23/01/2025

Ngã rẽ lịch sử của Thái Lan

Bản dự thảo hiến pháp được đưa ra trưng cầu hôm nay 7.8 sẽ củng cố thêm quyền lực cho quân đội ở Thái Lan.

 

Ngã rẽ lịch sử của Thái Lan

Bản dự thảo hiến pháp được đưa ra trưng cầu hôm nay 7.8 sẽ củng cố thêm quyền lực cho quân đội ở Thái Lan.




Công tác chuẩn bị tại Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan chiều 6.8  ///  Lam Yên

Công tác chuẩn bị tại UỶ ban Bầu cử quốc gia Thái Lan chiều 6.8LAM YÊN


Hôm nay 7.8, hơn 200.000 sĩ quan cảnh sát sẽ được triển khai tại 94.000 điểm bỏ phiếu trên toàn Thái Lan để đảm bảo an ninh trong ngày trưng cầu dân ý về hiến pháp mới. Để chuẩn bị cho cuộc trưng cầu này, chính phủ Thái còn “cấm 30 giờ bia bọt cho ngày trọng đại”, với lệnh cấm bán bia rượu từ 18 giờ ngày 6.8 đến hết ngày 7.8.
Uỷ ban Bầu cử (EC) cho biết đợt bỏ phiếu sẽ kết thúc lúc 16 giờ. Kết quả sẽ được kiểm tại mỗi điểm bỏ phiếu trước khi báo cáo về EC. Nếu thời tiết tốt và đường điện thoại không trục trặc, kết quả không chính thức có thể biết được vào 21 giờ cùng ngày trong khi kết quả chính thức sẽ công bố trong vòng 3 ngày.
Phép thử lòng dân
Từ khi chính quyền quân đội lên nắm quyền hồi tháng 5.2014, đợt bỏ phiếu này như phép thử lớn nhất về lòng dân, liệu họ có chấp nhận hiến pháp mới do quân đội soạn thảo hay không. Theo quân đội, hiến pháp mới sẽ giúp nền chính trị trở nên ổn định và trong sạch hơn, đồng thời hàn gắn sự chia rẽ chính trị trong hơn một thập niên qua.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo hiến pháp là cho phép Hội đồng hoà bình và trật tự quốc gia (NCPO) của quân đội chọn ra 250 thành viên Thượng viện. Ngoài ra, thủ tướng tương lai cũng sẽ được quốc hội chọn ra thay vì được bầu bởi người dân. Từ đó, vấn đề gây tranh cãi nhất của cuộc trưng cầu là câu hỏi thứ hai trong lá phiếu: “Trong 5 năm đầu tiên, Thượng viện có nên được phép tham gia cùng Hạ viện trong việc lựa chọn thủ tướng hay không?”.
Ngã rẽ lịch sử của Thái Lan - ảnh 1

Tình nguyện viên chuẩn bị cho công tác trưng cầu dân ý tại một điểm bỏ phiếu ở BangkokREUTERS

TS Naruemon Thabchumpon (Khoa Khoa học chính trị, ĐH Chulalongkorn) chia sẻ với Thanh Niên rằng việc dự thảo hiến pháp đồng ý để NCPO chọn các thượng nghị sĩ đồng nghĩa với việc Thượng viện sẽ “ủng hộ” NCPO. Với sự “kiểm soát” đó, chính quyền dân cử sau này (dự kiến trong năm 2017) nếu muốn làm gì cũng sẽ rất khó.
“Chưa kể nhiều người tin rằng, NCPO đã có sẵn “ứng cử viên” cho vị trí thủ tướng của chính phủ thành lập sau bầu cử năm 2017. Vì thế, rất nhiều người không đồng ý quan điểm này”, bà Naruemon nói.
Mới đây, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon cho biết sẽ bỏ phiếu đồng ý để Thượng viện tham gia cùng Hạ viện chọn thủ tướng. “Tôi có quyền nói ra quan điểm cá nhân của mình như bao nhiêu người khác và tôi khẳng định việc này không nhằm cố gắng gây ảnh hưởng lên các cử tri khác”, ông Prayuth nói.
Theo Bangkok Post, Nattawut Saikuar, nhân vật chủ chốt của Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD), cho biết ông không ngạc nhiên trước ý định của quân đội. Theo ông, Thủ tướng Prayuth sẽ duy trì quyền lực cho đến khi chính phủ mới được thành lập cũng như chọn xong các thượng nghị sĩ. Khi đó, ông ta cũng nắm cơ hội lớn để được chọn vào vị trí thủ tướng (mà không qua bầu cử).
TS Naruemon cho rằng chính quyền quân đội đã nắm quyền được 2 năm và đang có khuynh hướng “sử dụng kỹ xảo” để áp chế mọi người. Nếu kết quả không như mong đợi, họ có thể sẽ soạn thảo một bản hiến pháp mới hoặc chỉnh sửa đôi chút để làm dịu lòng dân rồi tuyên bố thông qua.
Ngã rẽ lịch sử của Thái Lan - ảnh 2

Hơn 200.000 sĩ quan cảnh sát sẽ được triển khai tại 94.000 điểm bỏ phiếu trên toàn Thái Lan để đảm bảo an ninh trong ngày trưng cầu dân ý về hiến pháp mớiREUTERS

“Cuộc chiến” chưa ngã ngũ
Mặc dù chính phủ đang “dốc toàn lực” để hiến pháp được thông qua, bao gồm việc cấm tất cả những chiến dịch vận động phản đối hiến pháp, nhưng đến lúc này, chưa ai dám chắc kết quả bỏ phiếu sẽ như thế nào. Một cuộc thăm dò dân ý mới đây cho thấy đến 60% cử tri chưa quyết định sẽ bỏ phiếu “đồng ý” hay “không”.
Hiện tại có khoảng 40 – 50 triệu người đủ điều kiện đi bầu, nhưng theo dự đoán chỉ 70% cử tri đi bỏ phiếu. Ở lần trưng cầu dân ý về hiến pháp năm 2007, chỉ khoảng 57% cử tri đi bỏ phiếu. “Cử tri lần này có thể chia thành 2 nhóm: nhóm “đồng ý” và nhóm “không”. Phe “áo vàng” sẽ “thông qua”, còn phe áo đỏ thì “không”. Nhưng 2 phe này cũng chỉ chiếm từ 15 – 20% cử tri đi bầu, còn 60 – 70% cử tri đang phân vân chưa quyết định. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là liệu số người đi bỏ phiếu có hơn 50% hay không và người dân sẽ phản ứng thế nào với kết quả cuộc trưng cầu”, TS Attasit Pankaew (Khoa Khoa học chính trị, ĐH Thammasat) nói với Thanh Niên.
Hiện hai cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva và Yingluck Shinawatra đã công khai bác bỏ điều khoản hiến pháp. Liên minh “áo đỏ” cũng bác bỏ dự thảo. Trong khi một số nhóm hoạt động sinh viên đã công khai chiến dịch vận động bỏ phiếu “không”. Tuy vậy, khác với lần bỏ phiếu về hiến pháp năm 2007, lần này chính quyền siết chặt hơn bằng một đạo luật sẽ phạt đến 10 năm tù giam cho việc tổ chức chiến dịch liên quan đến cuộc trưng cầu. Chính vì thế, các nhà phê bình, nhóm phản đối hiến pháp cũng hoạt động rất yếu ớt.
“Năm 2007, người dân được tự do hơn trong việc bỏ phiếu. Năm nay, khủng hoảng ở đất nước chúng tôi sâu rộng hơn, nếu vẫn cứ thực hiện theo phương thức cũ, thì tình hình có thể trở nên rắc rối hơn. Vì thế, những hạn chế này nhằm đảm bảo an toàn hơn cho quá trình thực hiện”, TS Attasit nói.
2 năm sóng gió
* 5.2014: Chính quyền quân đội nắm quyền tại Thái Lan sau khi tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ.
* 8.2014: Ông Prayuth Chan-o-cha lên làm thủ tướng.
* 8.2015: Xảy ra vụ đánh bom tại đền Erawan (Bangkok) làm 20 người chết và 130 người bị thương.
* 9.2015: Chính quyền Thái Lan loại bỏ một dự thảo hiến pháp mới.
* 6.2016: Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Thái Lan nửa đầu năm 2016 giảm ở mức kỷ lục kể từ năm 2005 (từ 4,2 tỉ USD xuống còn 347 triệu USD).
* 7.2016: Một đài truyền hình thuộc phe “áo đỏ” bị đóng cửa trong 30 ngày. Một số nhà hoạt động và ít nhất một nhà báo đã bị bắt theo điều 61 của luật Trưng cầu vốn cấm các phương tiện truyền thông, cá nhân phổ biến “thông tin sai sự thật”, “bạo lực, thô tục, hoặc ép buộc” có thể ảnh hưởng đến cử tri.
* 8.2016: Trưng cầu dân ý hiến pháp lần cuối để chuẩn bị cho đợt bầu cử dự kiến tổ chức vào giữa năm 2017.

“Dân chủ một nửa”
Ngã rẽ lịch sử của Thái Lan - ảnh 3

       

Thái Lan đang cố gắng học theo các nước láng giềng. Ví dụ, Việt Nam có kế hoạch 5 năm, 10 năm, 20 năm… Thái cũng muốn vậy. Tuy nhiên, theo dự thảo hiến pháp, chính phủ được thành lập sau bầu cử vẫn phải tuân theo “Chiến lược 20 năm của đất nước” do chính phủ lâm thời soạn thảo.

Bên cạnh đó, dự thảo hiến pháp vẫn đồng ý để 6 người đang phục vụ trong quân đội (hải quân, không quân, lục quân…) có mặt trong Thượng viện. Ngoài ra, trong dự thảo hiến pháp có điều khoản cũng hơi liên quan đến Việt Nam là phân biệt giữa quyền công dân cho người Thái và quyền cơ bản cho những người sống tại Thái. Nghĩa là các quyền lợi (như bảo hiểm, phúc lợi) của lao động Việt Nam (cũng như lao động các nước khác) tại Thái sẽ kém hơn so với người Thái. Điều này bị các nhà hoạt động nhân quyền phản đối, vì theo họ, mọi người sống tại Thái đều phải được bình đẳng. Vì thế, chúng tôi tạm gọi đấy là “dân chủ một nửa”.
TS Naruemon Thabchumpon
(Khoa Khoa học chính trị, ĐH Chulalongkorn)

 

Lam Yên 
(Văn phòng Bangkok)