Du lịch Việt Nam như “ngôi sao cô đơn”
Sáng 9-8 tại Hội An (Quảng Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Đây được xem là “hội nghị Diên Hồng” của ngành du lịch trong bối cảnh gặp không ít khó khăn.
Du lịch Việt Nam như “ngôi sao cô đơn”
Sáng 9-8 tại Hội An (Quảng Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Đây được xem là “hội nghị Diên Hồng” của ngành du lịch trong bối cảnh gặp không ít khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Muốn làm du lịch thành công thì đầu tiên thể chế, chính sách, pháp luật phải tạo điều kiện cho ngành – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Tại hội nghị, sau khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở các đại biểu nên trao đổi cởi mở, thẳng thắn, các doanh nghiệp đã có nhiều tiếng nói khá mạnh mẽ để chỉ ra những vấn đề về du lịch hiện nay.
Công ty lữ hành Trung Quốc “phá kinh khủng”
Hội nghị khá nóng với nhiều phát biểu liên quan đến du khách Trung Quốc hiện nay. Đại diện Công ty du lịch Hoà Bình (TP.HCM) cho rằng việc giám sát, kiểm tra chưa chặt chẽ dẫn đến việc kinh doanh lữ hành khách Hàn Quốc, Trung Quốc đến các địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng, Nha Trang rất lộn xộn.
Các công ty có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho các công ty du lịch lữ hành nước ngoài núp bóng, thuê.
Nhiều khách sạn tự công bố sao, sau đó đón khách Hàn Quốc, Trung Quốc vào và giảm 50% so với giá công bố làm các công ty làm ăn chân chính không cạnh tranh nổi.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ – tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel – chia sẻ cần phải tổ chức lại ngành lữ hành, hiện hệ thống có đến 1.500 công ty lữ hành quốc tế nhưng vẫn thiếu và yếu, không đủ sức bước ra thế giới mang khách về (chỉ có 30 công ty).
Theo ông Kỳ, hiện các công ty nước ngoài đặt ở Việt Nam rất nhiều, nhưng một công ty Việt Nam ra nước ngoài rất khó.
Như Thái Lan, một công ty lữ hành bắt buộc người Thái làm chủ chiếm 51%, người nước ngoài chỉ 49%.
Còn chúng ta thì mở thoải mái nên các công ty lữ hành của Trung Quốc mạo danh vào phá kinh khủng, mỗi năm có hàng trăm ngàn khách của họ vào nhưng khách công ty báo cáo lên tổng cục thì gần bằng 0, vậy khách tan biến đi đâu, Nhà nước hoàn toàn thất thu thuế.
“Khách Trung Quốc vào ai nhận khách phải trả lại cho họ 50 USD/khách. Vào rồi họ làm “cơm tù”, họ làm “shopping tù” tất cả trong hệ thống của họ. Và họ quay ngược tiền đó trả lại cho khách sạn của ta, họ kinh doanh trên lưng của mình.
Nhiều địa phương vì quyền lợi, vì thành tích không dám làm rõ chuyện này. Điều này làm khách Trung Quốc, Hàn Quốc lộng hành” – ông Kỳ lên tiếng.
Đại diện tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc quản lý khách Trung Quốc lúc đầu do khách đột biến nên có lúng túng trong phối hợp, xử lý.
“Nếu không có anh trong nhà ta tiếp tay thì họ không có điều kiện để hoạt động, lách luật” – đại diện tỉnh này nói.
Visa kiểu “bén gót”
Đại diện Vietnam Airlines nhìn nhận về quảng bá du lịch, Vietnam Airlines đã đồng hành cùng Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch 20 năm nay nhưng “đúng là ít chuyển biến”.
Ông Đào Hồng Tuyển – chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu – lên tiếng: “Tôi xin được nói thẳng du lịch chúng ta ít nói đến hình ảnh thân thiện của Việt Nam, mọi người nói đó phải là hàng không nhưng tôi nói cái đầu tiên là công an, là hải quan.
Các anh là đại diện chủ nhà đón khách nên phải nở nụ cười thân thiện”. Ông Tuyển cũng đề nghị: “Cần cho phép mở casino, cần có cơ chế cho hoạt động quá 24g đi, giờ đó mới là giờ du lịch”.
Tại hội nghị, liên quan mở casino, không chỉ ông Tuyển, tỉnh Lào Cai cũng xin ưu tiên vì tỉnh có một casino nhỏ 8 bàn nhưng một năm đóng góp ngân sách 200-300 tỉ đồng; tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị được thí điểm.
Về thủ tục visa, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói ví von chính sách visa đưa ra như kiểu bén gót – tức là cửa mở hé nếu rút chân không kịp là bị bén gót.
Bán trước 1-2 năm thị trường cho khách nhưng visa gia hạn từng năm, vì thế bán mà không biết năm sau khách có được gia hạn hay không.
“Chúng tôi rất sợ chuyện này. Vì khách quốc tế đã nói là không rút lại được” – ông Kỳ nói và đề nghị cần phải có chính sách mở cửa về visa.
Còn ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) – nêu câu chuyện hai vợ chồng khách châu Âu vì yêu mến Việt Nam chọn làm điểm đến.
Nhưng khi tìm hiểu thủ tục làm chi phí visa thì thấy bằng chi phí 2 đêm nghỉ tại Thái Lan, trong khi nước họ không phải làm visa, nên họ đi Thái Lan. “Ngay như Lào, Campuchia cũng đang có những hoạt động du lịch hơn ta” – ông Lộc cho biết.
Ông Trần Bắc Hà – chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV – nêu minh chứng doanh thu du lịch của chúng ta chỉ bằng 22% của Thái Lan. Nếu tính trong 1 vạn dân, chúng ta có gần 886 khách du lịch quốc tế, trong khi Campuchia gấp gần 3,4 lần, Lào gấp 7,7 lần.
“Đây là con số đáng suy ngẫm. 7-8 năm trước Campuchia nói ước mơ được 1/4 lượng khách du lịch như của Việt Nam” – ông Hà nói. Trong khi Việt Nam có gấp nhiều lần các di sản so với các nước.
Ông Hà cũng ví von: “Ngành du lịch giờ như ngôi sao cô đơn, chả ai tham gia, nó phải gắn với giao thông, quy hoạch, môi trường… Du lịch phải phát triển theo thế chân kiềng”.
Các biện pháp rốt ráo
70% khách không quay lại vì 7 nỗi sợ Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn nói 70% khách quốc tế đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ, nhà vệ sinh và ô nhiễm môi trường. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Mặc dù chúng ta có nhiều tiến bộ về lượng khách, doanh thu… nhưng cũng phải nghiêm túc nhận thức rằng ngành du lịch còn nhiều yếu kém, bất cập, khiếm khuyết.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định đến năm 2020, du lịch phải đóng góp 10-12% trong cơ cấu GDP.
Ít nhất có 20 tỉ USD xuất khẩu tại chỗ từ du lịch, đến năm 2020 có ít nhất 15 triệu khách quốc tế và 75 triệu khách nội địa, gấp đôi hiện nay.
Theo Thủ tướng, Việt Nam chưa có chủ trương cho mở “phố đèn đỏ” và không mở casino tràn lan, phải có quy hoạch, quản lý chứ không thì phức tạp.
Phát triển du lịch phải có tính chuyên nghiệp, chất lượng và phát triển du lịch có trọng tâm, không thể trải dài phát triển du lịch trên 3.000km chiều dài đất nước.
Phát triển du lịch quốc tế và nội địa phải hài hòa, phải xem trọng du khách nội địa, phục vụ du khách. Coi trọng du lịch nội địa là một quan điểm phát triển, không thể để du lịch thành một bãi rác cho người dân dọn dẹp.
Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, khẩn trương triển khai đề án cấp thị thực điện tử thực hiện từ ngày 1-1-2017.
Thủ tướng cũng nói Chính phủ đã giao cho Bộ Công an soạn thảo việc thành lập cảnh sát du lịch. Giao Bộ GTVT, Ngoại giao, Công an… khẩn trương có đề án trình Chính phủ mở các đường bay trực tiếp ở các thị trường trọng điểm du lịch đến nước ta.
Đồng ý thành lập Quỹ phát triển du lịch nhưng phải sử dụng chặt chẽ, minh bạch. Bộ GTVT chỉ đạo các hãng hàng không đảm bảo an ninh trật tự, phát động phong trào ứng xử văn minh, thân thiện tại các sân bay, bến cảng.
Đề cao trách nhiệm, tăng cường tính phối hợp liên địa, liên vùng bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. “Lần này chúng ta phải chấm dứt tình trạng cô đơn này” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Cấm vui chơi lúc 24g, nhưng du khách cần Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng hiện vẫn còn hạn chế vui chơi vào ban đêm, như Hà Nội cấm vui chơi vào 24g trong khi nhu cầu du khách rất cần. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói thêm rất nhiều tỉnh cũng kiến nghị về việc này vì nhiều nơi cấm trong khi có nhiều du khách quốc tế bị lệch múi giờ, đêm họ không ngủ được nhưng không biết làm gì cả. TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương ủy quyền cho TP.HCM lập và triển khai đề án phát triển khu du lịch quốc gia Cần Giờ, thí điểm thành lập Phòng cảnh sát du lịch thuộc Công an TP.HCM để đảm bảo an ninh du lịch. |
Phải làm sạch nhà Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Tấn Vinh – chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng – nói còn nhiều vấn đề cần giải quyết để giúp ngành du lịch phát triển tốt hơn. Đối với vấn đề visa, ông Vinh cho rằng visa không chỉ là điện tử, là nhanh hay chậm, mà là mở rộng quốc tịch, miễn thị thực cho nhiều nước vì mình cần du khách đến với Việt Nam. Đề cập câu chuyện quản lý du khách Trung Quốc, ông Vinh cho rằng người Trung Quốc đông cả tỉ và đi khắp nơi trên thế giới là đương nhiên. Những nước lớn họ vẫn đón khách Trung Quốc bình thường, vấn đề là quản lý ra sao chứ không phải cấm hoặc bài trừ. “Chúng ta phải làm sạch nhà, đừng để những công ty cửa sau của các cơ quan quản lý nhà nước làm bình phong để cho họ thao túng” – ông Vinh cho hay. Tốt nhất là ngành du lịch của Việt Nam và Trung Quốc trao đổi thông tin về những quy tắc ứng xử khi đến du lịch tại nước sở tại. |
Phải xử nghiêm người Trung Quốc hoạt động du lịch trái phép Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng sáng 9-8, chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đặng Thị Kim Liên thẳng thắn nêu lên hàng loạt vấn đề nổi cộm được người dân quan tâm, mong muốn được xử lý tích cực, giải quyết thấu đáo.
Dân rất quan tâm đến chiến lược đối ngoại và an ninh quốc gia, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cử tri yêu cầu chính quyền kiểm tra, chỉ đạo chặt chẽ việc đầu tư, triển khai dự án tại các khu đất “vàng” hiện đang làm mất mỹ quan đô thị trung tâm TP. “Vấn đề thứ ba là việc quản lý nhà nước về du lịch, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân để tình trạng hướng dẫn viên người Trung Quốc, Hàn Quốc hoạt động trái phép làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường du lịch Đà Nẵng. Sự cố môi trường biển vừa qua chính là “bài học đắt giá cho chính mình” để từ đó siết chặt công tác quản lý nhà nước về môi trường, xây dựng thành phố môi trường không gặp phải những vấn đề tương tự” – bà Liên nói. |