24/01/2025

‘Hố tử thần’ trên đường Trường Sa

Sụt lún bất ngờ xảy ra trên đường Trường Sa, ven kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM), tạo thành một “hố tử thần” nguy hiểm. Nguyên nhân chưa được xác định, nhưng các chuyên gia đều nghiêng về lỗi thiết kế, thi công ẩu.

 

‘Hố tử thần’ trên đường Trường Sa

Sụt lún bất ngờ xảy ra trên đường Trường Sa, ven kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM), tạo thành một “hố tử thần” nguy hiểm. Nguyên nhân chưa được xác định, nhưng các chuyên gia đều nghiêng về lỗi thiết kế, thi công ẩu.




'Hố tử thần' trên đường Trường Sa

Sụt lún lan rộng rất nguy hiểm
 
 
'Hố tử thần' trên đường Trường Sa - ảnh 1
Hiện tượng sụt lún đột ngột này có thể do dưới đường bị rỗng bởi thiết kế, thi công ẩu và phải được đào lên để biết nguyên nhân do lỗi thiết kế hay lỗi thi công
'Hố tử thần' trên đường Trường Sa - ảnh 2
 
TS Phạm Sanh
 

Rạng sáng 4.8, một vụ sụt lún nghiêm trọng xảy ra trên đường Trường Sa (P.14, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), lan rộng tới 49 m2. Địa điểm “hố tử thần” thuộc phạm vi dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM. Có mặt tại khu vực này, chúng tôi chứng kiến vị trí các vết nứt bắt đầu từ bờ kè kênh Nhiêu Lộc kéo dài sang mặt đường dành cho các phương tiện lưu thông.

Đáng lo ngại, các vết nứt và sụt lún đang có dấu hiệu lan rộng, rất nguy hiểm. Một nhóm kỹ sư, công nhân thuộc Công ty thoát nước đô thị TP.HCM đang khảo sát hiện trường, yêu cầu chúng tôi không được lại gần do mặt đường có thể sụp thêm bất cứ lúc nào. Các đơn vị chức năng đã sử dụng khoảng 10 tấm tôn lớn để rào chắn toàn bộ khu vực sụt lún, đồng thời cảnh báo các phương tiện di chuyển chậm để giảm nguy cơ mất an toàn giao thông. Mặt đường có biểu hiện nghiêng về phía bờ kênh Nhiêu Lộc.
Ông Đạt, một hộ dân ở đường Đặng Văn Ngữ, có nhà đối diện vị trí hố sụp, cho biết các vết nứt xuất hiện lúc 3 – 4 giờ sáng. Khi đó, mặt đường chỉ lún nhẹ, trũng xuống nhưng đến khoảng 6 giờ thì bắt đầu lún sâu. Bà Đoàn Thị Hoài Hường, một người dân ở đường Trường Sa, không giấu được lo lắng: “Cách đây 4 – 5 tháng, mặt đường nơi có hố sụp đã được cơ quan chức năng phong toả để tiến hành sửa chữa hư hỏng nhưng chưa được bao lâu thì tiếp tục sụt lún nặng rồi”.
 
 
Ông Hoàng Đức Hậu, chuyên gia của Hội Cầu đường VN, cho rằng: Chủ đầu tư xài tiền của dân, nhưng không đảm bảo được chất lượng, thì phải có trách nhiệm trả lời dân vì sao sụt lún. Nhiều nơi từng xảy ra sụt lún sau khi dự án đưa vào sử dụng, nhưng hầu hết đều bị bỏ qua do không muốn quy trách nhiệm cho ai, cuối cùng nhà nước phải bỏ tiền ra sửa chữa. Việc tìm ra đơn vị chịu trách nhiệm không khó, vì Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM phải biết.
 

Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc khu quản lý giao thông đô thị số 1 (khu 1) – đơn vị quản lý tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa, ngay sau khi phát hiện “hố tử thần”, khu 1 đã mời các đơn vị liên quan xuống hiện trường, ghi nhận và lập biên bản sự việc. Ông Nguyễn Bật Hận, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết cơ quan này đang phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường, đào lên để tìm nguyên nhân. Phần mặt đường đơn vị thi công đã bàn giao cho khu 1 quản lý, phần cống cũng đã bàn giao cho Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP quản lý (vẫn còn thời hạn bảo hành).

Về nguyên nhân, dù còn phải đào lên để xác định, nhưng theo ông Hận, có thể do các mối nối của hệ thống cống không đảm bảo và theo thời gian dẫn đến sụt lún. Các đơn vị liên quan, trong đó có tư vấn CDM, phải rà soát thêm hồ sơ các gói thầu liên quan của dự án như gói thầu số 7, gói thầu số 10… để có kết luận chính xác.
Liên quan nhà thầu Trung Quốc ?
Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, khu vực sụt lún có thể thuộc gói thầu số 10. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, gói thầu số 10 trước đây do nhà thầu China State Construction Engineering Corporation (CSCEC, Trung Quốc) thi công và gây nhiều tai tiếng. Cụ thể, thời điểm tháng 5.2010, gói thầu số 10 tiếp tục bị chậm trễ và Sở GTVT TP.HCM phải tổ chức đấu thầu lại để chọn đơn vị khác thi công. Theo kế hoạch, gói thầu số 10 phải được hoàn thành vào tháng 8.2009, nhưng nhà thầu CSCEC lại gia hạn đến cuối năm 2009. Đến cuối năm 2009, việc gia hạn lại tiếp tục được dời đến tháng 8.2010. Do đó, nhà tài trợ vốn cho dự án là Ngân hàng Thế giới đã yêu cầu chính quyền TP.HCM phải chấm dứt hợp đồng thi công với nhà thầu này.
Trong thời gian thi công gói thầu số 10, CSCEC chỉ làm những việc như nạo vét kênh, sản xuất và đóng cừ bê tông… Sở dĩ nhà thầu chây ì không tiến hành di dời tuyến ống quan trọng, cung cấp nước cho khoảng 1 triệu người dân TP là do giá bỏ thầu quá rẻ, chỉ bằng 25 – 30% các nhà thầu khác. Vì vậy, ban quản lý dự án buộc phải tách hạng mục này ra thành gói thầu khác và giao cho Tổng công ty cấp nước Sài Gòn thực hiện. Gói thầu số 7 cũng do một nhà thầu Trung Quốc thi công.
Về vấn đề này, ông Vương Hải Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (chủ đầu tư), trả lời khu vực bờ kè Nhiêu Lộc ngoài nhà thầu Trung Quốc còn có một số nhà thầu trong nước nên thời điểm này chưa thể xác định thuộc phạm vi thi công của nhà thầu nào. Trước mắt, các đơn vị tập trung xác định nguyên nhân và biện pháp xử lý. Khi có kết quả sẽ công bố sau.
Lỗi thiết kế hoặc thi công ẩu
Theo TS Phạm Sanh – chuyên gia về cầu đường, trước đây do cừ không khít khiến bờ kè Hoàng Sa – Trường Sa từng sụt cát, gây hổng chân và mặt đường có lỗ lớn. Với hiện trường vụ việc ở đường Trường Sa, có thể do nước ngầm kéo đất cát chảy ra kênh, gây hỏng đường, lún sụt. Nếu lún đột ngột, chắc chắn là do nền đất dưới đường bị rỗng và nền đường bị phá cho đến khi nào hết khu vực rỗng thì thôi. Dưới áp lực thuỷ động kéo vật liệu nền dưới mặt đường theo những lỗ hổng trôi ra kênh. Tất cả đều không loại trừ khả năng do thi công nền đường ẩu, dầm nén không kỹ; do che chắn phía bờ kênh không đảm bảo. Theo ông Sanh, để biết rõ nguyên nhân, cơ quan quản lý phải đào chỗ bị sụt lún ra.
Trước ý kiến cho rằng địa chất ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè yếu, ông Sanh cho rằng, nếu do địa chất yếu thì chắc chắn không xảy ra sụt lún cục bộ. “Vì thế, hiện tượng sụt lún đột ngột này có thể do dưới đường bị rỗng bởi thiết kế, thi công ẩu và phải được đào lên để biết nguyên nhân do lỗi thiết kế hay lỗi thi công”, ông Sanh nhấn mạnh.
Ông Sanh phân tích các công trình hạ tầng giao thông ở TP.HCM thường xảy ra hiện tượng sụt lún chủ yếu do chất lượng công trình, do xử lý nền, xử lý nước ngầm không tốt. Việc sụt lún khiến giao thông TP.HCM vốn thường xuyên tắc nghẽn trở nên phức tạp hơn, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhưng quan trọng nhất là sự việc này xói mòn lòng tin trong dân, khiến người dân nghi ngờ vào chất lượng công trình và có cái nhìn xấu cơ quan nhà nước “làm đâu hư đó”. Điều này có thể khiến việc huy động vốn trong dân để triển khai các dự án hạ tầng giao thông sẽ vô cùng khó khăn. “Vì thế, dù là một hiện tượng sụt lún rộng vài chục mét vuông cũng phải truy trách nhiệm, tìm ra nguyên nhân và xử lý đến nơi đến chốn, chứ đừng lấp liếm”, ông Sanh phát biểu.

Đình Mười – N.Trần Tâm