22/01/2025

Doanh nhân và Lời Chúa

Được Lời Chúa sáng soi, doanh nhân Công giáo cần đem vào môi trường kinh doanh một cái gì rất Kitô hữu, như Điều Răn Mới và tinh thần vì công ích.

Nói đến doanh nhân là nói đến sự quan tâm đến tiền bạc, làm thế nào để kiếm tiền. Kiếm tiền là một nhân tố quan trọng đã ăn sâu vào trong từng mạch máu của doanh nhân. Tuy nhiên, không chỉ chuyên tâm lo đầu tư, làm ăn thương mại, doanh nhân còn có tinh thần sáng tạo, cực kỳ nhạy bén trước thông tin và các cơ hội thị trường. Điểm mạnh của doanh nhân là họ năng động, dám bỏ vốn để đầu tư, kinh doanh, và rất giỏi nối kết con người với các yếu tố sản xuất để thực hiện dự án, không quá hãi sợ rủi ro – cho dù đôi khi rủi ro không nhỏ – mà dám chấp nhận, qua đó tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.

Đó là tinh thần doanh nghiệp mà mọi doanh nhân đúng nghĩa đều phải có. Thế còn doanh nhân Công giáo thì sao, liệu với tư cách tín hữu Đức Kitô, họ có thêm vào chút “men”, “muối” nào cho đời không? Lời Chúa và học thuyết xã hội Công giáo có thể soi sáng được gì cho các doanh nhân này trong hoạt động kinh tế của họ?

Phải chăng tiền thân của tỉ phú vịt Scrooge McDuck và lão Scrooge trong truyện “A Christmas Carol” của Charles Dicken là cái lão bá hộ khờ trong dụ ngôn Luca 12,16-21?

 

 

Giáo hội Công giáo có truyền thống quan tâm chăm sóc những người bất hạnh, cơ nhỡ, tất bạt. Chính nhờ biết yêu thương, chăm sóc người nghèo mà Giáo hội đã thành công trong công cuộc rao giảng Tin Mừng ngay từ những thế kỷ đầu tiên. Nhờ thực hành Điều Răn Mới (Ga 13, 34) nên tỷ lệ những người Công giáo sống sót trong các trận dịch ngày xưa bao giờ cũng cao hơn so với những cộng đồng khác trong xã hội.

Giáo hội với truyền thống chăm sóc người nghèo đã hình thành nguyên tắc “ưu tiên lựa chọn người nghèo” (GLGHCG 2443-2449, TLHTXHCG 182). Từ thời xa xưa, Thánh Augustintô với tư cách “người ăn xin cho những kẻ ăn xin” (Serm. 66,8), thường hay lập đi lập lại vào cuối bài giảng của mình: “hãy cho người nghèo” (Serm. 61,13), “hãy nghĩ đến người nghèo” (Serm. 25,8; Serm. 122,6), “hãy cho người nghèo những gì bạn đã thu tích được” (Serm. 66,5).

Tuy nhiên, ưu tiên lựa chọn người nghèo không có nghĩa là Giáo hội chống lại việc kinh doanh, bài xích doanh nhân và đả phá tiền bạc. Công tâm xem xét, phải nhận rằng nhờ tiền bạc, tài sản mà ta có thêm khả năng đóng góp vào công ích và phục vụ các thiện ích của con người. Tài sản là phương tiện để đạt đến mục đích. Mục đích cao quý thiếu tiền bạc xem ra cũng khó đạt đến.

Như vậy, cái gì đáng trách? Cái đáng trách ở đây là lòng ham muốn tiền bạc. Lời Chúa rất rõ ràng về điều này. “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6,10).

Doanh nhân và tinh thần doanh nghiệp

Nói đến tiền bạc là nói đến doanh nhân. Ngược lại, nói đến doanh nhân là nói đến tiền bạc, sự quan tâm đến tiền bạc, làm thế nào để kiếm tiền. Kiếm tiền là một nhân tố quan trọng đã ăn sâu vào trong từng mạch máu của doanh nhân. Tuy nhiên, không chỉ chuyên tâm lo đầu tư, làm ăn thương mại, doanh nhân còn có tinh thần sáng tạo, cực kỳ nhạy bén trước thông tin và các cơ hội thị trường. Điểm mạnh của doanh nhân là họ năng động, dám bỏ vốn để đầu tư, kinh doanh, và rất giỏi nối kết con người với các yếu tố sản xuất để thực hiện dự án, không quá hãi sợ rủi ro – cho dù đôi khi rủi ro không nhỏ – mà dám chấp nhận, qua đó tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.

Đó là tinh thần doanh nghiệp mà mọi doanh nhân đúng nghĩa đều phải có. Thế còn doanh nhân Công giáo thì sao, liệu với tư cách tín hữu Đức Kitô, họ có thêm vào chút “men”, “muối” nào cho đời không? Lời Chúa và học thuyết xã hội Công giáo có thể soi sáng được gì cho các doanh nhân này trong hoạt động kinh tế của họ?

Doanh nhân Công giáo và Lời Chúa

Được Lời Chúa sáng soi, doanh nhân Công giáo cần đem vào môi trường kinh doanh một cái gì rất Kitô hữu, như Điều Răn Mới và tinh thần vì công ích.

Về các vấn đề xã hội, Lời Chúa – lời cứu độ – có một định hướng rõ ràng: bạn hãy quan tâm chăm sóc những con người thấp cổ bé miệng, số phận hẩm hiu như các bà góa và cô nhi, như ta có thể tìm thấy trong Thư Thánh Giacôbê. Do đó, ta không trông mong tìm thấy trong Sách Thánh những lời khuyên tư vấn về việc đầu tư, mua chứng khoán như ta dễ dàng có thể tìm thấy trong cuốn The Intelligent Investor (Nhà Đầu Tư Thông Minh) của Benjamin Graham, nhà tư vấn đầu tư hàng đầu thế giới của thế kỷ 20, từng là thầy của tỷ phú Warren Buffett. Thế thì ta tìm thấy gì ở đấy? Văn chương Khôn ngoan của Cựu Ước cho ta những tia sáng nhỏ về hoạt động của doanh nhân: “Còn về những chuyện sau đây, con đừng xấu hổ… vì thu lợi ít hay nhiều, vì lợi lộc do nghề buôn bán” (Kn 42,1.5).

Phân tích câu văn, ta thấy ngoài việc khẳng định chuyện mua bán đổi chác và thu lợi nhuận từ việc kinh doanh đó, có một vấn đề: các thế hệ doanh nhân đều gặp phải thái độ nghi ngờ của thiên hạ đối với việc họ kiếm bộn bạc từ hoạt động kinh doanh. Cha ông ta ngày xưa thì xếp doanh nhân vào hạng chót trong bậc thang những ngành nghề chính trong xã hội theo thứ tự sự kính trọng giảm dần: sĩ, nông, công, thương.

Sách Thánh có nói gì thêm để cất đi sự thẹn thùng đó không?

Thưa có, Tân Ước có nói một cách ẩn dụ về doanh nhân. Dụ ngôn những yến bạc (x. Mt 25,14–30) khuyến khích sự cần mẫn khai thác, sử dụng các tài năng, các “yến bạc” Thiên Chúa ban cho ta. Đừng quá thủ thế co vòi, né thất bại, sợ trả giá nếu muốn sống cuộc đời đắc lực, trổ sinh hoa trái. Chắc chắn dụ ngôn này có hương vị cánh chung, nhưng đừng quên Chúa chúng ta khi kể lại dụ ngôn đã sử dụng một đơn vị đo lường về tài sản là yến bạc và bảo ta đừng khư khư giữ lấy mà hãy đem ra “xài” để sinh lãi. Không những thế, Người còn thuật liền một mạch hai dụ ngôn song song: Dụ ngôn kho báu và ngọc quý (Mt 13,44-46)

Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”.

Các dụ ngôn này rõ ràng nói về sự sống đời đời đang được Thiên Chúa “rao bán” – giá mua cực kỳ hời cho dù bạn có phải bán tống bán tháo mọi sự mình có ở trần gian này để “mua” lấy “Nước Trời”. Các nhà chuyên môn bảo ta rằng các dụ ngôn đó sử dụng nguyên tắc “thăng hóa” (the principle of sublation), nghĩa là ở đây dụ ngôn đưa ra một cái gì đó mới mẻ, hoàn toàn khác (sự sống đời đời), nhưng không có ý can thiệp hay dẹp bỏ công việc của các doanh gia và thương nhân. Trái lại, dụ ngôn cần đến và giữ lại các công việc cũng như các hoạt động của doanh nhân và “nâng cấp”, đưa đến một sự thăng hoa, một sự thực hiện toàn vẹn, hoàn bị hơn. Xem ra Sách Thánh có vẻ mặc nhiên tán đồng hoạt động của doanh nhân.

Caritas in veritate: nguyên tắc nhưng không và lô-gích quà tặng phải có chỗ đứng trong hoạt động kinh tế bình thường

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI dường như muốn các doanh nhân đi thêm “một dặm nữa” trên chốn thương trường như chiến trường. Trong Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong Chân lý), được biên soạn trong những năm khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu, ngài khẳng định một nền kinh tế đúng đắn, lành mạnh không những phải dựa trên nhân đức tự nhiên công bằng mà còn phải đặt cơ sở trên nhân đức siêu nhiên bác ái. Nếu Đức Lêô XIII trong Thông điệp Rerum novarum (Tân Sự) khẳng định kinh tế phải dựa trên công bằng, mà dấu hiệu của công bằng là đồng lương chính đáng, sống được, thì Đức Bênêđictô XVI bảo rằng hãy đưa vào đó không những các nguyên tắc công ích, công bằng, đạo đức mà cả “nguyên tắc tặng cho nhưng không” và “lô-gích quà tặng”:

“Hoạt động kinh tế không thể giải quyết được mọi vấn đề xã hội thông qua việc chỉ áp dụng lô-gích thương mại. Lô-gích thương mại cần phải hướng đến việc theo đuổi công ích […] Thị trường không phải, và không được trở thành, nơi cho kẻ mạnh đàn áp người yếu.

Học thuyết xã hội của Hội Thánh chủ trương rằng các quan hệ xã hội đích thực nhân bản về tình bạn, liên đới và tương hỗ cũng có thể phát huy trong hoạt động kinh tế, chứ không phải chỉ ở bên ngoài hoặc “theo sau” hoạt động đó. Lãnh vực kinh tế không trung lập về mặt luân lý, tự bản chất không phải là phi nhân và chống lại xã hội. Kinh tế là một bộ phận của hoạt động con người và vì kinh tế mang tính nhân bản, nên phải được cơ cấu hóa và quản trị một cách có đạo đức.

Thách thức lớn đặt ra trước chúng ta, xuất phát từ những vấn nạn về phát triển trong kỷ nguyên toàn cầu này và càng trở thành khẩn trương hơn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, đó là trên bình diện tư duy cũng như ứng xử, ta phải chứng minh rằng chẳng những các nguyên tắc truyền thống về đạo đức xã hội như tính minh bạch, tính trung thực và tinh thần trách nhiệm không thể bỏ qua hoặc lơ là, mà còn trong cả các quan hệ thương mạinguyên tắc tặng cho nhưng không và lô-gích quà tặng như sự thể hiện tình huynh đệ có thể và phải tìm thấy chỗ đứng của mình ngay trong hoạt động kinh tế bình thường. Đây là một đòi hỏi của con người vào lúc này, nhưng cũng là đòi hỏi của lô-gích kinh tế nữa. Đây cũng là đòi hỏi của bác ái và sự thật (36).

Học thuyết xã hội của Hội Thánh luôn luôn chủ trương rằng công bằng phải được áp dụng đối với mọi giai đoạn của hoạt động kinh tế []. Các quy tắc công bằng phải được tôn trọng ngay từ đầu, trong khi tiến trình kinh tế diễn ra, chứ không phải chỉ sau đó hoặc ngẫu nhiên. Cũng cần phải tạo ra mặt bằng trong thị trường cho hoạt động kinh tế được thực hiện bởi những chủ thể muốn tự do hành động theo các nguyên tắc khác với những nguyên tắc thuần túy vì lợi nhuận, mà không từ bỏ việc sản xuất ra giá trị kinh tế. Việc có nhiều chủ thể kinh tế xuất phát từ các sáng kiến của các tu sĩ và giáo dân cho ta thấy rằng đây là điều có thể thực hiện trong hoàn cảnh thực tế được.

Trong kỷ nguyên toàn cầu, nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi những mô hình cạnh tranh gắn liền với các nền văn hóa rất khác nhau. Những hình thức khác nhau của doanh nghiệp kinh tế xuất hiện những kiểu mẫu cạnh tranh này tìm thấy điểm gặp gỡ chính yếu của mình nơi công bằng giao hoán. Sinh hoạt kinh tế rõ ràng đòi hỏi phải có các hợp đồng, để điều chỉnh các quan hệ trao đổi giữa những hàng hóa có giá trị tương đương. Thế nhưng, sinh hoạt kinh tế cũng cần đến những luật lệ công bằng và các hình thức tái phân phối bởi chính trị, và hơn thế nữa, sinh hoạt kinh tế  cần các hoạt động mang đầy tinh thần tặng cho (37).

“Cho thì có phúc hơn là nhận”

Tuy nhiên, mải mê kiếm tiền như nhân vật Scrooge trong truyện “A Christmas Carol” của Charles Dicken, ngụp lặn trong đống bạc như bác Scrooge trong truyện tranh Vịt Donald vì mục đích muốn chiếm hữu, để “có” nhiều hơn, thì lại là điều chẳng nên, rất nguy hiểm là đàng khác, vì người ta dễ đi lạc mục tiêu, “được lời lãi cả thế gian” mà đánh mất “sự sống đời đời”. Có lẽ “tiền thân” của cả hai gã Scrooge này là cái lão bá hộ khờ trong Luca 12,16-21. Trong một môi trường như thế, có cách nào để tránh cái cám dỗ thường xuyên, trường kỳ đó không?

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Sứ điệp Mùa Chay 2003 viết:

“Lòng ham muốn chiếm hữu quá mức ngăn cản con người mở lòng ra cho Ðấng Tạo Hoá và cho anh chị em của mình. Những lời của Thánh Phaolô gởi cho Timôthê vẫn giữ nguyên giá trị đối với mọi thời đại: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6,10)!

Bóc lột người khác, dửng dưng trước đau khổ của anh chị em mình, và vi phạm các luật cơ bản về luân lý chỉ là một vài hậu quả của lòng hám lợi”.

Vị Chân Phước đưa ra phương dược: “Cho thì có phúc hơn là nhận”. Cụ thể, ngài đề nghị:

“Mùa Chay ban cho ta các vũ khí thiết thực và hữu hiệu là ăn chay và rộng tay làm phúc như một phương tiện để ta chiến đấu chống lại một sự gắn bó với tiền bạc thái quá”.

Đây là lời cảnh tỉnh, lời khuyên đối với tất cả mọi người, chẳng cứ gì chỉ dành cho giới doanh nhân.

Xét cho cùng, là người giỏi kinh doanh, doanh nhân Công giáo phải biết lùng sục, săn tìm, mua sắm cho bằng được “kho báu chôn giấu trong ruộng” và “viên ngọc quý”, mà Lời Chúa và học thuyết xã hội Công giáo chính là tấm bản đồ, là bức mật thư cần đọc.

 Đan Quang Tâm

Nguồn: conglyvahoabinh