23/12/2024

Nhật quyết ứng phó tàu Trung Quốc gần đảo tranh chấp

Thủ tướng Nhật vừa ra lệnh các bộ ngành liên quan cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế về tình trạng tàu Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư.

 

Nhật quyết ứng phó tàu Trung Quốc gần đảo tranh chấp

Thủ tướng Nhật vừa ra lệnh các bộ ngành liên quan cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế về tình trạng tàu Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư.




Ngoại trưởng Kishida (trái) và Đại sứ Trình Vĩnh Hoa trong cuộc gặp ở Tokyo ngày 9.8	 /// AFP

Ngoại trưởng Kishida (trái) và Đại sứ Trình Vĩnh Hoa trong cuộc gặp ở Tokyo ngày 9.8AFP

Sáng 9.8, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida triệu tập Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa để phản đối về tình trạng tàu công vụ Trung Quốc vào vùng biển mà Tokyo gọi là lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Cụ thể, Ngoại trưởng Kishida tuyên bố với ông Trình rằng Nhật yêu cầu Trung Quốc lập tức rút các tàu công vụ khỏi vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp và cảnh báo nỗ lực của Bắc Kinh thay đổi hiện trạng khu vực gây tổn hại quan hệ song phương, theo Kyodo News dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nhật.
 
 
Cũng theo NHK, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản vừa triển khai tên lửa đánh chặn PAC-3 đến khu vực trụ sở Bộ Quốc phòng ở Tokyo và một khu trục hạm được trang bị hệ thống tác chiến tiên tiến Aegis tới vùng biển nằm giữa nước này và bán đảo Triều Tiên. Hành động mới được tiến hành theo lệnh bắn hạ mọi tên lửa mà Tokyo đưa ra hôm 8.8, 5 ngày sau khi tên lửa đạn đạo do CHDCND Triều Tiên phóng rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật thuộc vùng biển nói trên.
 

Ông Kishida còn tuyên bố Nhật không thể chấp nhận những hành động của Trung Quốc đẩy căng thẳng leo thang ở khu vực, theo Đài NHK. Sau đó, ông Trình cho báo chí hay trong cuộc gặp nói trên, ông đã đáp lại rằng Senkaku/Điếu Ngư là một phần lãnh thổ Trung Quốc nên tàu nước này có quyền đi vào vùng biển xung quanh quần đảo, đồng thời đề xuất tranh chấp giữa hai bên nên được giải quyết thông qua đối thoại.

Đây là lần thứ hai trong 5 ngày qua ông Trình bị Bộ Ngoại giao Nhật lên tiếng phản đối về tình trạng tàu công vụ Trung Quốc vào “lãnh hải” gần Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó vào ngày 5.8, ông Trình đã bị Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Shinsuke Sugiyama gọi điện phản đối. Dù chính phủ Nhật đã nhiều lần phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp nhưng tình hình vẫn không thay đổi. NHK đưa tin Lực lượng tuần duyên Nhật phát hiện 7 tàu hải cảnh Trung Quốc vào vùng tiếp giáp “lãnh hải” gần Senkaku/Điếu Ngư trong ngày 6.8 và con số đó lần lượt tăng lên 13 và 15 chiếc vào ngày 7 và 8, trong đó có một số tàu vào “lãnh hải”. Đây là số tàu công vụ Trung Quốc vào gần Senkaku/Điếu Ngư cùng lúc cao nhất kể từ khi Nhật quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp hồi tháng 9.2012.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa chỉ đạo các bộ ngành liên quan ứng phó điềm tĩnh nhưng kiên quyết theo luật pháp quốc gia và quốc tế. Ông Abe còn ra lệnh những bộ này cung cấp thông tin chính xác về tình trạng tàu công vụ Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư cho dân chúng và cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, giới chức Nhật đang cân nhắc bày tỏ quan ngại về vấn đề này tại các hội nghị quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Trung Quốc vào tháng tới, theo NHK.

 

Văn Khoa