23/01/2025

Những người hùng khai hoang ​ĐBSCL

Người ta gọi họ là điền chủ vì có rất nhiều đất. Lúa gạo, tôm cá, trái cây của những điền chủ này đã có mặt ở những thị trường khó tính nhất thế giới.

 ĐIỀN CHỦ MIỀN TÂY THỜI NAY – KỲ 1:

Những người hùng khai hoang ​ĐBSCL

 

Người ta gọi họ là điền chủ vì có rất nhiều đất. Lúa gạo, tôm cá, trái cây của những điền chủ này đã có mặt ở những thị trường khó tính nhất thế giới. 

 

 

 

Những người hùng khai hoang ​ĐBSCL
Trang trại nuôi tôm càng xanh của ông Hai Tự – Ảnh: V.TR.

Tôi đã gặp cả chục điền chủ có từ 60ha đất trở lên ở ĐBSCL. Tất cả họ đều có điểm chung giống nhau: thích làm giàu và những lần thất bại chưa bao giờ làm họ nản chí.

Hai bên đường biên giới VN – Campuchia qua địa bàn tỉnh Long An và Đồng Tháp là những cánh đồng lúa bạt ngàn. Có khi nhìn mút tầm mắt mới thấy thấp thoáng một căn nhà. Cũng chính ở nơi khỉ ho cò gáy này chúng tôi đã gặp những “điền chủ” ở nhà cấp bốn, uống rượu như trà đá, ruộng đất cò bay thẳng cánh và túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền.

Hai Tự vắt đất ra tiền…

Nhâm nhi gần hết chai rượu đế, ông Phạm Phương Nam (Hai Tự, 57 tuổi, ở xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) mới chịu kể về 20 năm khai hoang mở đất, lập điền trang gần 100ha của mình.

Khi rổ tôm càng xanh luộc còn bốc khói đặt lên bàn, ông trầm ngâm: “Ngay chỗ mình đang ngồi đây, trước năm 1996 là vùng đất chết, không có người sinh sống, không có nước uống, cá không sống nổi, chỉ toàn cỏ năn, lác, chuột và rắn độc. Nước ở đây nhiễm phèn nặng, gội đầu thì bao nhiêu xà bông cũng không có bọt, tóc cứng như rễ cây. Giờ ngồi nhớ lại ngày trước tôi còn rùng mình, không ngờ sức người có thể vắt đất ra nước, thay trời làm mưa được”.

Ông Hai Tự quê ở Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Sau nhiều năm làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, ông xuất ngũ về quê làm ruộng, xây nhà máy xay xát kiếm được ít tiền rồi dắt vợ qua vùng biên giới Tân Hưng khai hoang. Vợ chồng ông cắm xuồng trên kênh Cái Bát rồi dựng chòi cạnh cánh đồng cỏ cao quá đầu người để khai hoang.

Một số người ở xa cũng đến khai hoang nhưng không chịu nổi sự khắc nghiệt của vùng đất này nên bỏ chạy. Ông qua An Giang thuê mấy chục nhân công dẫn về đào kênh ngang dọc để xả phèn, đắp đê chống lũ, phác cỏ, nhổ tràm. Hằng ngày vợ chồng ông phải bơi xuồng hơn chục cây số ra thị trấn Tân Hưng bây giờ đổi nước mang về cho nhân công uống.

Miệt mài khai hoang, xả phèn 3-4 năm thì vùng đất này cũng trồng được lúa. Ban đầu năng suất chỉ có 3 tấn/ha, bán không đủ trả tiền nhân công. Mãi đến năm 2002 mới làm được 2 vụ/năm, năng suất 7-8 tấn/ha. Giờ ông chuyển bớt một phần sang nuôi tôm càng xanh, cá tra thu bạc tỉ mỗi năm.

Đưa tôi ra trang trại xem công nhân thu hoạch tôm càng xanh, ông Hai Tự nói: “Không có từ nào để diễn tả được cảnh khổ của người đi khai hoang vùng đất này. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu thôi. Ba má tôi đẻ năm đứa con đặt tên là Tự, Tạo, Lập, Thành, Công với mong muốn lớn lên thì phải tự thân vận động để lo cho mình. Nhiều lúc con Tạo thấy vợ chồng tôi quá khổ cứ khuyên tôi bỏ hết về Đồng Tháp làm ăn. Tôi chỉ nói một câu: “Anh Hai mày đã làm thì phải được. Tao chọn kênh Cái Bát này lập nghiệp thì có chết cũng phải chôn tao ở đây chứ tao không về”. Sau này không ai dám mở miệng kêu tôi bỏ cuộc nữa”.

Người “nông dân số 1”

Nói đến Sáu Đức, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng đó là “nông dân số 1” ở vùng tứ giác Long Xuyên.

Ông Sáu Đức tên thật là Nguyễn Lợi Đức, ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Người ta còn biết đến ông với biệt danh “vua lúa giống”. Hiện Sáu Đức là chủ của trang trại lúa giống hơn 200ha và trại nuôi bò giống 70ha ở vùng khuất nẻo này. “Tôi vào đây khai hoang lập nghiệp từ năm 1997 rồi bám trụ ở đây cho tới bây giờ”.

Sáu Đức khởi nghiệp với nghề mua cá bên Campuchia rồi bán cho người Việt ở An Giang. Ông cũng tập tành nuôi cá ba sa nhưng không thành công nên quyết định lên bờ đi khai hoang. Năm 1997 một mình ông lặn lội vào vùng kinh tế mới Lương An Trà (huyện Tri Tôn) mua 3ha để cải tạo trồng lúa.

Sáu Đức nhớ lại: “Hồi đó vùng này hoang vu, chỉ có tràm và cỏ năn sống nổi thôi. Cũng có vài người đến khai hoang nhưng rồi bỏ đi và gọi đây là vùng đất chết. Tôi thì nghĩ đất xấu thiệt nhưng không thể chết nên cố gắng đào mương xả phèn, phác cỏ, nhổ tràm trồng lúa. Mà trục đất xong thì cỏ nồm lại mọc dày như cái mền. Tôi phải kêu công tới đè ra nhổ sạch mới rải giống được. Gian nan lắm”.

Nhiều người ở xứ khác đến đây khai hoang nhưng vốn ít, không có tiền đào mương xả phèn, mua phân bón… nên khi lúa được 40-50 ngày thì trắng tay phải bỏ. Có người chờ thu hoạch nhưng chẳng được bao nhiêu. Nợ nần chồng chất khiến họ không thể bám trụ lại. Sáu Đức đứng ra trả nợ thay cho họ nên được chính quyền lấy đất đó giao lại cho ông tiếp tục khai hoang.

Thấy đất trống, ông cứ gieo sạ nhưng vụ hè thu rải giống xuống thì chuột xúm lại ăn sạch. Chỉ có vụ đông xuân sau khi nước lũ rút, ông gieo sạ thì mới tránh được chuột. Năng suất ban đầu 4 tấn/ha dần dần tăng lên 7-8 tấn/ha. Cứ thế đến năm 2006-2007 Sáu Đức khai hoang được tới 150ha đất, biến vùng “khỉ ho cò gáy” ở tứ giác Long Xuyên thành cánh đồng lúa bạt ngàn.

Năm 2008-2009 ông chuyển sang nhân giống lúa cung cấp cho nông dân. Nghề này giúp Sáu Đức trở thành tỉ phú trong thời gian ngắn. Nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa giống quá lớn, đốt thì uổng, bán thì rẻ bèo nên ông thuê thêm 70ha đất của Nhà nước mở trang trại nuôi bò giống, lấy rơm làm thức ăn cho bò.

Những người hùng khai hoang ​ĐBSCL
Ông Tư Thành – Ảnh V.TR

Đánh giặc để giữ đất

Cũng quê ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành (Tư Thành) đã bơi xuồng đến dựng chòi khai hoang tại xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng từ năm 1976. Giờ ông là một điền chủ bên đường biên giới với hơn 60ha đất trồng lúa.

Ông kể: “Khi đó đất đai ở đây bạt ngàn nhưng chỉ toàn cỏ dại, rắn, muỗi. Vợ chồng tôi kéo dây đo 100m bề ngang mặt kênh và bề sâu 1.000m ở khu đất gần chòi rồi đốt cỏ khai hoang, đào kênh xả phèn. Có khi dùng phảng phác cỏ thì thấy rắn bị đứt làm 2-3 khúc. Những năm tháng nước lũ, tối nào rắn cũng bò lên mùng thở khì khì thấy ghê lắm. Chuột thì con nào con nấy to bằng cổ chân. Nếu sạ (lúa) khô là chuột ăn sạch nên phải sạ ngầm, ruộng đầy nước thì mới có ăn. Nói thật, nếu sợ chết, ngại khổ thì vợ chồng tui đã bỏ về lâu rồi và không thể có ngày hôm nay”.

Năm 1978-1979 xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam. Pol Pot đưa quân tràn sang huyện Tân Hưng giết chóc, đốt phá nhà cửa buộc người dân phải bỏ xứ lánh nạn. Ông Thành tham gia bộ đội bám trụ chiến đấu và cuối cùng cũng đẩy lùi quân Pol Pot về bên kia biên giới.

Sau chiến tranh biên giới, vùng đất này ngổn ngang mảnh bom, vỏ đạn. Vợ chồng ông lại phải khai hoang một lần nữa ngay trên đất của mình. Nhiều lần suýt chết vì đạn nổ, nhiều trận lũ cuốn sạch lúa thóc cũng không làm người đàn ông gan lì này bỏ cuộc. Đến nay ông Thành có được hơn 60ha ở nhiều xã trong huyện Tân Hưng, mua sắm nhiều loại máy móc nông nghiệp cho thuê.

 

VÂN TRƯỜNG