24/01/2025

Không để tình trạng ‘có vấn đề thì bộ trưởng nói không biết’

Đó là yêu cầu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với các bộ trưởng, trưởng ngành trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2016 diễn ra hai ngày 1 – 2.8.

 

Không để tình trạng ‘có vấn đề thì bộ trưởng nói không biết’

 

 

Đó là yêu cầu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với các bộ trưởng, trưởng ngành trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2016 diễn ra hai ngày 1 – 2.8.





Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2.8ẢNH: NGỌC THẮNG


Thông báo tóm tắt về nội dung phiên họp Chính phủ tại cuộc họp báo chiều qua (2.8), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan với việc chỉ rõ các bộ trưởng, trưởng ngành là người chịu trách nhiệm toàn diện, cao nhất, cuối cùng về tất cả các lĩnh vực phụ trách. “Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành phải dành thời gian thích đáng, tập trung cho công việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật. Đồng thời phải tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm. Bộ trưởng phải sâu sát, thường xuyên nắm thông tin, chủ động thông tin, nhất là qua báo chí. Có thông tin là chủ động xử lý, không được để tình trạng bộ trưởng không biết và không xử lý những vấn đề mới phát sinh, bức xúc mà báo chí nêu”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Nhấn mạnh vai trò của công tác cán bộ, ông Dũng cho biết Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về lĩnh vực này; phải phân công đúng người đúng việc, một việc phân công một người, một đơn vị. Từ đó, rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu đến 10.2016, các bộ, ngành phải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, ngành.
Trả lời báo chí về cơ sở quyết định thanh tra thương vụ MobiFone mua AVG, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết MobiFone là doanh nghiệp viễn thông hàng đầu VN, đồng thời cũng là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên thực hiện quá trình cổ phần hoá. Việc mua cổ phần của MobiFone là hoạt động đầu tư lớn của doanh nghiệp, cho nên rất cần sự thận trọng. “Đây là những chỉ đạo của Đảng và khối Chính phủ. Tuy nhiên, thanh tra gì, thanh tra như thế nào, thì đây là chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và của Thủ tướng. Sau này có kết quả thanh tra thì mới được công bố”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên tại cuộc họp báo về các nguy cơ đối với hạ tầng viễn thông VN khi phần lớn hệ thống mạng của VN sử dụng các thiết bị do Trung Quốc cấp, trong đó có Huawei là hãng bị nhiều nước “cấm cửa”, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn khẳng định không thể đảm bảo an ninh, an toàn mạng nếu chỉ phụ thuộc vào một nhà cung cấp thiết bị.
Theo Bộ trưởng Tuấn, hiện nay nhiều nước công khai cáo buộc các hãng Trung Quốc về nguy cơ mất an toàn thông tin. Thừa nhận thực tế hiện nay các nhà mạng lớn của VN đều có sử dụng thiết bị Trung Quốc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng thực trạng có nhiều nguyên nhân khác như do hoàn cảnh lịch sử, do chính sách, pháp luật. Theo Bộ trưởng, luật pháp của VN không có quy định cấm các trang thiết bị của Trung Quốc cũng như không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ TT-TT và các cơ quan chức năng liên quan sẽ rà soát các chính sách, có yêu cầu cụ thể đảm bảo an toàn đối với các hệ thống thông tin quan trọng.
Thanh tra toàn diện Công ty Núi Pháo là hoạt động bình thường
Cùng ngày, cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng tải câu trả lời của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng về lý do Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) quyết định thanh tra toàn diện dự án khoáng sản Núi Pháo (Thái Nguyên) và quan điểm của Bộ TN-MT, Chính phủ về dự án này. Theo đó, người phát ngôn của Chính phủ cho biết theo quy định của luật Thanh tra, hằng năm các bộ, ngành và địa phương đều phải thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt. Ngày 25.11.2015, Bộ trưởng TN-MT ban hành Quyết định số 3018/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2016 của Bộ, trong đó có Công ty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Cũng theo ông Dũng, tháng 6.2016, người dân xã Hà Thượng (Đại Từ, Thái Nguyên) đã có khiếu kiện, tụ tập đông người phản đối về tình trạng ô nhiễm môi trường đối với dự án khoáng sản Núi Pháo. Tiếp đó vào 14.7.2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Công văn số 147/BC-UBND báo cáo về quá trình giải quyết các vấn đề môi trường của Công ty Núi Pháo và các khiếu nại, kiến nghị của người dân xã Hà Thượng. Cùng ngày, Bộ TN-MT có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về nội dung này và thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ thanh tra về TN-MT tại tỉnh Thái Nguyên, trong đó có Công ty Núi Pháo, dự kiến vào đầu 8.2016.
Việc thanh tra toàn diện về TN-MT đối với Công ty Núi Pháo là hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước. Nếu phát hiện các vi phạm sẽ xử lý nghiêm, đồng thời giải quyết thỏa đáng các kiến nghị, khiếu nại của người dân đối với hoạt động của công ty.

 

Trường Sơn