23/01/2025

Sở chỉ huy khủng bố toàn cầu của IS

Bài điều tra vừa được đăng trên tờ The New York Times của nhà báo Rukmini Callimachi đã cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo có hẳn một mạng lưới “chuyên trách” lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công ở nước ngoài.

 

Sở chỉ huy khủng bố toàn cầu của IS

Bài điều tra vừa được đăng trên tờ The New York Times của nhà báo Rukmini Callimachi đã cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo có hẳn một mạng lưới “chuyên trách” lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công ở nước ngoài.



Các tay súng nước ngoài trong lực lượng IS  /// Ảnh chụp từ clip

 

Các tay súng nước ngoài trong lực lượng ISẢNH CHỤP TỪ CLIP


Bà Callimachi là phóng viên phụ trách mảng Hồi giáo cực đoan của The New York Times từ nhiều năm qua. Qua hàng ngàn trang tài liệu của lực lượng tình báo Áo, Bỉ, Đức, Pháp cùng các tài liệu thu thập được trong quá trình công tác ở các nước Bắc Phi và lời kể của nhiều nhân chứng, bà đã phác họa được “chân dung” mạng lưới chuyên “xuất khẩu sự kinh hoàng” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Mạng lưới này được gọi là Emni, được tổ chức cực kỳ bài bản và có tầm “phủ sóng” rất rộng để lên kế hoạch chi tiết các vụ tấn công bên ngoài những khu vực do IS kiểm soát.
Theo tờ Le Monde, một trong những nguyên nhân giúp IS hoạt động hiệu quả hơn hẳn so với những tổ chức Hồi giáo cực đoan khác là cách thức quản lý hành chính rất chặt chẽ với 16 “bộ” ở “trung ương” và có các đơn vị trực thuộc ở mỗi “địa phương”. Kiểu quản lý chặt chẽ đó đã giúp IS không để thất thoát nguồn thu rất lớn từ những mỏ dầu mà lực lượng này chiếm quyền kiểm soát ở Syria và Iraq.
50.000 euro/vụ tấn công
Nguồn gốc ban đầu của Emni là một lực lượng tình báo của IS, chuyên trách phát hiện gián điệp các nước trong lòng tổ chức này. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiệm vụ của nhóm được mở rộng. Đến khi được chính thức thành lập vào năm 2014, vai trò chính của Emni là “tuyển mộ, huấn luyện, gửi người ra khắp thế giới để phát tán bạo động và thu thập hóa chất để chế tạo vũ khí”, theo lời kể trên tờ Le Parisien của một cựu thành viên IS bị bắt giữ tại Pháp. Tay súng này cũng tiết lộ mỗi “điệp viên” của Emni được giao 50.000 euro để thực hiện một vụ tấn công tại châu Âu.
Emni hoạt động khá độc lập. Khi đã tuyển mộ được người, trong đó có rất nhiều lính mới chưa từng hoặc rất ít có quan hệ với Hồi giáo cực đoan, nhóm chỉ huy của mạng lưới này dựa trên ngôn ngữ của họ để phân chia thành các đơn vị mật. Tuy nhiên, thành viên của các đơn vị này không hề gặp nhau và chỉ tập họp 1 ngày trước khi được gửi ra nước ngoài để cùng tham gia một vụ tấn công. Các tay súng tham gia vụ tấn công vào tháng 11.2015 ở Pháp hay vào tháng 3.2016 ở Bỉ cũng chỉ gặp nhau một thời gian ngắn trước khi hành động. Điều này để phòng ngừa trường hợp các tay súng bị bắt giữ thì cũng không biết gì nhiều để khai về những thành viên khác.
Tay súng người Đức Harry Sarfo, bị bắt và bị giam sau khi từ Syria về nước vào tháng 7.2015, kể với nhà báo Callimachi: “Trong năm 2015, tôi đã gặp một số thành viên của Emni. Họ khoe rằng mạng lưới này đã cài được nhiều người ở châu Âu, sẵn sàng ra tay khi thời cơ chín muồi. Emni muốn thực hiện một chuỗi tấn công liên hoàn diễn ra cùng lúc ở Anh, Đức và Pháp”.
Sở chỉ huy khủng bố toàn cầu của IS - ảnh 1

Hành khách được sơ tán khỏi sân bay Brussels, Bỉ, sau vụ tấn công hôm 22.3 tại đâyREUTERS

Những con sói không đơn độc
Một số thủ phạm của các vụ tấn công ở Âu Mỹ từng được cho là “sói đơn độc”, chỉ đơn thân hành động sau khi bị IS chiêu dụ. Tuy nhiên, theo điều tra của The New York Times, trên thực tế nhiều khả năng những “con sói” này không hề đơn độc mà được hậu thuẫn từ những mắt xích trung gian do Emni cài ở nước ngoài. Để qua mặt các cơ quan tình báo, những mắt xích nói trên thường có lý lịch rất sạch, thậm chí chỉ mới cải đạo sang Hồi giáo gần đây và có vai trò làm trạm trung chuyển thông tin cho các tay súng trực tiếp tham gia các vụ tấn công. Do chỉ có vai trò trung gian và cũng là lính mới nên những người này không được biết nhiều về IS, để tránh nguy cơ lộ thông tin khi bị bắt.
Đứng đầu Emni là “phát ngôn viên” của IS Mohammed al-Adnani (39 tuổi) có gốc gác ở miền bắc Syria. Tuy không ít lần lên tiếng trong các đoạn phim được phát tán trên mạng internet trong các chiến dịch quảng bá của IS nhưng trên thực tế, hành tung của al-Adnani rất bí ẩn. Nhiều tay súng kỳ cựu của IS cũng chưa từng thấy mặt kẻ này. Tay súng người Đức Sarfo cho biết trong buổi tuyên thệ trung thành với tổ chức Hồi giáo cực đoan, hắn ta có nói chuyện với al-Adnani nhưng bị bịt mắt.
Sở chỉ huy khủng bố toàn cầu của IS - ảnh 2

Hình ảnh được cho là của Mohammed al-AdnaniẢNH CHỤP TỪ CLIP

Dưới trướng của thủ lĩnh bí ẩn này tại Emni là nhiều chỉ huy có nhiệm vụ lên kế hoạch tấn công ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Theo đó, mạng lưới được chia thành 3 “phân khu”: châu Âu, châu Á và Ả Rập. Trong số các chỉ huy của Emni, có 2 kẻ được xem là “cánh tay mặt” của al-Adnani: Abou Souleymane (người Pháp) và Abou Ahmad (người Syria). Nhiều khả năng cả hai là những chủ mưu của chuỗi tấn công liên hoàn ngày 13.11.2015 tại Paris (Pháp) làm 130 người thiệt mạng. Như vậy, Addelhamid Abaaoud, kẻ từng bị cho là cầm đầu vụ tấn công này, trên thực tế chỉ là người điều phối của Emni chứ không phải chỉ huy.
Tại Nhà hát Bataclan, tâm điểm của vụ tấn công thủ đô Pháp vào tháng 11.2015, nhân chứng David Fritz-Goeppinger kể đã nghe các tay súng hỏi nhau: “Có cần gọi điện cho Souleymane không?”. Điều này cho thấy vai trò và địa vị rất quan trọng của Souleymane. Hắn ta từng điều hành một câu lạc bộ thể thao ở ngoại ô Paris trước khi cùng cả nhà chuyển sang Syria.
Sở chỉ huy khủng bố toàn cầu của IS - ảnh 3

Hiện trường vụ tấn công nhà hát Bataclan ở Paris, Pháp tháng 11.2015AFP

Thông tin về Emni đã giúp làm sáng tỏ nhiều điều về những vụ tấn công xảy ra liên tiếp gần đây ở các nước châu Âu. Mạng lưới này, theo The New York Times, đến nay đã gửi người sang rất nhiều nước như Áo, Bangladesh, Đức, Indonesia, Li Băng, Malaysia, Tây Ban Nha, Tunisia…
Điều tra nhờ mạng xã hội
Phóng sự điều tra về Emni là kết quả nhiều năm thu thập, sàng lọc và phân tích thông tin của nhà báo Rukmini Callimachi. Đặc biệt, những năm gần đây, bà theo dõi rất kỹ chiến lược lan truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan trên mạng internet của IS. Theo nhà báo Callimachi, tổ chức này từ chỗ chỉ hoạt động ở những diễn đàn trực tuyến thì từ năm 2013 đã “tổng tấn công” sang mạng xã hội Twitter. Khi bị kiểm soát chặt chẽ ở Twitter, IS lại chuyển sang ứng dụng Telegram. Mỗi ngày, bà Callimachi dành nhiều giờ để “len lỏi” vào các tài khoản mạng xã hội có liên quan đến tổ chức này và đã thu được rất nhiều thông tin quan trọng.


 

Lan Chi