23/01/2025

Dạy học sinh biết sống có trách nhiệm

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm học 2015 – 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016 – 2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm qua (5.8).

 

Dạy học sinh biết sống có trách nhiệm

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm học 2015 – 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016 – 2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm qua (5.8).




Chất lượng đội ngũ, dạy và học ngoại ngữ là những trọng tâm đổi mới trong năm học tới –ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần dạy cho học sinh (HS) biết yêu lịch sử, truyền thống dựng nước và bảo vệ đất nước của cha ông, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
Biết kính trên, nhường dưới, tôn trọng người già, biết sống có trách nhiệm trong tập thể, trong xã hội. “Bây giờ nhiều HS không thuộc, không nhớ chút nào về lịch sử dân tộc. Chúng ta phải tìm nguyên nhân, có giải pháp tốt hơn đối với môn lịch sử”, Thủ tướng nói.


Bộ GD-ĐT sẽ đi đầu xóa cơ chế chủ quản

Tăng quyền tự chủ và yêu cầu về trách nhiệm giải trình nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với xu thế chung của thế giới là một trong những nhiệm vụ được Bộ GD-ĐT xác định sẽ thực hiện trong năm học mới đối với ĐH.
 
 
Dạy học sinh biết sống có trách nhiệm - ảnh 2
Chúng ta phải mạnh dạn đưa giáo dục ĐH tiến tới dịch vụ công có chất lượng, tránh việc phụ thuộc cơ quan chủ quản về hành chính

Dạy học sinh biết sống có trách nhiệm - ảnh 3
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
 
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đến nay cả nước có 14 trường ĐH công lập được Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.
Bước đầu cho thấy mô hình này đã thành công, thể hiện ở tính tích cực chủ động của các trường và sự chấp nhận của xã hội. Tuy nhiên, do mới ở mức độ thí điểm nên còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể; cơ sở pháp lý chưa vững chắc và thiếu đồng bộ nên việc triển khai còn nhiều lúng túng, chưa thống nhất. Trong đó có trường còn dựa vào lợi thế của ngành để chú trọng tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong thực hiện nhiệm vụ tự chủ ĐH, trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương – cơ quan chủ quản các đơn vị đào tạo, là phải giảm dần vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT sẽ là Bộ đầu tiên đi đầu trong việc này. Bộ sẽ cố gắng nâng cao năng lực cho các trường ĐH nhằm tiến tới tự chủ, không còn trực thuộc Bộ, để Bộ tập trung vào quản lý nhà nước. “Các bộ, ngành khác tôi cũng kiến nghị như vậy. Chúng ta phải mạnh dạn đưa giáo dục ĐH tiến tới dịch vụ công có chất lượng, tránh việc phụ thuộc cơ quan chủ quản về hành chính”, ông Nhạ nói.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cùng lúc với đẩy mạnh tự chủ ĐH, cần xác định một cách rõ ràng “trách nhiệm xã hội” của trường ĐH.
Theo Thủ tướng, xây dựng cơ chế và chính sách để việc liên thông và phát triển chuyên môn giữa hệ THCN, dạy nghề đối với các hệ thống đào tạo khác được dễ dàng, động viên HS hướng nghiệp, phân luồng sớm từ phổ thông là rất cần thiết. Nhưng Thủ tướng cũng chia sẻ một số khó khăn hiện nay trong vấn đề quản lý nhà nước để tạo nên sự liên thông này. “Đến giờ phút này, Thủ tướng cũng chưa trả lời được vấn đề quản lý nhà nước về dạy nghề”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Chất lượng đội ngũ là gốc rễ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay trong 9 nhiệm vụ, ngành giáo dục chú trọng nhất việc nâng cao chất lượng nhà giáo và quản lý giáo dục. Làm tốt được nhiệm vụ này rất khó nhưng không thể không làm bởi đây là gốc rễ của ngành.
Phát biểu tham luận của lãnh đạo Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho rằng cần tiến hành rà soát đội ngũ trong toàn ngành theo quan điểm “rộng và sâu”.
Liên quan đến đào tạo giáo viên, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề nghị cần quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Theo ông Minh, hiện cả nước có quá nhiều trường sư phạm khiến nguồn lực đầu tư bị dàn trải, khó đầu tư “ra tấm, ra miếng” được. Quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo giáo viên, một mặt đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng; mặt khác có như thế mới có thể đầu tư trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo.


Khắc phục yếu kém dạy – học ngoại ngữ
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT trong năm học tới. Bộ GD-ĐT thừa nhận: “Tiến độ triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 còn chậm, hiệu quả chưa cao, chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế”…
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, cho biết Đề án 2020 cho thấy nhiều thách thức, khó khăn đối với người dạy ngoại ngữ ở VN bao gồm hàng loạt vấn đề như năng lực, số lượng giáo viên, chính sách lương và đãi ngộ, cơ sở vật chất và tài liệu dạy học.


 

Tuệ Nguyễn – Quý HIên