23/01/2025

Triều Tiên đẩy mạnh chiến dịch săn công nghệ

Giới chức CHDCND Triều Tiên đang đẩy mạnh chiến dịch triển khai chuyên gia công nghệ thông tin và truyền thông ra nước ngoài để đánh cắp công nghệ tiên tiến.

 

Triều Tiên đẩy mạnh chiến dịch săn công nghệ

Giới chức CHDCND Triều Tiên đang đẩy mạnh chiến dịch triển khai chuyên gia công nghệ thông tin và truyền thông ra nước ngoài để đánh cắp công nghệ tiên tiến.




Một phòng máy tính tại Đại học Quân sự Kim Nhật Thành của Triều Tiên ///  Ảnh: The Star

Một phòng máy tính tại Đại học Quân sự Kim Nhật Thành của Triều TiênẢNH: THE STAR


Chiến dịch bí mật trên do nhiều nguồn tin từ Bình Nhưỡng tiết lộ trong một bài phân tích vừa được đăng trên báo Asia Times. “Dữ liệu công nghệ tiên tiến do Bộ An ninh nhà nước và Tổng cục Trinh sát của quân đội Triều Tiên thu thập đã giúp nước này phát triển công nghệ khoa học một cách nhanh chóng”, một trong những nguồn tin nói trên khẳng định. “Ông Kim Jong-un vừa nhấn mạnh rằng đây là tấm gương mà nhân viên công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) nên làm theo”, nguồn tin kể lại và cho hay ông Kim khuyến khích nhân viên ICT lấy cắp công nghệ tiên tiến vì ông tin rằng Triều Tiên không thể tự phát triển nó trong 10 năm. “Ông ấy tuyên bố với những quan chức điều hành cấp cao rằng đây là sự mở rộng của một chiến dịch bí mật nhằm tiếp cận các công nghệ tối tân được mang về từ các nước phát triển”.
Chiến dịch này có sự tham gia của khoảng 1.000 chuyên gia ICT Triều Tiên hiện đang sống ở Trung Quốc và họ được ông Kim ca ngợi là “những người yêu nước”. Lãnh đạo Kim còn ra lệnh cho những quan chức quản lý cấp cao kéo dài thời gian định cư ở nước ngoài cùng gia đình của các chuyên gia ICT, theo nguồn tin.


“Dùng mọi biện pháp có thể”
 
Một thương gia Triều Tiên vừa đến Trung Quốc tiết lộ rằng trong cuộc họp kín được tổ chức tại một trong những văn phòng ngoại giao Triều Tiên ở nước này hồi tháng 6, nhiều chuyên gia ICT đang làm việc ở Trung Quốc được lệnh thu thập công nghệ liên quan đến quân sự và năng lượng mới. Ông này nói rõ: “Cuộc họp đã thảo luận nhiều kế hoạch nhằm thu thập công nghệ tiên tiến càng nhiều càng tốt mà không để những viện nghiên cứu Trung Quốc phát hiện. Giới chức Triều Tiên nói họ không được chần chừ mà phải tận dụng mọi biện pháp có thể, như mua hoặc tấn công mạng để thu thập thông tin mật về công nghệ tiên tiến”.
Theo Asia Times, giới chức Triều Tiên đã điều nhiều nhân viên ICT tới nhiều khu vực của TP.Thượng Hải (Trung Quốc) dưới hình thức lao động để chuyển ngoại tệ về cho đất nước. Tuy nhiên, Trung Quốc phát hiện những nhân viên này từng tham gia tấn công mạng nên từ chối cấp thị thực lao động cho họ. “Kiểu hành vi bất cẩn này của người Triều Tiên ở Trung Quốc đang trở thành vấn đề lớn”, vị thương gia cảnh báo và cho biết thêm giới chức Triều Tiên ngày càng dấn sâu vào hoạt động đào tạo nhân viên ICT để phái đến các nước khác. Việc thuê mướn nhân công ICT của Triều Tiên được cho là ít tốn kém hơn so với nhân công Trung Quốc.


“Triều Tiên nhắm tới công nghệ tiên tiến, đặc biệt về vũ khí huỷ diệt hàng loạt cũng như dữ liệu quân sự”, vị thương gia nhấn mạnh. Cũng theo ông này, nhiều thương gia Triều Tiên than phiền rằng các nhân viên của họ đang bị giới chức nước này đẩy vào tình trạng nguy hiểm vì mệnh lệnh đánh cắp công nghệ nói trên. Mặt khác, một khi công nghệ được thu thập, chúng không được sử dụng để mang lại lợi ích cho người dân. “Trung Quốc và nhiều nước khác ráo riết truy tìm những đối tượng dính vào hoạt động gián điệp công nghiệp. Nhiều người lo lắng và hậu quả có thể xảy ra nếu tình trạng lấy cắp công nghệ vẫn tiếp diễn”, vị thương gia nhận định. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Bình Nhưỡng đối với bài phân tích trên Asia Times.
Bị nghi lấy cắp dữ liệu của người Hàn Quốc
Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA) của Hàn Quốc ngày 28.7 thông báo CHDCND Triều Tiên đang bị tình nghi lấy cắp dữ liệu của trên 10 triệu khách hàng từ trung tâm mua sắm qua mạng Interpark ở miền Nam, theo tờ The Korea Times. Số dữ liệu bị đánh cắp hồi đầu tháng này bao gồm tên, địa chỉ và số điện thoại của khách hàng. Interpark đã nhờ NPA điều tra sau khi bị các tin tặc doạ sẽ công bố số dữ liệu bị đánh cắp nói trên nếu chúng không nhận được tiền chuộc. Sau khi điều tra, NPA phát hiện mã độc được dùng tấn công Interpark giống mã độc mà tin tặc Triều Tiên sử dụng trước đó. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Triều Tiên đối với cáo buộc mới. Hồi tháng rồi, NPA cáo buộc tin tặc Triều Tiên xâm nhập trên 130.000 máy tính, lấy cắp tổng cộng 42.608 tài liệu trong giai đoạn 7.2014 – 2.2016, trong đó có trên 40.000 tài liệu liên quan đến quân sự như hình ảnh máy bay không người lái tầm trung của Hàn Quốc và bản thiết kế cánh của chiến đấu cơ F-15K.
Trong một diễn biến khác, Vụ trưởng Vụ Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Han Song-ryol ngày 28.7 khẳng định với AP rằng Washington đã “vượt lằn ranh đỏ” khi đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào danh sách những cá nhân bị trừng phạt và động thái này bị Bình Nhưỡng xem là “lời tuyên chiến”. Washington ngày 6.7 thông báo ông Kim cùng 10 quan chức Triều Tiên khác bị đưa vào danh sách những cá nhân bị trừng phạt vì liên quan đến những cáo buộc về lạm dụng nhân quyền, theo AP. Gần một tuần sau đó, Bình Nhưỡng cắt phương tiện liên lạc chính thức cuối cùng với Washington.

 

Văn Khoa