24/12/2024

Nhật giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải

Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên biển bằng 3 yếu tố cụ thể: hạ tầng, nhân lực và hoàn thiện cơ sở pháp lý.

 

Nhật giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải 

 

Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên biển bằng 3 yếu tố cụ thể: hạ tầng, nhân lực và hoàn thiện cơ sở pháp lý. 

 

 

 

 

Nhật giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải 
Ông Motonari Adachi – trưởng phòng các vấn đề quốc tế, CSB Nhật Bản (trái) – trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ – Ảnh: Tsuyoshi Nguyen

Đó là chia sẻ của trưởng phòng các vấn đề quốc tế, Cảnh sát biển (CSB) Nhật Bản Motonari Adachi.

Hỗ trợ hết mình

Làm việc với Tuổi Trẻ tại trụ sở của CSB Nhật Bản ở Tokyo ngày 2-8, ông Motonari Adachi cho rằng mối quan hệ giữa CSB Việt Nam và CSB Nhật Bản là mối quan hệ tốt đẹp và sâu sắc nhất tại ASEAN.

Hai nước cùng có đường bờ biển dài, nhiều đảo và cùng đang giải quyết các vấn đề phức tạp trên biển.

Tuy nhiên theo ông Motonari Adachi, Nhật Bản có lợi thế hơn so với Việt Nam vì có lực lượng chấp pháp rất mạnh. Nhật Bản hiện có 452 tàu, trong đó 128 tàu tuần tra, với 13.522 nhân viên và ngân sách mỗi năm lên đến hơn 187 triệu yen.

Đó là chưa kể 74 máy bay bao gồm nhiều máy bay trực thăng rất hiện đại. Cũng giống như Việt Nam, nhiệm vụ chính của CSB Nhật Bản là phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, cướp biển, khủng bố, đánh cá trộm trong vùng đặc quyền 
kinh tế của mình.

“Chúng tôi ngày nào cũng dồn rất nhiều tàu vào vùng Senkaku/Điếu Ngư vì ngày nào Trung Quốc cũng cử tàu đến nên phải quản lý chặt. Đây là vùng biển chúng tôi tuần tra và giám sát đặc biệt nên càng tập trung lực lượng” – ông Motonari Adachi nói.

“CSB Nhật Bản luôn dành cho Việt Nam sự chú ý đặc biệt. Và Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở ASEAN mà CSB Nhật Bản chọn làm đối tác

Ông 
Motonari Adachi

Ông Motonari Adachi khẳng định rằng sự hiện diện của các lực lượng chấp pháp trên biển rất quan trọng. Đặc biệt là lực lượng phải tương đồng với lực lượng của Trung Quốc cử đến thì mới thực thi được thế mạnh của mình.

“Tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi không phải là quân đội nên không phải đối lập, đương đầu. Nhưng rất cần thiết phải đối diện một cách đĩnh đạc, bình tĩnh và đường hoàng trong các tình huống đối diện với tàu Trung Quốc trên cơ sở luật pháp của Nhật Bản và luật pháp quốc tế” – ông Motonari Adachi khẳng định.

Về những hỗ trợ của CSB Nhật Bản đối với Việt Nam, ông Motonari Adachi cho hay: “Vấn đề quan trọng là cần giúp CSB Việt Nam phát triển nguồn nhân lực.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng, có thể thông qua viện trợ ODA. Và thứ ba là chúng tôi sẽ giúp các bạn xây dựng một khung pháp lý để áp dụng nó trên biển trong luật của mình”.

Mỹ – Nhật và hòa bình Biển Đông

Về vai trò của liên minh Mỹ – Nhật đối với an ninh trên Biển Đông, giáo sư Tetsuo Kotani, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nhật Bản, cho biết Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng với Nhật Bản không những về 
kinh tế mà cả an ninh quốc phòng.

Từ năm 2015 chính sách an ninh, quốc phòng của Nhật Bản và chính sách an ninh Nhật – Mỹ đã có một số thay đổi. Theo đó, nếu xung đột xảy ra trên Biển Đông thì Nhật Bản có thể hoàn toàn cung cấp hậu cần cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Philippines.

Theo giáo sư Tetsuo Kotani, liên minh Mỹ – Nhật có vai trò rất quan trọng cho hòa bình khu vực, đặc biệt là Biển Đông.

“Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông và tây Thái Bình Dương uy hiếp nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an toàn của các quốc gia, trong đó có Nhật Bản. Và sự tồn tại liên minh Mỹ – Nhật đã đem lại sự hiện diện của hải quân Mỹ trên Biển Đông một cách chính thống.

Đó là ý nghĩa rất lớn của liên minh này. Cụ thể, mỗi ngày các tàu hải quân Mỹ tuần tra trên Biển Đông đều xuất phát từ các căn cứ ở Nhật Bản” – ông Tetsuo Kotani nói.

Sách trắng quốc phòng Nhật Bản:

Đề cập nhiều về tranh chấp lãnh hải

Sách trắng quốc phòng Nhật Bản công bố ngày 2-8 cáo buộc Trung Quốc hung hăng trong các vấn đề hàng hải và có các hành động mang tính cưỡng ép, thay đổi hiện trạng thành “sự đã rồi”.

“Trung Quốc sẵn sàng thoả mãn các yêu sách đơn phương của họ mà không thông qua thoả hiệp, bao gồm những toan tính vững chắc để biến các hành động cưỡng ép này thành sự đã rồi” – sách trắng cảnh báo.

Tài liệu này nhấn mạnh những hành động bất tuân luật pháp quốc tế của Trung Quốc có thể dẫn tới “những hậu quả không mong muốn”.

Về vấn đề Biển Đông, sách trắng nhấn mạnh Bắc Kinh “một mặt luôn ca bài ca phát triển hoà bình, nhưng mặt khác lại bất tuân luật pháp và thông lệ quốc tế” và dẫn chứng ra hàng loạt hình ảnh vệ tinh các đảo nhân tạo bị Trung Quốc cải tạo bất hợp pháp.

Sách trắng quốc phòng là tài liệu được Nhật Bản công bố thường niên vào mỗi mùa hè, gồm ba phần riêng biệt về tình hình an ninh thế giới, các chính sách quốc phòng của Nhật Bản và quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật, các biện pháp bảo vệ an ninh quốc phòng.

Tài liệu năm nay đã dành khá nhiều “đất” để bàn về các tranh chấp lãnh hải và những vấn đề nóng tại Đông Bắc Á, bao gồm cả chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, quá trình hiện đại hoá của hải quân Trung Quốc.

Duy Linh

TẤN VŨ (TỪ TOKYO, NHẬT BẢN)