Không chỉ “ăn” chênh lệch giá cả triệu đồng mỗi lượng vàng nguyên liệu, các đối tượng buôn lậu còn sử dụng hàng loạt mánh khoé khác để kiếm lãi “khủng” từ nguồn kim loại quý này.
Lãi ‘khủng’ từ buôn lậu vàng
Không chỉ “ăn” chênh lệch giá cả triệu đồng mỗi lượng vàng nguyên liệu, các đối tượng buôn lậu còn sử dụng hàng loạt mánh khoé khác để kiếm lãi “khủng” từ nguồn kim loại quý này.
Liên tiếp trong thời gian gần đây, một loạt vụ buôn lậu vàng bị bắt giữ gây chấn động dư luận. Mới nhất ngày 27.7, lực lượng hải quan cảng hàng không Nội Bài phối hợp với Công an Hà Nội đã phát hiện vợ chồng nữ tiếp viên hàng không vận chuyển trái phép 80 lượng vàng sang Hàn Quốc. Hai vị khách này đã cất giấu 4 cục vàng lớn lên tới khoảng 3 kg. Toàn bộ số vàng này được nguỵ trang trong một gói ni lông, bên ngoài quấn kín chặt bằng băng dính đen, giấu bằng cách gắn bên dưới ghế ngồi.
“Ăn” lãi, rửa tiền, trốn thuế
Năm ngoái, cơ trưởng và tiếp viên trên chuyến bay Hà Nội – Pusan của Vietnam Airlines cũng giấu dưới giày 6 kg vàng và bị hải quan tạm giữ tại sân bay Gimhae (Pusan, Hàn Quốc). Trước đó, chuyến bay Hà Nội – Seoul (Hàn Quốc), lực lượng hải quan sân bay Incheon phát hiện trong hành lý xách tay của 3 tiếp viên có 20 lượng vàng. Không chỉ buôn lậu qua đường hàng không, tháng 3.2016 lực lượng biên phòng An Giang đã bắt giữ một số đối tượng người Campuchia buôn lậu 50 lượng vàng. Ngoài ra còn một lượng USD lớn được khai mang vào VN mua vàng để xuất lậu ra nước ngoài.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng “chảy máu” vàng theo các chuyên gia nằm ở nguồn lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động này mang lại. PGS-TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính) phân tích, mặc dù giá vàng trong nước những ngày gần đây cao hơn thế giới khoảng 500 – 600 ngàn đồng/lượng nhưng đó chỉ là vàng miếng SJC 9999 do nhà nước độc quyền. Trong khi đó, vàng nguyên liệu tại thị trường trong nước dưới dạng thỏi, miếng, hạt lại có giá thấp hơn rất nhiều, đặc biệt tại thị trường Hàn Quốc. Cụ thể, ngày 29.7, giá vàng nguyên liệu “4 số 9” tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 34,7 triệu đồng/lượng, còn tại Hàn Quốc vàng bán theo gram. 1 gr vàng trị giá 48.000 KRW (tiền Hàn Quốc), theo tỷ giá quy đổi tại Vietcombank (1 KRW = 20 đồng) tương đương 960.000 đồng. Với mỗi chỉ vàng tương đương 3,75 gr, 10 chỉ (1 lượng) sẽ có giá trị khoảng 36 triệu đồng. “Mỗi lượng vàng nguyên liệu trong nước thấp hơn tại Hàn Quốc khoảng 1,3 triệu đồng, như vậy với 3 kg, tương đương 80 lượng nếu buôn lậu trót lọt các đối tượng sẽ thu về khoảng 104 triệu đồng”, PGS-TS Ngô Trí Long tính toán.
Khi Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý chặt chẽ, yêu cầu vàng trang sức phải đủ tiêu chuẩn, đúng chất lượng, hàm lượng; thị trường không còn vàng trôi nổi, vàng kém chất lượng, người dân tin tưởng thì chắc chắn dân buôn vàng lậu cũng không còn cửa để làm ăn
PGS-TS Ngô Trí Long
Nhưng giới buôn lậu không chỉ ăn lãi có thế. Theo một chuyên gia lâu năm về vàng, hiện nay tại VN dân chỉ chuộng vàng “SJC 9999” do nhà nước độc quyền, giá vàng “chuẩn quốc gia” này lúc nào cũng cao ngất ngưởng, do đó với tất cả các loại vàng còn lại, đặc biệt vàng nữ trang gần như không còn đất sống khiến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng nữ trang hiện nay cũng đang méo mặt. Do đó, có thể dẫn đến hiện tượng các đầu mối gom vàng trôi nổi với giá rẻ xuất lậu ra nước ngoài, từ đó gia công chế tác lại thành vàng nữ trang quay về VN gắn mác vàng Hàn Quốc để tiếp tục hưởng lãi kép.
Vẫn theo chuyên gia trên, một mánh khóe khác, với đặc thù nhỏ, gọn dễ vận chuyển, giá trị lớn nên dễ được xách lậu qua nước ngoài. Nếu trót lọt, các đối tượng có thể bán lấy ngoại tệ hoặc tiền bản tệ của quốc gia đó, dùng mua bán hàng hóa, tiếp tục kinh doanh lấy lời.
Chuyên gia tài chính ngân hàng – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, tại thị trường VN, lượng vàng nguyên liệu trôi nổi rất nhiều và không quá khó tìm, có thể mua rẻ hơn cả mức giá niêm yết chính thức của các hãng vàng lớn. Do đó, nếu các đối tượng mua vàng trôi nổi giá rẻ rồi đem sang Hàn Quốc, lại không phải chịu thuế nhập khẩu cao thì số tiền lời cao hơn những gì họ khai báo rất nhiều. Điều đáng lo ngại, tình trạng này nếu tiếp diễn sẽ khiến VN mất tài nguyên, mất vùng vàng nguyên liệu dự trữ….
Vàng trôi nổi tiếp tay cho buôn lậu
Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng VN cho biết, trung bình mỗi năm nhu cầu vàng nguyên liệu sản xuất trang sức chiếm 20 – 30%, còn 70 – 75% là vàng sản xuất vàng miếng, trong tổng nhu cầu vàng nguyên liệu trên thị trường. Mỗi năm cả nước tiêu thụ 70 – 100 tấn vàng, nghĩa là nhu cầu vàng trang sức khoảng 20 tấn. Nhu cầu lớn nhưng hiện nay Ngân hàng Nhà nước cấm các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu nên các DN sản xuất vàng trang sức phải mua trôi nổi trên thị trường.
Chính vì còn quá nhiều vàng trôi nổi nên có thể thấy hầu hết các vụ buôn lậu đều tập trung vào các loại vàng này bởi nó dễ mua gom lại có giá thành khá “mềm”. Theo chuyên gia vàng quốc tế Huỳnh Trung Khánh, cứ khi nào có chênh lệch khoảng 2% giữa giá vàng trong nước và quốc tế là có hiện tượng nhập/xuất lậu vàng. Trước kia giá vàng trong nước thường cao hơn thế giới xảy ra hiện tượng nhập lậu, ở một số thời điểm khi giá vàng trong nước thấp hơn tình trạng xuất lậu vàng lại diễn ra. Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần kinh doanh và đầu tư vàng VN cho biết, thậm chí mức chênh lệch chỉ cần 1% vẫn có thể dẫn đến xuất lậu vàng, bởi vàng có giá trị vật chất rất lớn. Chỉ cần mang trót lọt qua biên giới vài lượng vàng hết sức nhỏ gọn, dễ che giấu – tiền lời có thể vài triệu đồng.
Cũng liên quan đến tình trạng xuất lậu vàng, trước đó ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã cảnh báo về tình trạng vàng xuất ngược ra nước ngoài. Theo ông Minh, hiện nay, xuất lậu vàng dưới hai hình thức: một là, vàng nguyên liệu (vàng lượng, vàng bóng ký)… được cắt nhỏ và hai là vàng nữ trang. Đổi lại, bên cạnh nhận USD, đối tượng xuất lậu vàng cũng có thể nhận về một số mặt hàng có lợi nhuận cao hơn.
Chính sách bất cập, quản lý lỏng lẻo
Bên cạnh yếu tố lợi nhuận từ giá, theo các chuyên gia nguyên nhân một phần do chính sách còn bất cập và việc quản lý còn lỏng lẻo khiến vàng trang sức, vàng nguyên liệu trở thành nơi “trú ẩn” của vàng lậu. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước có cả Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, Bộ KH-CN đã ban hành Thông tư 22 về đo lường quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ buộc DN phải tuân thủ quy định: đóng mã ký hiệu, hàm lượng, tuổi vàng, độ tinh khiết khi lưu thông… nhưng thực tế chỉ có các DN lớn làm việc này còn hầu hết các DN nhỏ đều không thực hiện. “Khi Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý chặt chẽ, yêu cầu vàng trang sức phải đủ tiêu chuẩn, đúng chất lượng, hàm lượng; thị trường không còn vàng trôi nổi, vàng kém chất lượng, người dân tin tưởng thì chắc chắn dân buôn vàng lậu cũng không còn cửa để làm ăn”, PGS-TS Ngô Trí Long cho biết.