Chọn ăn “tự nhiên”, bớt lê la hàng quán
Thay vì ăn thực phẩm ăn liền, các bác sĩ khuyến cáo nên chế biến thực phẩm một cách tự nhiên nhất. Đồng thời nhiều người cũng từ bỏ thói quen thích lê la hàng quán, muốn ăn cơm nhà nhiều hơn và thận trọng hơn khi chọn nguồn rau củ quả.
Chọn ăn “tự nhiên”, bớt lê la hàng quán
Thay vì ăn thực phẩm ăn liền, các bác sĩ khuyến cáo nên chế biến thực phẩm một cách tự nhiên nhất. Đồng thời nhiều người cũng từ bỏ thói quen thích lê la hàng quán, muốn ăn cơm nhà nhiều hơn và thận trọng hơn khi chọn nguồn rau củ quả.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại một siêu thị ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC DƯƠNG |
“Nên chọn loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chọn phong phú chủng loại thức ăn, ưu tiên mùa nào thức nấy. Nên sử dụng thực phẩm tươi hơn là thực phẩm chế biến sẵn hoặc dự trữ trong tủ lạnh |
TS.BS Lâm Vĩnh Niên |
Và nhiều người đã ăn rau xanh hoàn toàn từ nguồn “nhà
trồng được”.
Ăn rau nhà trồng
Nhiều năm nay, gia đình chị M.H. (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) không còn mua thực phẩm ở chợ bởi từ rau củ, thịt, cá đến trái cây nhà chị đều có thể tự cung cấp và mua ở những nguồn chị tin cậy.
Khoảng chục năm trước, nhà chị mua một mảnh vườn nhỏ ở Củ Chi, mướn người trồng và chăm sóc rau, nuôi heo, gà, vịt. Nhiều loại cây ăn trái như mít, cóc, đu đủ, chuối… cũng được trồng. Đều đặn vài ba lần mỗi tuần, người làm sẽ mang thực phẩm về rồi cho vào tủ lạnh. Thịt heo cũng được mổ, đóng thành từng túi rồi cho vào tủ đông lạnh.
Còn các loại cá biển, tôm, mực… thường được mua tận Phú Quốc, Phan Thiết, Vũng Tàu, mỗi lần mua hàng chục ký cho vào tủ lạnh ăn dần.
“Chỉ một số loại rau không trồng được như hành lá, cà chua thì mua ở siêu thị. Thức ăn chế biến sẵn như giò chả hay đậu hũ thì mua ở chỗ quen nhưng cũng hạn chế ăn. Gần như nhà tôi không ăn ở hàng quán bên ngoài” – chị H. kể.
Trong khi đó, bà Ngọc Mai (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng than phiền bây giờ không biết ăn gì, chỗ nào cũng thấy rau có thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, vài hôm lại nghe thông tin bắt xe thịt thối, thịt bẩn!
Nên ăn thực phẩm tươi
Theo TS.BS Lâm Vĩnh Niên – trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, có 2 loại vi khuẩn khác nhau là vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn gây hỏng.
Vi khuẩn gây bệnh gây ngộ độc thực phẩm. Các loại vi khuẩn này nhìn chung không ảnh hưởng mùi vị, vẻ ngoài của thức ăn, chúng ta không thể biết vi khuẩn này có hiện diện hay không.
Còn vi khuẩn gây hỏng có thể có ở nhiệt độ thấp, gây biến chất, thay đổi mùi vị thức ăn. Hầu như mọi người sẽ không sử dụng thức ăn bị hỏng này.
Về thời gian lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh, bác sĩ Niên khuyến cáo thịt băm chưa nấu chỉ nên để 1-2 ngày; thịt miếng, cá chưa nấu để 3-5 ngày; thịt, cá đã nấu để 3-4 ngày, còn rau củ quả thì tuỳ loại, thông thường 3-5 ngày.
Bác sĩ Niên lưu ý cần ăn đủ các loại củ quả và rau xanh vì rau xanh thường chứa nhiều vitamin, chất khoáng và chất xơ hơn các loại củ quả. Rau xanh là nguồn cung cấp vitamin chính cho cơ thể chúng ta, giúp các hoạt động chuyển hoá xảy ra bình thường. Chế độ ăn thiếu rau xanh sẽ dẫn đến nhiều hệ quả không tốt: thiếu vitamin, gây kém hấp thu, táo bón…
Với những thực phẩm được chế biến để bảo quản như rau sấy khô, theo bác sĩ Niên, tuy vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về sự thay đổi các thành phần dinh dưỡng khi so với thực phẩm tươi, nhưng quá trình chế biến có thể làm giảm hoặc mất các thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin nhóm B, C, hợp chất polyphenolic.
So với các thực phẩm tươi, thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, thịt nguội, mứt, hoa quả sấy, nước ép đóng chai… có thể chứa thêm thành phần muối, đường và béo để tạo mùi vị hấp dẫn, kéo dài hạn sử dụng. Điều này khiến người ta dễ ăn các thức ăn này nhiều hơn lượng khuyến cáo.
Nhóm thực phẩm này cũng có khuynh hướng giàu năng lượng do được thêm đường, béo. Ăn nhiều thịt đỏ, chế biến sẵn có liên hệ với việc tăng nguy cơ ung thư đại tràng, bệnh tim.
Bác sĩ Trần Hà Hiếu, phó trưởng khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), lưu ý thêm khi đun nấu thức ăn cần lưu ý và kiểm soát nhiệt độ.
Nhiều loại thực phẩm nấu kỹ quá hoặc đun ở nhiệt độ cao có nguy cơ tổn thương chất dinh dưỡng, nhiều loại vitamin bị biến tính, nhất là các vitamin nhóm B như B1, B6, B12…
Rau, củ quả cung cấp lượng vitamin lớn, đối với hệ tiêu hóa cần có chất xơ. Nếu ăn ít chất xơ, không kích thích quá trình đi vệ sinh (theo sinh lý mỗi ngày đi 1-2 lần) dẫn đến việc bỏ thói quen đi vệ sinh hằng ngày, lâu dần sẽ táo bón.
Bác sĩ Hiếu cũng khuyên mỗi người nên ăn vừa đủ, ăn đúng thời gian theo nhịp sinh học, thói quen hằng ngày. Đồng thời phải hoạt động thể lực theo chế độ cơ thể, theo lứa tuổi để tiêu thụ và hấp thu năng lượng, đốt cháy mỡ thừa, mỡ độc và phải tạo thói quen đi vệ sinh hằng ngày tại thời điểm nhất định.