23/01/2025

Thư từ Đức: kẻ thù chúng ta chính là chúng ta?

Sự an toàn của nước Đức đang bị đe doạ. Và không phải chỉ là vấn đề khủng bố. Sự nghi ngại sống chung với kẻ thù trong cùng một cộng đồng mới là sự đe doạ chính.

 

Thư từ Đức: kẻ thù chúng ta chính là chúng ta?

 

Sự an toàn của nước Đức đang bị đe doạ. Và không phải chỉ là vấn đề khủng bố. Sự nghi ngại sống chung với kẻ thù trong cùng một cộng đồng mới là sự đe doạ chính.

 

 

 

 

Thư từ Đức: kẻ thù chúng ta chính là chúng ta?
Ngày 27-7, người dân Đức ở TP Munich tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát bên ngoài khu mua sắm Olympia xảy ra chiều 22-7 – Ảnh: Reuters

Cả nước Đức rúng động trong hơn một tuần qua. Các vụ nổ, tấn công bằng súng, bằng dao, bằng rìu… diễn ra từ địa điểm này sang địa điểm khác, cách nhau trong một thời gian ngắn.

Từ trung tâm mua sắm Olympia ở Munich hôm 22-7 đến một quán rượu phía bên ngoài lễ hội âm nhạc tại Ansbach. Bayern, một trong những tiểu bang hùng mạnh nhất của nước Đức về kinh tế, đón liên tục hai vụ tấn công trong một thời gian ngắn.

Nước Đức – trong một thời gian dài lưỡng lự – đã định nghĩa lại mình là một nước di dân, với các dòng người nhập cư khắp nơi. Tuy vậy, trong khi dòng di dân người Thiên Chúa giáo không có gì đáng lo ngại thì phần lớn những người tị nạn là người Hồi giáo đến từ Syria và châu Phi chưa hoàn toàn được người Đức bản xứ chấp nhận.

Về an ninh, nước Đức một mặt phải đặt vấn đề về việc có bao nhiêu “di dân thật sự” và có bao nhiêu người là trá hình. Chính quyền Berlin cần đảm bảo an ninh xã hội trước nguy cơ các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông được cài cắm vào dòng người nhếch nhác đang làm khơi dậy lòng trắc ẩn ở châu Âu và có thể phát động những cuộc tấn công khủng bố ở nguy cơ rộng khắp.

Lý do về nhóm dân thiểu số nằm ở bản chất sâu xa hơn. Cuộc tranh luận của nước Đức về nguy cơ một xã hội bị chia rẽ bởi nỗi sợ các nhóm dân thiểu số – phần lớn là dân tộc thiểu số khép kín và được xem là những dân tộc thiểu số ngoại lai. Berlin lo ngại vì các nhóm dân thiểu số đó không hội nhập được vào nước sở tại.

Ví dụ tại Đức, cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ có trường học riêng, luật lệ riêng, không thể kiểm soát được các vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, cộng đồng. Cộng đồng Thổ tại Đức là nhóm người đông nhất, tới 5 triệu người.

Xét về các tiểu bang khác nhau ở Đức, tiểu bang Bayern còn là một ngoại lệ đặc biệt. Từ lâu, Bayern được xem là một vùng đất “khép kín” với các trường phái bảo thủ ở nhiều lĩnh vực như một đặc trưng rất nổi tiếng của tiểu bang này.

Trong các cuộc tranh cử quốc nội lẫn tranh cử nghị viện châu Âu, các cử tri Bayern luôn có xu hướng đề cao “dân tộc tính” của vùng đất này. Điều này thể hiện qua xu hướng thúc đẩy tính bài ngoại, ngay cả xem mình như một dân tộc riêng tách bạch khỏi các vùng khác của các sắc dân ở nước Đức.

Vấn đề dân tộc không chỉ là vấn đề chính trị, mà còn được đẩy thành vấn đề nhân chủng học. Niềm tin về con người và về sự không phân biệt đối xử giữa các tộc người đang được chính phủ và xã hội ở Đức dựng thành các giá trị cốt lõi hàng đầu.

Tuy vậy, từ năm 2010, cuộc tranh luận về nhân chủng học hậu quả huyết thống nêu vấn đề di dân đã gây nên một cơn bão tại đất nước này với cuốn sách nổi tiếng của một chính trị gia cánh tả, ông Thilo Sarrazin.

Cuốn sách Nước Đức sẽ biến mất lần đầu tiên nói về sự khác biệt của nguồn gốc và huyết thống giữa những người Đức và dân nhập cư đã phá vỡ các quy luật về tính nhạy cảm của vấn đề sắc tộc.

Kể từ khi Sarrazin lên tiếng, những tiếng nói yêu cầu thiết lập lại một xã hội thuần chủng của người Đức càng xuất hiện nhiều hơn. Khi huyết thống và sắc tộc – vốn là một chủ đề cấm kỵ ở một xã hội đã phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau như tại Đức – đã không còn nhạy cảm thì những quả bom ở Munich hay ở Ansbach hơnlà  một tiếng chuông báo động. Nó là vết cắt khoét sâu vào lòng xã hội của nước Đức đang càng chia rẽ với các xu hướng sáp nhập và phân tách.

Khác với những hình ảnh kẻ thù, đầy độc ác và nhiều thủ đoạn, thủ phạm tạo ra những thảm kịch liên tục ở nước Đức và cả châu Âu chính là anh hàng xóm, chú bán siêu thị hay anh bạn làm việc tại quán rượu đầu nhà. Con cái của những người được truyền thông gọi là “khủng bố” cùng đi chung một nhà trẻ, cùng ngồi chung một tàu điện đến sở làm hay cùng hò reo trong một trận đá bóng vào mỗi dịp thứ bảy.

Họ chính là chúng ta, là người Đức, là người Pháp, là những công dân Liên minh châu Âu (EU). Người Đức đang ăn, ngủ và cùng sống chung với kẻ thù cho đến khi nào tên tuổi và hình ảnh của những người này trở thành những dòng tít trên báo đài với những tên gọi “khủng bố” hay “sói cô đơn”. Đây có lẽ chính là nỗi sợ hãi lớn nhất đang bao trùm xã hội Đức hiện nay.

Thủ tướng Merkel bảo vệ chính sách nhập cư

Thủ tướng Đức Angela Merkel phải rút ngắn kỳ nghỉ hè để tổ chức họp báo nói về chính sách tiếp nhận người tị nạn mà bà ủng hộ và đang bị chỉ trích là khiến khủng bố xâm nhập vào Đức.

Theo AFP, trong cuộc họp báo tại Berlin, vốn thường tổ chức vào cuối tháng 8 để đánh dấu việc trở lại làm việc, bà Merkel tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình trước đó. Bà khẳng định: “Bọn cực đoan muốn làm hỏng hệ thống của chúng ta nhằm tiếp đón những người đang trong cơn tuyệt vọng. Chúng ta sẽ cương quyết chống đối lại ý định đó”.

Bà cam kết: “Ngày hôm nay, cũng như trước đây, tôi luôn tin tưởng chúng ta sẽ hoàn thành được thử thách lịch sử trong thời buổi toàn cầu hóa này. Chúng ta sẽ hoàn thành được sứ mệnh vì chúng ta đã làm được rất nhiều việc trong những tháng qua”.

Tuy nhiên, Reuters cho biết các cuộc tấn công liên tiếp trong những tuần qua đã phá vỡ mọi ảo tưởng tại Đức rằng nước này miễn dịch với các cuộc tấn công mà lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã thực hiện tại nước láng giềng Pháp.

Các chính trị gia cánh tả và cánh hữu đều đổ lỗi cho chính sách tị nạn của bà Merkel sau khi có hơn 1 triệu người nhập cư đặt chân vào đất Đức trong năm vừa qua. Như ông Horst Seehofer, lãnh đạo bang Bayern, tuyên bố thẳng: “Nạn khủng bố Hồi giáo đã đổ đến Đức” và ông tiếp tục kêu gọi các biện pháp cứng rắn về an ninh lẫn trong chính sách nhập cư như cách ông đã chống đối suốt thời gian qua với 
bà Merkel.

ANH THƯ

MINH HOÀNG (từ Munich, CHLB Đức)