25/12/2024

Startup công nghệ: ra đi và ở lại

Startup – khởi nghiệp công ty công nghệ – trong nước hay ra nước ngoài? Đó là chọn lựa của hàng ngàn cử nhân, kỹ sư công nghệ thông tin trước xu thế startup toàn cầu và lời mời gọi hấp dẫn từ các doanh nghiệp startup đa quốc gia.

Startup công nghệ: ra đi và ở lại

 

Startup – khởi nghiệp công ty công nghệ – trong nước hay ra nước ngoài? Đó là chọn lựa của hàng ngàn cử nhân, kỹ sư công nghệ thông tin trước xu thế startup toàn cầu và lời mời gọi hấp dẫn từ các doanh nghiệp startup đa quốc gia.

 

 

 

Các startup Việt Nam tham gia GES 2016 (anh Tấn Phúc và Hải An thứ nhất và thứ hai từ trái sang)

Trở về từ Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu (GES) 2016 tại Hoa Kỳ, các đại diện Việt Nam đã có dịp lắng nghe “giấc mơ Mỹ” của nhiều người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, đằng sau những chuyến ra đi của cá nhân (để làm thuê cho startup nước ngoài), của một công ty (startup ở nước ngoài) là rủi ro, sự đơn độc cần phải đắn đo, cân nhắc khi muốn đi.

Đó là một phần câu chuyện được Phạm Tấn Phúc và Bùi Hải An chia sẻ với các bạn trẻ trong buổi gặp mặt tại Trung tâm Hoa Kỳ giữa tháng 7 vừa qua. Tuổi Trẻ đã phỏng vấn Tấn Phúc và Hải An quanh vấn đề: Nếu khởi nghiệp công nghệ thì nên ra đi hay ở lại?

Anh Phạm Tấn Phúc 

– Anh Phạm Tấn Phúc (sáng lập Công ty TNHH tư nhân GCall Vietnam): GES gửi thư mời vì câu chuyện khởi nghiệp của mình. Trước đây, mình từng làm việc ở một tập đoàn mà họ sử dụng các lao động nữ, trẻ em trá hình tại các nhà máy Trung Quốc. Mình không chịu nổi áp lực lương tâm và quyết định ra ngoài khởi nghiệp để chứng minh “người Việt không phải chăm làm giá rẻ” mà “trí tuệ và công nghệ Việt có thể đứng đầu 
thế giới”.

– Anh Bùi Hải An (sáng lập Công ty Silicon Straits Saigon): GES chọn theo cá nhân của người khởi nghiệp, dựa vào những gì người đó đóng góp và cống hiến cho cộng đồng thông qua những công ty và tổ chức mà người đó xây dựng nên. Đối với trường hợp của bản thân, mình nghĩ lý do GES chọn bởi vì những gì mình làm thông qua Công ty Silicon Straits Saigon và tổ chức S.H.I.E.L.D.

Đó là nơi chuyên xây dựng sản phẩm và ứng dụng công nghệ với các đối tác khác nhau trong khu vực Đông Nam Á, tạo điều kiện cho những lập trình viên, thiết kế, quản lý sản phẩm trẻ và tiềm năng tại VN có cơ hội thử sức xây dựng sản phẩm tầm khu vực.

Anh Bùi Hải An

* Trở về từ Thung lũng Silicon, câu chuyện nào còn đọng lại trong các anh?

– Anh Phạm Tấn Phúc: Tại GES, tôi gặp Faris, 20 tuổi, người Jordan, làm cho startup về ứng dụng dạy học lập trình. Không riêng gì Faris, nhiều kỹ sư Việt, Ấn Độ, Bangladesh và các nước Trung Đông làm việc từ xa cho các dự án startup, sau đó được bảo lãnh, cấp giấy phép sang lao động ở Mỹ, Singapore.

Phấn khích ngay từ đầu nhưng sau ba tháng làm việc, Faris muốn trở về nhà. Là kỹ sư làm thuê nên bạn ấy chỉ được ở Mỹ hơn sáu tháng nếu startup đó còn tồn tại. Ở San Francisco lương 10.000 USD/tháng cũng vừa đủ sống như mức lương tôi được hưởng khi làm việc tại TP.HCM.

Câu chuyện đó khiến tôi suy nghĩ, ra đi là đánh đổi, vậy không biết cuộc đánh đổi này có lợi hơn hay rủi ro hơn?

– Anh Bùi Hải An: Hiện tại rất nhiều công ty công nghệ ở nước ngoài đang vào Việt Nam vì khan hiếm lao động ở nước sở tại, trong đó có Mỹ và Singapore. Ở chiều ngược lại, một số startup công nghệ trong nước thường chọn “tấn công” một thị trường khách ở các nước đã phát triển vì nền tảng hạ tầng tốt, khả năng tiếp nhận ứng dụng mới và chi trả cao của khách hàng. Vì vậy, nhiều kỹ sư công nghệ khăn gói ra nước ngoài, một số công ty startup “đem chuông đi đánh xứ người”.

* Là những startup trẻ, hai anh nghĩ gì về môi trường khởi nghiệp công nghệ tại TP.HCM?

– Anh Phạm Tấn Phúc: TP.HCM hội tụ đủ điều kiện để có nhiều startup thành công. Suy cho cùng, con người là yếu tố quan trọng nhất. TP.HCM đang tập trung nhiều nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, chỉ cần thủ tục pháp lý nhanh hơn, minh bạch hơn, cũng như có cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thì TP đã sẵn sàng cạnh tranh với Singapore về thương hiệu “thành phố khởi nghiệp” ở Đông Nam Á.

– Anh Bùi Hải An: Chủ trương và sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đang được hình thành. Thị trường và người tiêu dùng đang có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết, mở ra cơ hội cực lớn cho các ngành khác nhau. Chỉ cần bạn giải quyết tốt một vấn đề của người tiêu dùng là bạn đã có thể xây dựng cho mình một 
công ty thành công.

* Anh Hải An có bảy năm du học và làm việc tại Singapore, vì sao anh lại về nước startup?

– Singapore là một đất nước có hạ tầng khoa học – công nghệ – kỹ thuật rất tốt, nhưng được sử dụng cho các ngành chủ lực như tài chính, ngân hàng, thương mại. Phần lớn kỹ sư sẽ làm việc cho công ty, tập đoàn lớn nhưng chỉ là một phần nhỏ trong những bộ máy có sẵn và tập trung phục vụ các ngành đó. Việc xây dựng sản phẩm công nghệ mới thường không nhiều, mặc dù vẫn có một vài công ty thành công.

Sau khi làm ba năm với vai trò kỹ sư phần mềm, tôi cảm thấy công việc hơi bó hẹp. Khủng hoảng kinh tế khiến môi trường làm việc ở Singapore trở nên khắc nghiệt. Trong khi đó VN không bị ảnh hưởng nhiều và như một “đại dương xanh” nhiều cơ hội để startup tạo ra thay đổi.

Cho đến thời điểm này cũng không dễ dàng để bắt đầu khởi nghiệp tại Singapore, do thị trường quá nhỏ và phần lớn các bạn trẻ đều muốn chọn công việc ổn định hơn là đi làm cho startup.

Thay vì bán sức lao động giá thấp cho các startup nước ngoài, tôi dùng chính nguồn lao động trong nước để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế và cạnh tranh hơn. Tuy là khởi nghiệp trong nước, nhưng sau này có thể thành lập các công ty chi nhánh ở nước ngoài để bán bản quyền trí tuệ.

“Chất lượng sống ở các nước phát triển là cơ hội để cá nhân phát triển. Nhưng nếu họ nghĩ rằng trong đời mình chỉ có một lần để tạo ra những giá trị lớn lao cho cộng đồng, họ sẽ ở lại. Không cần ép, họ đi thế nào cũng về! Vì đây là nguồn gốc của họ, “lá rụng về cội” mà

Tiến sĩ David Nguyễn Quang Vũ (giám đốc Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore – VietCham Singapore)

 

 

TƯỜNG HÂN