Thuế thu nhập với DN nhỏ và vừa: giảm vài trăm tỉ nhằm nhò gì!
Trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) dự kiến thuế thu nhập DN sẽ còn 17% trong giai đoạn từ 2017-2020, giảm 3% so với hiện nay.
Thuế thu nhập với DN nhỏ và vừa: giảm vài trăm tỉ nhằm nhò gì!
Trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) dự kiến thuế thu nhập DN sẽ còn 17% trong giai đoạn từ 2017-2020, giảm 3% so với hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng cần giảm thuế thu nhập DN mạnh hơn để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa làm ăn. Trong ảnh: sản xuất hàng nhựa tại Công ty Vĩnh Lộc Phát, huyện Bình Chánh, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Dự thảo đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Theo phương án được Bộ Tài chính ủng hộ, các DN có doanh thu dưới 20 tỉ đồng mới được hưởng mức thuế thu nhập DN 17%/năm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia và DN cho rằng mức giảm này thực ra chẳng có tác dụng hỗ trợ, cần phải giảm sâu hơn.
* TS PHẠM NGỌC LONG (nguyên viện trưởng Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa):
Thuế thu nhập DN chỉ nên 10%
Ông Phạm Ngọc Long – Ảnh: L.Thanh |
Theo tôi, việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa nên hướng đến mục tiêu khuyến khích người dân khởi nghiệp, đưa vốn vào kinh doanh, những DN có đầu ra tốt nhưng tạm thời khó khăn.
Bởi đưa ra quy định chỉ hỗ trợ DN có doanh thu dưới 20 tỉ đồng/năm rất có thể sẽ dẫn tới những gian lận như giấu doanh thu, DN không chịu lớn, không muốn tăng quy mô… Chính sách nào cũng nên có tiêu chí rõ ràng, thời gian cụ thể và phải đạt được một số mục tiêu mới hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo tôi, không chỉ các DN nhỏ và vừa mà các DN khởi nghiệp, DN trong lĩnh vực khoa học (đặc biệt các nhà khoa học, những người trẻ đem được tiến bộ khoa học công nghệ về, đi vào những ngành công nghệ cao…) cũng cần được áp mức thuế thấp hơn, chứ 17% vẫn cao quá.
Có thể chia ra nhiều mức thuế khác nhau, áp dụng cho các đối tượng khác nhau.
Chẳng hạn, với các DN khởi nghiệp theo hướng sáng tạo, có hàm lượng chất xám cao… chỉ nên áp mức thuế thu nhập DN khoảng 10%. Bởi các DN FDI thuộc diện ưu tiên đặc biệt cũng đã được miễn thuế thu nhập DN trong bốn năm, giảm 50% trong chín năm tiếp theo…
Tóm lại, những DN nội trong những lĩnh vực cần khuyến khích chỉ nên được áp thuế thu nhập DN khoảng 10% là phù hợp. Cơ chế chính sách cũng cần công khai minh bạch để ai đúng đối tượng là được hưởng.
* Ông BÙI VĂN DŨNG (nguyên trưởng Ban nghiên cứu phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):
Không nên lo ngân sách giảm thu
Ông Bùi Văn Dũng – Ảnh: N.Khánh |
Theo tôi, trước khi quyết định DN có mức doanh thu nào sẽ được hỗ trợ và hỗ trợ mức bao nhiêu… cần có nghiên cứu cụ thể số DN có quy mô doanh thu dưới 20 tỉ hay dưới 100 tỉ đồng hiện nay đang gặp vấn đề gì, việc hỗ trợ có thực ý nghĩa với những DN này như thế nào…
Cũng đừng lo lắng rằng giảm thuế thì Nhà nước sẽ giảm thu, rồi giới hạn đối tượng được giảm. Bởi giảm thuế cho DN chỉ khiến giảm thuế vòng một. Nếu chúng ta có quy định chặt chẽ, giúp tiền giảm thuế đi vào sản xuất kinh doanh chứ không phải đem chia cổ tức, số tiền giảm thuế đó còn kích thích sản xuất, từ đó tăng thu thuế vòng hai. DN có thêm nguồn lực sẽ tính đầu tư mới, mua sắm, mở rộng sản xuất và sẽ đóng thuế VAT cùng nhiều sắc thuế khác, Nhà nước cũng sẽ tăng thu.
* Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC (giám đốc Công ty luật Basico):
Cần chính sách công bằng
Ông Trương Thanh Đức – Ảnh: C.V.K |
Theo dự thảo, chỉ những DN có doanh thu dưới 20 tỉ đồng/năm mới được hỗ trợ với mức thuế thu nhập DN sẽ xuống còn 17%, tức chỉ giảm 3% so với hiện tại. Nghe có vẻ to tát nhưng tính ra mỗi DN được hưởng chả đáng bao nhiêu.
Với số lượng DN có doanh thu dưới 20 tỉ đồng hiện chiếm hơn 86% số DN cả nước, với hàng trăm ngàn DN nhưng số tiền giảm thu chỉ vào khoảng 470 tỉ đồng là không đáng kể. Cá nhân tôi cũng là chủ DN nhỏ, tôi không cần khoản hỗ trợ kiểu đó.
Thay vào đó, Nhà nước nên tập trung làm chính sách cho tốt, tạo sự bình đẳng cho DN hoặc hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin cho tốt.
Thực tế cho thấy các DN có vốn đầu tư nước ngoài vừa có tiềm lực (vốn, công nghệ, kinh nghiệm và thị trường…) vượt trội, lại còn được hưởng nhiều ưu đãi về thuế như miễn thuế thu nhập DN trong bốn năm, giảm 50% trong chín năm tiếp theo… DN Việt không thể cạnh tranh lại là điều đương nhiên.
Do đó, nếu muốn hỗ trợ DN, tốt nhất là xây dựng mức thuế chung ở khoảng 15%, không phân biệt DN nội hay FDI, tạo sự công bằng trong cạnh tranh.
* Ông NGUYỄN NGỌC HẢI (giám đốc Công ty CP đầu tư và thương mại Phúc Yên, Hà Nội):
Chính sách thuế phải minh bạch
Giảm thuế là tốt nhưng chưa đủ. Theo tôi, ngoài việc giảm thuế thu nhập DN, Bộ Tài chính cần phải xây dựng chính sách thuế minh bạch để không làm khó cho DN.
Chính sách hoàn thuế chẳng hạn, không nên ấn định con số tuyệt đối tiền hoàn thuế cho năm sau là bao nhiêu, do con số này tăng hay giảm phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu, đầu tư.
Trong thực tế, nếu tình hình đầu tư và xuất khẩu tăng cao hơn mục tiêu đặt ra, số tiền hoàn thuế sẽ lớn hơn dự toán.
Nhưng do quỹ hoàn thuế hiện nay đã được ấn định trước rồi, nếu muốn tăng chi tiền hoàn thuế cơ quan chức năng lại phải trình và chờ đợi, dẫn đến hiện tượng tiền thuế giá trị gia tăng của DN bị Nhà nước “ngâm”, hoạt động của DN bị ảnh hưởng.
* Ông PHẠM ĐÌNH THI (vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính):
Ngân sách giảm thu… 473 tỉ đồng/năm
Ông Phạm Đình Thi – Ảnh: L.THANH |
Thực tế cho thấy DN càng có quy mô nhỏ càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh.
Do vậy, nguyên tắc hỗ trợ giảm thuế thu nhập DN là phải đúng và trúng đối tượng, đồng thời không tác động nhiều đến số thu ngân sách trong bối cảnh kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn.
Theo dự kiến, hai tiêu chí để được xác định nằm trong đối tượng hưởng hỗ trợ gồm doanh thu và sử dụng lao động. Về tiêu chí doanh thu, theo Luật thuế thu nhập DN năm 2013, DN có quy mô nhỏ và vừa là DN có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỉ đồng.
Còn tại dự án Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa mà Bộ KH-ĐT đang xây dựng đề xuất DN nhỏ và vừa là DN có doanh thu năm trước liền kề không quá 100 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, lấy tiêu chí theo đề xuất của dự án Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa để xác định đối tượng được áp dụng mức giảm thuế thu nhập DN là chưa thực sự phù hợp. Bởi nếu lấy theo doanh thu năm trước liền kề tối đa là 20 tỉ đồng, sẽ có khoảng 86,2% DN thuộc đối tượng này.
Và khi được áp mức thuế thu nhập DN 17%/năm trong bốn năm tới, mỗi năm ngân sách giảm thu khoảng 473 tỉ đồng.
Còn nếu lấy tiêu chí doanh thu năm trước liền kề là 100 tỉ đồng, sẽ có khoảng 95,2% DN thuộc diện được giảm thuế. Ước tính ngân sách giảm thu tới 1.500 tỉ đồng/năm.
Về tiêu chí sử dụng lao động, Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng quy định DN có số lao động bình quân của năm trước liền kề không vượt quá 300 người.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng nếu lấy tiêu chí này để làm căn cứ giảm thuế sẽ phát sinh nhiều bất cập, bởi DN có thể lách bằng cách không ký hợp đồng lao động dài hạn hoặc sẽ ký ngắn hạn dưới ba tháng, hợp đồng thời vụ để số lao động thường xuyên dưới 300 người.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, đối với các ngành kinh doanh thương mại, dịch vụ, những ngành sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, DN thường sử dụng ít lao động trong khi doanh thu cao, thậm chí rất cao.
Nếu xếp DN ngành này thuộc đối tượng được giảm thuế sẽ không phản ánh đúng bản chất, đồng thời ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách.
Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội xác định tiêu chí DN nhỏ và vừa theo như quy định của Luật thuế thu nhập DN năm 2013, tức là DN có doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỉ đồng.
Sau khi lấy ý kiến góp ý từ các cơ quan, cộng đồng DN và người dân… những nội dung trên sẽ được trình Chính phủ và trình lên Quốc hội. Còn quyết định cuối cùng là thuộc thẩm quyền của Quốc hội.