24/01/2025

Những bóng hồng trên chính trường Nhật Bản

Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trên chính trường Nhật Bản khi nội các mới có 3 phụ nữ, không lâu sau khi Tokyo có nữ thị trưởng đầu tiên.

 

Những bóng hồng trên chính trường Nhật Bản

Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trên chính trường Nhật Bản khi nội các mới có 3 phụ nữ, không lâu sau khi Tokyo có nữ thị trưởng đầu tiên.




Bà Tamayo Marukawa, bà Tomomi Inada, bà Yuriko Koike 
 /// AFP -  Reuters

 

Bà Tamayo Marukawa, bà Tomomi Inada, bà Yuriko KoikeAFP – REUTERS


Sự xuất hiện của các nữ Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, Bộ trưởng phụ trách tổ chức Olympics Tamayo Marukawa, Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi trong nội các mới của Thủ tướng Shinzo Abe được xem như làn gió thổi vào chính trường khô khan đầy cánh mày râu của Nhật Bản.
Bông hồng có gai
Việc ông Abe bổ nhiệm phụ nữ vào những chức vụ quan trọng trong chính phủ cũng là điều dễ hiểu. Khi lên nắm quyền lần thứ hai hồi năm 2012, lãnh đạo Nhật Bản đã đưa ra học thuyết Kinh tế phụ nữ nhằm khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho nữ giới làm việc, đóng góp và thăng tiến trong mọi lĩnh vực.
Ngay sau khi xuất hiện trên truyền hình ở cương vị mới, tân Bộ trưởng Quốc phòng Inada thu hút ánh nhìn của mọi người nhờ sở hữu khuôn mặt khả ái. Theo truyền thông Nhật Bản, bà Inada tốt nghiệp Đại học Waseda năm 1981 và không lâu sau trở thành luật sư có tiếng. Bà tham gia chính trường năm 2005 và sau này được ông Abe đánh giá cao với những lập luận chính trị sắc bén. Bà mẹ hai con vốn là đồng minh thân cận của Thủ tướng Abe và cũng là người ủng hộ ông trong việc cải cách hiến pháp, theo tờ The Japan Times.
Những bóng hồng trên chính trường Nhật Bản - ảnh 1

Bộ trưởng Inada lần đầu duyệt đội danh dự tại Bộ Quốc phòng Nhật BảnREUTERS

Chính trị gia 57 tuổi này là người nổi tiếng có quan điểm cứng rắn. Tháng 8.2011, bà nằm trong số 3 chính trị gia bị cấm vào Hàn Quốc sau khi tìm cách thăm đảo Takeshima/Dokdo đang tranh chấp giữa hai nước. Vụ việc đã gây căng thẳng cho mối quan hệ Tokyo – Seoul. Ngoài ra, bà Inada cũng thường viếng đền Yasukuni, nơi thờ cúng các tử sĩ của nước này, trong đó có 14 người là tội phạm chiến tranh thời Thế chiến 2. Chính vì vậy, giới quan sát đánh giá việc bà trở thành bộ trưởng quốc phòng có thể khiến mối quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh và Seoul càng thêm sóng gió. Bà cũng được xem là một trong những ứng viên sáng giá cho chức thủ tướng trong tương lai.
Có quan điểm bảo thủ như bà Inada, Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Takaichi cũng là người thường viếng thăm đền Yasukuni, theo The Japan Times. Từng tốt nghiệp Học viện Quản lý và chính trị Matsushita, nơi đào tạo nhiều chính khách tại Nhật Bản, nữ bộ trưởng 55 tuổi chạy đua vào Hạ viện năm 1993 và không lâu sau thì gia nhập đảng Dân chủ Tự do (LDP). Bà Takaichi từng hứng chỉ trích từ báo giới khi phát biểu rằng chính phủ có thể đóng cửa các đài truyền hình nếu chương trình tin tức của họ bị xem là có thành kiến chính trị. Nhiều người cho rằng tuyên bố của bà vi phạm đến quyền tự do báo chí. Tuy có nhiều nhận định gây tranh cãi song bà Takaichi vẫn được ông Abe tín nhiệm.
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách tổ chức Olympics Marukawa tham gia chính trị từ năm 2007 theo sự khích lệ của ông Abe. Trước đó, nữ chính khách 45 tuổi là phát thanh viên kỳ cựu của Đài truyền hình Asahi. Bà kết hôn với ông Taku Otsuka, một nghị sĩ đảng LDP, vào năm 2008 và sau đó sinh hạ một bé trai. Công việc bận rộn đã chiếm hết quỹ thời gian của hai vợ chồng bà nên mọi việc chăm sóc cậu con trai đều giao cho người giúp việc. Thấu hiểu nỗi khó khăn của những phụ nữ đi làm, nữ bộ trưởng từng tuyên bố mục tiêu của bà là “tạo ra một xã hội nơi phụ nữ có thể cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái”.
Những bóng hồng trên chính trường Nhật Bản - ảnh 2

Bộ trưởng phụ trách tổ chức Olympics Tamayo MarukawaREUTERS

Người tiên phong
Vài ngày trước cuộc cải tổ nội các, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yuriko Koike cũng được bầu làm người đứng đầu thủ đô Tokyo, trở thành nữ đô trưởng đầu tiên của thành phố này.
So với các nữ chính trị gia Nhật Bản khác, tân đô trưởng Tokyo có nhiều điểm rất khác biệt. Sinh ra trong một gia đình giàu có tại thành phố Kobe, bà Koike được tiếp xúc với nền văn hóa nước ngoài ngay từ nhỏ. Ông Yujiro Koike – cha bà là một doanh nhân điều hành công ty dầu mỏ và thường đến các nước Ả Rập. Từ thời thơ ấu, bà đã được gặp nhiều người nước ngoài. Cũng chính ông Yujiro đã tác động đến việc bà chọn đến Ai Cập theo học tiếng Ả Rập.
Tờ Japan Today cho hay bà Koike đã bỏ ngang ngành xã hội học tại Đại học Kwansei Gakuin hồi năm 1971 để theo học tiếng Ả Rập và ngành xã hội học tại một đại học ở thủ đô Cairo (Ai Cập). Nhờ thông thạo tiếng Anh và tiếng Ả Rập nên bà Koike từng làm phiên dịch viên. Thế mạnh ngoại ngữ cũng đã giúp bà bén duyên với nghề báo, theo tờ The New York Times. Bà từng làm cho một số đài truyền hình lớn tại Nhật Bản trước khi gia nhập chính trường vào năm 1992.
Những bóng hồng trên chính trường Nhật Bản - ảnh 3

Bà Yuriko Koike, nữ đô trưởng đầu tiên của TokyoREUTERS

Năm 2007, bà trở thành nữ bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của xứ sở hoa anh đào song chỉ nhậm chức trong một thời gian ngắn. Chính trị gia 64 tuổi phải sớm từ chức để nhận trách nhiệm vụ các quan chức hải quân để lộ thông tin mật. Năm 2008, bà Koike thông báo chạy đua vào chiếc ghế lãnh đạo đảng LDP. Là người hâm mộ cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và “bà đầm thép” Margaret Thatcher, bà Koike từng được kỳ vọng sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Tuy thất bại song việc bà về nhì trong cuộc chạy đua năm đó cho thấy bà Koike khá được lòng dân.

 

Danh Toại