23/01/2025

Công khai thông tin để bảo vệ người mua nhà

Hiện nay người mua nhà muốn kiểm chứng thông tin do chủ đầu tư đưa ra rất khó, làm sao xác minh thông tin, gõ cửa cơ quan nào…?

 

Công khai thông tin để bảo vệ người mua nhà

 

Hiện nay người mua nhà muốn kiểm chứng thông tin do chủ đầu tư đưa ra rất khó, làm sao xác minh thông tin, gõ cửa cơ quan nào…?

 

 

 

 

Công khai thông tin để bảo vệ người mua nhà
Khách hàng tìm hiểu thông tin tại một dự án chung cư ở TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các chuyên gia bất động sản thường khuyên người mua nhà nên tỉnh táo tìm hiểu thông tin để tránh rủi ro. Nhưng trong trường hợp thị trường không có nhiều thông tin minh bạch, dù người mua đã cẩn thận hết sức cũng có thể mua nhầm nhà trong các dự án không đàng hoàng…

Không có vùng cấm trong việc cung cấp thông tin về dự án. Hiện Văn phòng đăng ký đất đai TP cung cấp thông tin bằng văn bản cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu

Ông Phạm Ngọc Liên 
(giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP)

Đó là chia sẻ của nhiều cư dân chung cư trong buổi tọa đàm “Minh bạch thông tin dự án nhà ở” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 4-8, với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland.

Thông tin mù mờ, người mua chịu thiệt

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, trưởng ban quản trị chung cư Rubyland (Q.Tân Phú, TP.HCM), kể ông mua nhà từ năm 2006. Khi mua, ông đã tìm hiểu từ nhiều nguồn, thậm chí còn đến Phòng tài nguyên – môi trường Q.Tân Phú hỏi. Khi biết dự án “sạch” rồi ông mới quyết định mua nhà.

Thế nhưng khi về ở rồi ông mới biết giấy đỏ của dự án đang bị thế chấp ngân hàng, dự án xây dựng sai phạm. Và đến giờ người dân ở chung cư này không thể gặp được chủ đầu tư để hỏi về tiến độ trả nợ cho ngân hàng hay làm giấy chủ quyền căn hộ cho dân.

Tương tự, ông Phạm Hoàng Hải, người dân ở chung cư Tân Hương (Q.Tân Phú), chia sẻ ông mua căn hộ ở đây từ cuối năm 2013. Giờ mới hay dự án bị thế chấp!

“Lúc tôi đi mua căn hộ, tìm hiểu thông tin từ môi giới, từ trang tin điện tử của chủ đầu tư nhưng các nguồn này đều không có thông tin dự án thế chấp ngân hàng. Đến khi bán nhà xong, chủ đầu tư đem thế chấp thì chúng tôi không 
thể biết” – ông Hải kể.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), cho rằng những dự án lôm côm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thời gian qua là những dự án bán nhà trước khi Luật nhà ở 2014 có hiệu lực.

Luật nhà ở 2014 đã có những quy định bịt kín các lỗ hổng này như: quy định về minh bạch thông tin, sở xây dựng địa phương xác định dự án đủ điều kiện bán nhà, quy định về việc ngân 
hàng bảo lãnh cho dự án…

Luật sư Trần Thái Bình, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết pháp luật hiện nay đã quy định chặt chẽ để bảo vệ người mua nhà. Nhưng thực tế vẫn còn chưa suôn sẻ lắm. Ví dụ như người mua nhà muốn kiểm chứng thông tin do chủ đầu tư đưa ra rất khó, làm sao xác minh thông tin, gõ cửa cơ quan nào…

Nhiều người mua nhà biết quy định nhưng không phải lúc nào họ cũng nhận được thông tin rõ ràng. Hiện nay, người mua nhà trong các dự án cần đòi hỏi những văn bản như xác nhận của sở xây dựng địa phương về việc dự án đủ điều kiện kinh doanh, chứng thư bảo lãnh của ngân hàng cho dự án và người dân nên kiểm tra thông tin từ văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, thành về 
việc đăng ký thế chấp.

Cần xây dựng hệ thống thông tin có thu phí

Luật sư Bình cho biết ở nhiều nước trên thế giới có những trung tâm cung cấp thông tin ban đầu của các bất động sản có thu phí người sử dụng như chủ sở hữu là ai, tình trạng pháp lý như thế nào, có bị thế chấp hay không…

Hệ thống các trung tâm này hoạt động rất hiệu quả với thông tin đáng tin cậy, rõ ràng. Ở Việt Nam dù luật đã quy định về việc xây dựng hệ thống thông tin như trên, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có.

Ở góc độ chủ đầu tư, ông Lê Hùng Mạnh, tổng giám đốc Công ty BĐS Gia Hòa, ủng hộ việc công bố thông tin vừa qua và đặt vấn đề: tới đây Sở TN – MT TP có công bố tất cả các dự án đang thế chấp hay không, bao lâu nữa sẽ công bố lần hai và có “chấm điểm”, phân loại các dự án thế chấp với mục đích gì hay không?

Ông Phạm Ngọc Liên, giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP (Sở TN – MT TP), cho rằng không có vùng cấm trong việc cung cấp thông tin.

Tuy nhiên theo ông Liên, hiện nay thông tin thế chấp có ở Văn phòng đăng ký đất đai TP chưa đầy đủ, rõ ràng và thông tin về dự án nằm rải rác ở nhiều sở, ngành của TP. Ông Liên đề xuất: “Cần có một đầu mối cung cấp thông tin. Và việc công bố có thể thu phí để bù vào chi phí nhân sự”.

Trả lời góp ý của luật sư Bình, ông Phan Trường Sơn, trưởng Phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP, chia sẻ phải công khai thông tin để thị trường bất động sản phát triển tốt hơn và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng.

Nhiều năm trước, Bộ Xây dựng đã khởi động xây dựng hệ thống dữ liệu để tiến tới thành lập hệ thống thông tin thị trường bất động sản như những thị trường tiên tiến, hoàn thiện khác trên thế giới. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp khó khăn vì cơ sở dữ liệu quá nhiều.

Sẽ công bố thông tin về các dự án đã giải chấp

Theo ông Lê Hoàng Châu, trong 77 dự án mà Sở Tài nguyên – môi trường TP đã công bố, chỉ có 67 dự án do chủ đầu tư thế chấp ngân hàng. Còn lại có 9 dự án do những tổ chức, cá nhân mua căn hộ hoặc một phần diện tích của dự án rồi đem thế chấp ngân hàng.

Cụ thể đó là các dự án khu Masteri, chung cư cao cấp Homyland 2, dự án The Vista (quận 2), dự án Phú Mỹ Hưng, cao ốc Docklands Sài Gòn (quận 7), chung cư Saigonland, Central Park, dự án Saigon Pearl giai đoạn 3, SSG Tower Văn Thánh (Bình Thạnh). Và dự án chung cư Him Lam Riverside lô A3 (Q.7) đã được chủ đầu tư giải 
chấp vào ngày 16-7.

Ông Phạm Ngọc Liên cho biết đến cuối tuần này, Văn phòng đăng ký đất đai TP sẽ công bố lại những thông tin về các dự án đã giải chấp trong danh sách đã công bố.

D.N.HÀ – Đ.DÂN – T.LONG