23/12/2024

Buýt sông giúp Bangkok giảm kẹt xe

Với buýt đường sông, người dân Thủ đô Thái Lan có thể đến nơi làm việc đúng giờ, không vướng phải tình trạng kẹt xe trầm trọng trên các tuyến đường tại đây.

 

Buýt sông giúp Bangkok giảm kẹt xe 

 

Với buýt đường sông, người dân Thủ đô Thái Lan có thể đến nơi làm việc đúng giờ, không vướng phải tình trạng kẹt xe trầm trọng trên các tuyến đường tại đây.

 

 

 

Buýt sông giúp Bangkok giảm kẹt xe 
Một buýt sông trên kênh Saen Saep, thủ đô Bangkok – Ảnh: KHLONG SAEN SAEP EXPRESS BOAT

Thủ đô của Thái Lan có một “đặc sản” nổi tiếng thế giới: kẹt xe. Để giải quyết tình trạng này, trong nhiều năm qua chính quyền đã phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ nội ô, biến Bangkok thành “Venice của phương Đông”.

Với người dân thủ đô Thái Lan, đi làm vào giờ cao điểm là một cực hình bởi tình trạng kẹt xe trên hầu hết tuyến phố. Nhưng có một cách khác để có thể đến nơi làm việc đúng giờ: buýt đường sông.

Hàng chục năm vận hành 

Thủ đô Bangkok hiện tại đang duy trì và vận hành năm tuyến buýt sông, trong đó lớn nhất và nổi tiếng nhất là tuyến sông Chaopraya với thâm niên hàng chục năm hoạt động. Ngoài phục vụ việc đi lại của người dân, buýt sông còn là một loại hình tham quan du lịch rất hấp dẫn.

Tổng cộng chỉ tính riêng ở sông Chaopraya đã có hơn 30 bến buýt sông. Tất cả đều được đánh số và quản lý chặt chẽ. Người ta cũng chia tàu thành bốn loại khác nhau dựa theo số lượng các bến tàu sẽ ghé rước khách và điểm đầu, điểm cuối.

Ví dụ, tàu mang cờ màu vàng sẽ ghé 10 bến tàu để rước và trả khách, điểm đầu của nó là bến N30 – Nonthaburi, điểm cuối là S4 – Ratburana.

Tàu mang cờ màu xanh lá cây, điểm đầu tuyến sẽ là Sathorn, điểm cuối là N33 – Pakkret. Việc số lần ghé các bến nhiều hay ít cũng quyết định giá vé mỗi loại tàu.

Số lượng hành khách được phép chở tuỳ thuộc vào số chân vịt và động cơ của mỗi tàu. Tàu một chân vịt sẽ được phép chở 90 – 120 hành khách mỗi chuyến, trong khi tàu hai chân vịt sẽ được chở tối đa tới 180 hành khách.

Giá vé của buýt sông lại rẻ hơn so với các phương tiện khác và linh hoạt theo từng chặng, tuyến đường và loại tàu. Chẳng hạn như đối với tàu không có cờ, giá vé cao nhất là 12 baht (khoảng 7.500 đồng) trong khi giá vé của tàu mang cờ xanh từ 10 – 31 baht.

Cải tạo cảnh quan môi trường

Bangkok vốn là một vùng đất trũng, lại bị xẻ ngang cắt dọc bởi các con kênh từng phục vụ nông nghiệp, hội đủ điều kiện để phát triển mạnh giao thông đường thuỷ. Song từ nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm ở những con kênh này ngày càng trầm trọng.

Trước thực tế đó, chính quyền địa phương đã bắt tay vào nỗ lực cải thiện cảnh quan môi trường. Trong một động thái mới nhất, hơn 50.000 hộ dân lấn chiếm đất dọc theo khoảng 200km các con kênh đã bị yêu cầu giải toả.

Điều này sẽ cho phép các con kênh được nạo vét, làm sạch để kiểm soát tình trạng lũ lụt và đáp ứng việc di chuyển của tàu thuyền, trong đó có buýt sông.

Nói với Straitstimes về kế hoạch giải toả, phó thống đốc Bangkok Amorn Kitchawengkul nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ cố gắng di chuyển người dân đến một môi trường và cộng đồng tốt hơn”.

Chính quyền sẽ hỗ trợ những người nằm trong diện di dời thông qua một gói vay ngân hàng tập thể dành cho việc mua nhà, với giá từ 100.000 – 400.000 baht/căn (khoảng 250 triệu đồng).

Một số người dân nhận thức được tình trạng ô nhiễm nên đã tự nguyện di dời, như bà Mongkol Kongsri. Một số khác lại hi vọng có thể quay lại sau khi các con kênh được cải tạo, bởi cuộc sống của họ đã gắn liền với nơi đó.

TP.HCM chuẩn bị đầu tư tuyến buýt sông

Khu Quản lý đường thuỷ nội địa TP.HCM cho biết vừa trình Sở Giao thông vận tải hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện hai tuyến vận tải hành khách công bằng đường thuỷ (gọi tắt là buýt sông) theo hình thức PPP (hợp tác công – tư).

Theo đó, nhà đầu tư sẽ mở hai tuyến buýt sông gồm tuyến 1 từ bến Bạch Đằng (Q.1) đi theo sông Sài Gòn đến khu du lịch Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) và tuyến 2 từ bến Bạch Đằng đi theo kênh Bến Nghé – Tàu Hủ, cặp theo đường Võ Văn Kiệt đến bến Q.8.

Theo kế hoạch, sau khi được cơ quan thẩm quyền chấp thuận, nhà đầu tư sẽ triển khai đầu tư xây dựng bến bãi, phương tiện thuỷ cho 2 tuyến buýt sông trên. Tổng vốn đầu tư 2 tuyến buýt sông là 114 tỉ đồng và dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2017.

N.ẨN

DUY LINH