23/01/2025

Lò luyện ‘người Triều Tiên giả’ đào tẩu

Đào tạo người Triều Tiên đào tẩu giả là hoạt động gian lận mới trong ngành công nghiệp làm hàng giả khét tiếng của Trung Quốc.

 

Lò luyện ‘người Triều Tiên giả’ đào tẩu

Đào tạo người Triều Tiên đào tẩu giả là hoạt động gian lận mới trong ngành công nghiệp làm hàng giả khét tiếng của Trung Quốc.




 

Một sinh viên đào tẩu từ Triều Tiên học sử dụng máy tính tại Hàn QuốcREUTERS


Làm giả như thiệt
Nhật báo Hàn Quốc Chosun Ilbo mới đây dẫn một nguồn tin riêng cho biết có ít nhất 2 cơ sở đào tạo như thế tại khu Vọng Kinh Nhai Đạo ở thủ đô Bắc Kinh, vốn là nơi tập trung đông đảo cư dân gốc Triều Tiên sinh sống.
Theo nguồn tin này, phần lớn học viên tại các lò luyện nói trên là những người gốc Triều Tiên sống ở Trung Quốc, số còn lại là người Trung Quốc có khả năng nói tiếng Triều. Họ được thuyết giảng về tình hình Triều Tiên và được huấn luyện bịa đặt những câu chuyện về nỗ lực trốn khỏi tổ quốc. Nguồn tin không tiết lộ chi phí cần thiết để “lột xác” thành người đào tẩu giả. Tuy nhiên, một khi xin tị nạn thành công, họ có thể thản nhiên bỏ túi khoản trợ cấp trị giá hàng trăm euro mỗi tháng do các chính phủ phương Tây đài thọ. Điều này có nghĩa đây là một hoạt động “đầu tư” sinh lợi đối với các học viên. Đó là chưa kể họ còn được hưởng những quyền lợi khác, chẳng hạn như bảo hiểm y tế.
Các chính phủ châu Âu và Bắc Mỹ thường sẵn sàng tiếp nhận những người tự nhận là công dân Triều Tiên đào tẩu dù các biện pháp kiểm tra đã trở nên nghiêm ngặt hơn. Nguồn tin trên tiết lộ những người đào tẩu giả được giới thiệu cho những người môi giới để làm giả giấy tờ chứng minh họ từng làm việc ở các mỏ than hoặc nhà xưởng bên trong các trại tù ở Triều Tiên. Họ cũng được huấn luyện để trả lời những câu hỏi thường được giới hữu trách phương Tây đưa ra trong quá trình xét duyệt yêu cầu tị nạn. Nhưng trong khi những người đào tẩu giả được chấp thuận tị nạn, những người đào tẩu “chính hiệu” đôi khi bị từ chối do không chứng minh được nhân thân.
Kêu gọi cảnh giác
Thông tin của Chosun Ilbo về sự tồn tại của lò luyện người đào tẩu giả giữa lòng thủ đô Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng nước này. Một người dùng mạng Weibo thừa nhận đó hoàn toàn không phải là điều đáng ngạc nhiên. “Khi tôi ở Anh vào năm 2007, một số người tị nạn chính trị Trung Quốc đã nói với tôi rằng công dân Trung Quốc có thể dễ dàng giả làm người Triều Tiên đào tẩu bằng cách học một ít tiếng Triều”. Nhiều người khác đánh giá các cơ sở cung cấp dịch vụ trên là “sáng tạo”, nhưng cũng có ý kiến tỏ ra bất bình với hoạt động đào tạo người đào tẩu giả và cho rằng nên trục xuất tất cả những người xin tị nạn “dỏm” về… Triều Tiên.
Theo Chosun Ilbo, các nhà hoạt động nhân quyền đã kêu gọi tăng cường bảo vệ người tị nạn thật và cảnh giác nhiều hơn với những người xin tị nạn bằng giấy tờ giả mạo, bao gồm những đối tượng tự nhận là người Triều Tiên đào tẩu. Theo Cao uỷ LHQ về người tị nạn, tính đến cuối năm ngoái, có 1.100 người Triều Tiên đào tẩu sống tại 13 quốc gia. Khoảng 230 người khác đang chờ xét duyệt hồ sơ tị nạn. Trong số này, Anh tiếp nhận nhiều nhất với 622 người, sau đó là Pháp 146 người, Canada 126 người, Đức 104 người, Bỉ 66 người và Hà Lan 59 người.
Trong khi đó, số người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc cũng đang gia tăng. UPI dẫn số liệu của chính phủ Hàn Quốc cho biết 815 người đã xin tị nạn ở nước này trong 7 tháng đầu năm nay. Giới chức ở Seoul cho hay một số công dân Trung Quốc giả làm người đào tẩu Triều Tiên cũng tìm cách định cư tại Hàn Quốc.

 

Trùng Quang