Nhà xuất bản kinh doanh thua lỗ, nợ nần triền miên
Đó là câu chuyện đang diễn ra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản (NXB) Thể Dục Thể Thao, Bộ VH-TT&DL. Nguyên nhân dẫn đến việc ban lãnh đạo NXB xin giải thể là do mâu thuẫn nội bộ kéo dài, kinh doanh thua lỗ.
Nhà xuất bản kinh doanh thua lỗ, nợ nần triền miên
Đó là câu chuyện đang diễn ra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản (NXB) Thể Dục Thể Thao, Bộ VH-TT&DL. Nguyên nhân dẫn đến việc ban lãnh đạo NXB xin giải thể là do mâu thuẫn nội bộ kéo dài, kinh doanh thua lỗ.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, NXB Thể Dục Thể Thao chỉ làm được 14 cuốn sách. Trong ảnh: Lối vào NXB Thể Dục Thể Thao – Ảnh: NAM KHÁNH |
Trước đó tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, ông Nguyễn Ngọc Thiện – bộ trưởng Bộ VH-TT&DL – cho biết với những đơn vị mâu thuẫn triền miên, bộ sẽ tính phương án thay người, thuyên chuyển cán bộ.
Cho nhân viên nghỉ việc vì… không có tiền trả lương
Được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang Công ty TNHH một thành viên NXB Thể Dục Thể Thao từ năm 2010, vốn điều lệ 2,8 tỉ đồng, doanh thu NXB mỗi năm chỉ khoảng 2 tỉ đồng, trả lương nhân viên 1,3 tỉ đồng.
Suốt hai năm qua, có đến 5/17 nhân viên của NXB vác đơn khiếu kiện khắp nơi về những sai phạm trong việc bổ nhiệm, quản lý điều hành tại NXB này.
Cả giám đốc NXB là ông Nguyễn Ngọc Kim Anh và phó giám đốc Vũ Thanh Việt đều bị các nhân viên đưa đơn khiếu kiện.
Theo đơn kiện, nhân viên NXB cho rằng do năng lực yếu kém, giám đốc Kim Anh đưa NXB từ chỗ làm ăn ổn định đến bờ vực phá sản, nợ nần chồng chất lên tới 2 tỉ đồng.
Các cá nhân tố cáo cho biết NXB hiện đang nợ 30% lương của 10 tháng năm 2015. Từ tháng 3-2016 đến nay các cán bộ nhân viên của NXB không nhận được đồng lương nào.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc NXB Nguyễn Ngọc Kim Anh nói “suốt ba năm qua doanh nghiệp này không có tiếng cười”, thậm chí lãnh đạo, nhân viên không chào hỏi nhau. Vì mâu thuẫn nội bộ, kiện cáo triền miên nên không ai dám đến đây in sách.
Thông thường mỗi năm NXB in 80-100 cuốn thì 6 tháng đầu năm 2016 chỉ làm được 14 cuốn. Tình trạng này khiến NXB đứng trước bờ vực phá sản vì không có việc làm, nợ lương, nợ tiền in ấn, tiền nhà. Do không có sách để xuất bản, không có việc làm nên hầu hết nhân viên không đến cơ quan làm việc.
Để cứu NXB trước nguy cơ phá sản vì mâu thuẫn nội bộ, nợ nần, năm 2016 NXB thực hiện phương án tổ chức lại lao động bằng cách cho 6/17 nhân viên nghỉ việc. Và 5/6 người bị nghỉ việc là những người đứng đơn khiếu kiện ban lãnh đạo NXB.
Nhân viên đòi giảm biên chế giám đốc, phó giám đốc
Việc ban lãnh đạo NXB cho những người khiếu kiện nghỉ việc khiến nhiều người cho rằng đây thực chất là cuộc “thanh trừng” những người dám tố cáo sai phạm của ban lãnh đạo.
Bà Trần Thu Hà – phó chủ tịch công đoàn NXB – cho biết: “Từ khi ông Kim Anh và bà Thanh Việt về điều hành NXB đến nay, NXB không có công ăn việc làm, nợ lương nhân viên, nợ tiền đối tác…
Họ có rất nhiều sai phạm và góp phần đưa NXB đến bờ vực như ngày nay thì lẽ ra họ là những người phải bị nghỉ việc đầu tiên chứ không phải là nhân viên”.
Trong khi đó, ông Kim Anh nói: “Chỉ sáu tháng sau khi về làm giám đốc NXB năm 2012, tôi gửi đơn lên bộ trưởng Bộ VH-TT&DL xin chuyển khỏi NXB nhưng đến giờ vẫn chưa đi được vì chưa có người thay.
Suốt mấy năm qua chúng tôi không làm được việc gì vì suốt ngày chỉ lo đi giải trình, báo cáo các cơ quan chức năng liên quan đến đơn kiện của cán bộ nhân viên. Trong bối cảnh NXB quá khó khăn về kinh tế, nếu không muốn tất cả cùng “chết” thì phải giảm người. Nếu thấy không thoả đáng, người lao động có quyền kiện NXB ra tòa để giải quyết”.
Tháng 2-2016, ông Nguyễn Văn Tấn – vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ VH-TT&DL – có cuộc làm việc để giải quyết mâu thuẫn tại NXB nhưng không xử lý được.
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện thanh tra Bộ VH-TT&DL cho rằng vụ việc chưa đủ điều kiện để thanh tra bộ vào cuộc. Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ VH-TT&DL ngày 16-6-2016 để tìm phương án cứu NXB, ông Kim Anh đề nghị Bộ VH-TT&DL bổ sung vốn điều lệ cho NXB, đề nghị Chính phủ miễn giảm tiền thuê nhà đất hoặc sáp nhập NXB vào thành một bộ phận của NXB Văn Hoá Dân Tộc…
Nếu các phương án này không thể thực hiện, NXB đề nghị bộ sớm cho giải thể để đảm bảo quyền lợi người lao động, bảo toàn vốn nhà nước.
Không đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm? Theo các đơn khiếu nại thì giám đốc NXB Kim Anh và phó giám đốc NXB Vũ Thanh Việt đều không đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm vào các vị trí này. Nhất là với chức danh giám đốc, trước khi về NXB năm 2012, ông Kim Anh là phó giám đốc Trung tâm thể thao Ba Đình, không có bất cứ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực xuất bản. Theo các quy định hiện hành, giám đốc NXB phải có ít nhất ba năm làm công tác biên tập, quản lý xuất bản hoặc báo chí. Liên quan đến nội dung này, ông Kim Anh cho biết cả ông và phó giám đốc Thanh Việt đều không phải tự ý xin về NXB mà do NXB nhiều lần làm đơn xin họ về đây. Theo ông Kim Anh, cả hai đúng là chưa đủ tiêu chí để ngồi vị trí này như khiếu nại nhưng cả Bộ VH-TT&DL, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo trung ương thời điểm đó chấp thuận vì NXB thiếu người. |
Sáp nhập 3 NXB và giải thể 2 NXB Theo thông tin từ ông Chu Văn Hoà – cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, sau thời gian chấn chỉnh hoạt động các NXB trong cả nước, đến nay từ phía Bộ VH-TT&DL có ba NXB: NXB Văn Hoá Thông Tin, NXB Âm Nhạc, NXB Văn Hóa Dân Tộc sáp nhập thành một, lấy tên là NXB Văn Hoá Dân Tộc. Bên cạnh đó có hai NXB được cơ quan chủ quản chủ động xin giải thể là NXB Hồng Bàng (thành lập từ năm 2011) và NXB Thời Đại (thành lập từ năm 2009). Như vậy đến nay cả nước có 60 NXB đang hoạt động, trong đó NXB Thể Dục Thể Thao đang có một số vấn đề nội bộ cần giải quyết. (L.ĐIỀN ghi) |