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 16-5 đến 1-8 ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một phần vịnh Bắc bộ. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân, xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Với tư cách chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo thường xuyên có lực lượng thực thi pháp luật ứng trực sẵn sàng bảo vệ ngư dân đang đánh bắt trên biển, khi những “cột mốc biên cương trên biển” bị phía Trung Quốc uy hiếp, bắt giữ người và tàu thuyền, phá hoại ngư cụ, đâm chìm tàu.

Bộ Ngoại giao cần kịp thời lên tiếng phản đối mạnh mẽ, yêu cầu cơ quan chức năng của Trung Quốc giải quyết sự việc, bồi thường thoả đáng cho ngư dân cũng như ngưng ngay những hoạt động quấy phá. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho ngư dân có đội tàu mạnh, đánh bắt hiệu quả trong khai thác hải sản.

* Được biết công trình nhà trưng bày Hoàng Sa đang được xây dựng. Bao giờ nhà trưng bày sẽ hoàn thành và ý nghĩa của nhà trưng bày như thế nào?

– Công trình xây dựng nhà trưng bày Hoàng Sa đang xây dựng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là nơi chứa đựng những bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam.

Dự kiến khai trương vào ngày 19-1-2017 – đúng 43 năm ngày Hoàng Sa bị chiếm đoạt, nhà trưng bày sẽ là một pho tư liệu quý cho mọi người Việt Nam và bạn bè trên thế giới đến tìm hiểu, chứng thực những bằng chứng chủ quyền không thể chối cãi được của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đó cũng là điểm đến cho học sinh – sinh viên, là địa điểm để các bạn trẻ học ngoại khóa sinh động. Ngoài các tư liệu thì tại nhà trưng bày sẽ có chiếu các bộ phim tư liệu về Hoàng Sa như việc cưỡng chiếm của Trung Quốc, rồi các nhân chứng của Việt Nam từng sinh sống trên đảo trước năm 1974.

Ngoài ra, các tư liệu ở nhà trưng bày sẽ được triển lãm ở trong nước và nhiều nơi trên thế giới, để từng người dân đều hiểu và thấm thía Hoàng Sa là của Việt Nam. Công cuộc đấu tranh sẽ rất khó khăn nên phải kiên trì, đời này chưa xong thì đời khác tiếp tục.

– Liệu có một không gian để tưởng niệm những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa không, thưa ông?

– Thực tế đã có suy nghĩ đó khi làm nhà trưng bày Hoàng Sa. Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng có một số ý kiến chưa đồng ý vì cho rằng đó là nhà trưng bày chứ không phải nơi thờ tự. Không gian tưởng niệm này chúng tôi sẽ xây dựng ở một nơi thích hợp vào thời điểm thích hợp.

Nhà trưng bày Hoàng Sa

Nhà trưng bày Hoàng Sa (trên đường Hoàng Sa, đoạn ngã ba Hoàng Sa – Phan Bá Phiến, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) được khởi công xây dựng vào ngày 7-12-2015. Công trình được xây dựng theo phương án kiến trúc “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” do nhóm tác giả Fuminori Minakami (Nhật Bản), Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang thiết kế. Công trình có diện tích 1.248m², chiều cao xây dựng 18m.

Công trình do Công ty TNHH kiến trúc Wright (Nhật Bản) làm tư vấn thiết kế. Vào ngày 3-7-2016, UBND huyện Hoàng Sa và Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng đã tổ chức buổi lễ phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho nhà trưng bày Hoàng Sa.

Ban tiếp nhận hiện vật mong muốn các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có sở hữu các loại hình tư liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cùng chung tay đóng góp về nhà trưng bày trong thời gian từ nay đến hết ngày 19-1-2017.

Về ý tưởng của báo Tuổi Trẻ ủng hộ xây dựng khu vực đặt chiếc tàu cá của bà Huỳnh Thị Như Hoa (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm chiều 26-5-2014 trong sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981, ông Đồng cho là “rất ý nghĩa”.

Ông cho biết huyện đang tính toán làm sao để trưng bày con tàu mang tính biểu tượng tố cáo tội ác của Trung Quốc, phản ánh chân thật nhất tình hình cam go trên biển mà con tàu là một phần của câu chuyện.

HỮU KHÁ – ĐĂNG NAM