Đuông dừa vẫn mua bán công khai dù bị cấm
Dù bị cấm nuôi và buôn bán, nhưng đuông dừa – loại côn trùng gây hại cho dừa – vẫn được nhiều người dân tại khu vực ĐBSCL nuôi rồi bán lại cho các thương lái để đưa về TP.HCM tiêu thụ.
Đuông dừa vẫn mua bán công khai dù bị cấm
Dù bị cấm nuôi và buôn bán, nhưng đuông dừa – loại côn trùng gây hại cho dừa – vẫn được nhiều người dân tại khu vực ĐBSCL nuôi rồi bán lại cho các thương lái để đưa về TP.HCM tiêu thụ.
Đuông dừa miền Tây được bán lẻ giá 5.000 đồng/con – Ảnh: NGỌC KHẢI |
Một trong những “đại lý” phân phối đuông dừa miền Tây tại TP.HCM là một người tên Dũng (36 tuổi, ngụ Q.2), thường xuyên có mặt tại giao lộ Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống (Q.2) để cung cấp hàng cho khách. Có thời điểm ông này còn treo bảng “đặc sản đuông dừa miền Tây” để tiếp thị hàng.
Chiều 3-8, trong vai một khách hàng tiềm năng, chúng tôi được ông Dũng nhiệt tình mở thùng nhựa, vạch lớp bã mía lấy vài con đuông bằng ngón tay cái rồi giải thích “do nó bò nên thun lại nhìn nó nhỏ chứ anh để im nhìn nó ú nù à”, đồng thời cho biết giá bán lẻ 5.000 đồng/con, nếu lấy từ 50 con trở lên sẽ có giá 4.000 đồng/con.
“Nếu anh lấy từ 100 con trở lên, tôi sẽ giao hàng tận nơi mà không tính thêm chi phí vận chuyển”, ông Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, đuông dừa có thể chữa trị được nhiều thứ bệnh và là thức ăn bổ dưỡng (?) với bốn món khoái khẩu là ăn sống, lăn bột, chiên bơ và dồn đậu phộng, không chỉ được tiêu thụ mạnh tại TP.HCM mà ngay cả dân sành ăn tại Hà Nội cũng đặt hàng.
Ông Dũng tiết lộ trước đây đuông chủ yếu chuyển thẳng từ miền Tây lên Vũng Tàu bán cho khách sành ăn tại một số resort, nhưng hiện nay chủ yếu cung cấp cho thị trường TP.HCM.
“Cứ ba ngày sẽ có ôtô vận chuyển 16 hộp (1.000 con/hộp) đuông dừa lên TP.HCM tiêu thụ”, ông Dũng cho biết.
Ngoài bán lẻ, số đuông dừa này được cung ứng cho 12 nhà hàng tại TP.HCM, trong đó mỗi nhà hàng thông thường lấy khoảng 500 con, khi gần hết sẽ điện thoại cho Dũng “châm” thêm hàng.
Ngoài tư vấn cách trữ đuông bằng cách cho ăn mía và vỏ dừa, ông Dũng còn cam kết hoàn trả tiền nếu đuông bị chết. “Nếu chết con đuông nào tôi sẽ trừ tiền ra con đó. Làm ăn uy tín lâu dài chứ không phải chụp giật”, ông Dũng khẳng định.
Trong khi đó, sau khi đưa cho chúng tôi xem chiếc tủ kính chứa gần trăm đuông dừa, ông Phát (nhà trên đường Thoại Ngọc Hầu, Q.Tân Phú) cho biết giá bán lẻ là 6.000 đồng/con, còn giá sỉ trên 100 con là 5.000 đồng/con, trường hợp lấy trên 200 con sẽ có giá 4.500 đồng/con.
“Hàng đẹp, nó mập lù trắng nõn vậy nè. Nếu lấy số lượng lớn em điện thoại cho bạn ở Bến Tre gửi lên, ở dưới bị bắt quá nên nó không dám bán. Tại vì đây mình có mối sẵn, có gốc sẵn rồi nên mình bán giá đâu có chát đâu”, ông Phát nói.
Theo ông Phát, đuông dừa bị cấm tại các địa phương có trồng dừa vì cơ quan chức năng sợ loài côn trùng này phá vườn dừa nhưng tại TP.HCM không sao (?).
Một đầu nậu khác tên Ý (khoảng 22 tuổi) khẳng định sẽ cung cấp sỉ với giá rất mềm, chỉ 3.000 đồng/con nếu lấy trên 50 con và không hạn chế số lượng.
“Tụi em lấy hàng nhiều nơi lắm. Hàng tụi em nhiều lắm, phân phối các tỉnh mà. Số nhà hàng trực tiếp liên hệ với em cũng phải mười mấy hai chục quán rồi”, Ý cho biết.
Khi nghe chúng tôi thắc mắc rằng “buôn bán đuông dừa có bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt?”, Ý chắc giọng: “Chỉ có khu vực ĐBSCL, vùng kinh tế dừa mới bị, còn ở Sài Gòn không sao hết”.
Ý giải thích thêm ở Bến Tre có văn bản cấm nuôi cũng như vận chuyển mua bán đuông dừa dưới mọi hình thức. “Người ta làm gắt khu vực có vùng dừa thôi, còn trên mình không có vùng dừa thì không sao” , Ý bảo.
Phạt 6 triệu đồng một quán ăn bán đuông dừa Vào tháng 7-2016, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật – Sở NN&PTNT Bến Tre đã xử phạt đối với chủ vườn ẩm thực ở xã Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre) 6 triệu đồng về hành vi bán đuông dừa cho thực khách, đồng thời yêu cầu chủ quán cam kết không tái phạm. Đây là trường hợp đầu tiên tại Bến Tre bị xử phạt về hành vi kinh doanh, phát tán đuông dừa theo nghị định 31 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Trước đó, cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức kiểm tra và phát hiện nhà hàng này đang phục vụ thực khách đuông dừa – một trong những sinh vật nguy hại cho vườn dừa đã bị UBND tỉnh có quyết định cấm nuôi và mua bán. Qua làm việc, chủ địa điểm ăn uống này cho biết nguồn đuông dừa được dân địa phương cung cấp và nhà hàng bán lại cho thực khách với giá 10.000 đồng/con. Cần sự phối hợp giữa các địa phương Bến Tre là địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với hơn 63.000ha, sản lượng trên dưới 500 triệu trái/năm và đây cũng là địa phương đầu tiên ban hành chỉ thị về việc nghiêm cấm nhân, nuôi, phát tán đuông dừa. Ông Nguyễn Văn Dũng – phó chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre – cho biết mặc dù có lệnh cấm nhưng do bán được giá cao nên nhiều người dân địa phương vẫn lén lút nuôi. Ngoài một nhà hàng ẩm thực vừa bị xử phạt, một số hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng bị nhắc nhở và không còn tái phạm. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tăng cường kiểm tra và mạnh tay với các hành vi nhân, nuôi, phát tán đuông dừa. Tuy nhiên theo ông Dũng, ngoài Bến Tre, một số địa phương khác có trồng dừa như Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh cũng phải làm quyết liệt để hạn chế tác hại của đuông dừa bởi đuông mẹ có thể bay từ vùng này qua vùng khác để sinh sôi, phá hoại. MẬU TRƯỜNG |
*Thạc sĩ Lê Cao Lượng (ĐH Nông lâm TP.HCM): Côn trùng gây hại cho dừa Đuông dừa là một loài côn trùng có tên khoa học là Rhynchophorus spp, thuộc họ vòi voi (Curculionidae) và bộ cánh cứng (Coleoptera). Trong 10 loài được ghi nhận trên thế giới đến thời điểm này có 5 loài được xác định gây thiệt hại cho cây họ cau dừa. Cây dừa khi bị đuông gây hại sẽ có triệu chứng như ngọn và các tàu lá phía trên ngọn bị chết (các lá phía dưới vẫn còn tươi), thân cây xuất hiện những lỗ đục có đường kính từ 1-2cm. Nếu bị nhiều đuông dừa tấn công nặng, lá già từ từ rụng và chết. Bổ một thân cây dừa non ra có thể tìm thấy 20-50 con đuông lớn nhỏ khác nhau. *Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM): Mua bán, nuôi đuông dừa là phạm pháp Do đuông dừa là sinh vật gây hại với cây dừa, việc nuôi và buôn bán đuông dừa bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức theo pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2001 và công văn số 1955 ngày 27-9-2013 của Cục Bảo vệ thực vật. Nếu vì cái lợi trước mắt, người dân vẫn lén lút nuôi đuông dừa để bán có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho các hộ trồng dừa, bởi thành trùng đuông dừa có khả năng bay ra ngoài và phát tán lây lan trên diện tích rộng. Theo tôi, các hành vi nuôi hoặc mua bán đuông dừa phải bị xử phạt nặng nhằm sớm ngăn chặn nguy cơ tác hại của loại côn trùng này lan rộng như ốc bươu vàng trên lúa trước đây. |