23/01/2025

Dự án công đội vốn khủng

Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi các đại biểu Quốc hội, hàng loạt công trình tăng tổng mức đầu tư gấp đôi so với ban đầu, trong đó không ít dự án bị đội lên hàng nghìn tỉ đồng.

 

Dự án công đội vốn khủng

Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi các đại biểu Quốc hội, hàng loạt công trình tăng tổng mức đầu tư gấp đôi so với ban đầu, trong đó không ít dự án bị đội lên hàng nghìn tỉ đồng.




Tòa nhà Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng đội vốn từ 880 tỉ đồng lên 2.131,3 tỉ đồng /// Ảnh: Nguyễn Tú

 

Toà nhà Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng đội vốn từ 880 tỉ đồng lên 2.131,3 tỉ đồngẢNH: NGUYỄN TÚ


Vốn đội phi mã
Bản tổng hợp dài gần 50 trang này cho thấy tình trạng đội vốn công trình diễn ra khắp nơi, trong hầu hết các lĩnh vực. Nhưng đáng kể nhất là các dự án (DA) giao thông, thủy điện và các nhà máy xi măng. Điển hình là DA xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tổng mức đầu tư điều chỉnh tại cao tốc này đã tăng thêm hơn 10.700 tỉ đồng, trong đó điều chỉnh lần đầu tăng 6.000 tỉ đồng và lần hai tăng thêm 4.738 tỉ đồng. 



Dự án công đội vốn khủng - ảnh 1
Đầu tư công được ví như “chùm khế ngọt” nên có tâm lý “tiêu cho hết dự phòng” và “ăn cả ngoài vốn dự phòng”. Nên mới có chuyện hàng loạt công trình đội vốn lên đến 50 – 70%, thậm chí vượt hơn 100% trong hầu hết các lĩnh vực
Dự án công đội vốn khủng - ảnh 2

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN


Tại khu vực phía bắc, các công trình giao thông trọng điểm cũng không kém cạnh khi DA xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh từ 4.956 tỉ đồng lên 6.742 tỉ đồng; hay các DA cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Uông Bí – Hạ Long qua hai lần điều chỉnh cũng đã tăng tổng mức đầu tư hơn gấp đôi, từ 1.318 tỉ đồng lên 2.839 tỉ đồng; DA nâng cấp QL10 đoạn Ninh Phúc – cầu Điền Hộ (Ninh Bình) tăng 103,5% với việc tăng vốn từ 825,7 tỉ đồng lên 1.680 tỉ đồng.
Xếp sau một chút trong danh sách công trình đội vốn nghìn tỉ là các DA thuỷ điện, thuỷ lợi. Như DA thoát nước Hà Nội (giai đoạn 2) điều chỉnh ba lần, từ 5.063 tỉ đồng lên gần 9.700 tỉ đồng (tăng 91,4%); DA hồ Tả Trạch (Thừa Thiên-Huế) tăng tới 256% sau ba lần điều chỉnh, từ 1.081 tỉ đồng lên 3.848 tỉ đồng; Công trình thuỷ điện Hủa Na cũng điều chỉnh ba lần từ 4.255 tỉ đồng lên 7.093 tỉ đồng.
Trong khi đó, các DA xi măng lại nổi bật với “thành tích” nhiều lần xin điều chỉnh kinh phí. Ví dụ, Nhà máy xi măng Sông Thao thay đổi vốn tới bốn lần, từ 1.036 tỉ đồng ban đầu lên 1.797 tỉ đồng khi hoàn thành (tăng 73,4%). Còn DA Nhà máy xi măng Tây Ninh điều chỉnh trên 1.000 tỉ đồng, từ 2.813 tỉ đồng lên 3.814 tỉ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng “điểm danh” hàng loạt trụ sở hành chính của khối cơ quan nhà nước trong diện tăng vốn khủng. Đáng kể nhất là toà nhà Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng từ chỗ 880 tỉ đồng theo kế hoạch đã lên tới hơn 2.131,3 tỉ đồng (tăng 142%). Thấp hơn một chút, công trình Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh gấp đôi, từ 495,4 tỉ đồng lên 1.014,6 tỉ đồng. Còn DA trụ sở Cục Thuế TP.HCM thì lập kỷ lục về số lần điều chỉnh và tỷ lệ tăng vốn của khối này khi qua bốn lần thay đổi, tổng mức đầu tư đã tăng 174%, từ 182 tỉ đồng thành gần 500 tỉ đồng.
Tiến độ rùa bò
Một trong những nguyên nhân khiến công trình đội vốn được kiểm toán chỉ ra là do tiến độ thực hiện đầu tư tại hầu hết các DA đều chậm so với kế hoạch ban đầu. Trong số này phải kể tới DA hồ Tả Trạch chậm 6 năm, DA thoát nước Hà Nội (giai đoạn 2) về đích muộn 5 năm. Trong khi các DA xi măng Sông Thao, trụ sở Cục Thuế TP.HCM, công trình QL10 đoạn Ninh Phúc – cầu Điền Hộ (Ninh Bình) đều chậm 4 năm; hầu hết các DA còn lại thì muộn so với kế hoạch ban đầu 3 năm như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng.
Dự án công đội vốn khủng - ảnh 3

Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là một trong những dự án bị đội vốn ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Điều đáng ngại là, theo kiểm toán, những DA “rùa” bị đội vốn này không được phân tích rõ nguyên nhân để xử lý trách nhiệm của các bên liên quan. Bên cạnh đó, công tác khảo sát, thiết kế tại hầu hết DA được kiểm toán còn nhiều hạn chế dẫn đến quá trình thi công phải điều chỉnh. Đa số dự toán của các DA được kiểm toán đều tính sai khối lượng, định mức, đơn giá, trong đó một số DA sai sót lớn.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng, trên thực tế, các công trình lớn, do phải trải qua thời gian thi công dài, trung bình 3 – 5 năm nên đều được xây dựng chi phí dự phòng, thường khoảng 10% tổng mức đầu tư để bù đắp cho trượt giá, đội vốn. Tuy nhiên, do đầu tư công được ví như “chùm khế ngọt” nên có tâm lý “tiêu cho hết dự phòng” và “ăn cả ngoài vốn dự phòng”. Nên mới có chuyện hàng loạt công trình đội vốn lên đến 50 – 70%, thậm chí vượt hơn 100% trong hầu hết các lĩnh vực.
Một lý do quan trọng nữa là do các bộ ngành là đại diện chủ đầu tư thường muốn “ôm” luôn cả vai trò quản lý DA, hoặc dành các khâu quản lý, tư vấn thiết kế cho các công ty “trong nhà” hay công ty sân sau nên năng lực kém mới dẫn đến quá trình khảo sát thiết kế không sát thực tế, phải thay đổi nhiều lần và quản lý DA thiếu chuyên nghiệp, thất thoát là dễ hiểu. “Việc thuê tư vấn, quản lý DA chuyên nghiệp là thông lệ thế giới. Không nói đâu xa, khi các nhà đầu tư nước ngoài vào VN, họ cũng đi thuê chứ không ai lại “ôm” luôn các công đoạn này như các chủ đầu tư nội”, ông Phạm Sỹ Liêm phân tích.
Ở góc nhìn tương tự, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận, các công trình tư nhân rất hiếm khi có chuyện đội vốn khủng như đầu tư công. Bởi ở đó, tiền túi của họ nên họ có trách nhiệm với từng đồng xu bỏ ra. Trong khi đầu tư công thì có tâm lý tiền chùa, cộng với việc không nghiêm trong xử lý trách nhiệm cá nhân nên mỗi khâu rơi rụng hoặc bị xèo xẻo một ít, làm tăng chi phí lên gấp bội.
Ngoài ra, theo vị này, còn một thực tế rất phổ biến nữa là do trong một thời gian, VN có chính sách chạy theo chọn thầu giá rẻ nên có tình trạng các nhà thầu bỏ giá thấp để trúng, nhưng sau đó tìm mọi cách điều chỉnh, xin tăng vốn, thậm chí “ép” lại chủ đầu tư. Điển hình là các DA do tổng thầu Trung Quốc đảm nhận.
“Cần xem xét trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân chứ không thể nói chung chung, nhất là các quy định liên quan đến đầu tư và vai trò của người giám sát. Nếu cứ để tình trạng này tái diễn sẽ là gánh nặng cho đất nước, bởi suy cho cùng, công trình cho vốn đầu tư cao thì sức cạnh tranh của nền kinh tế giảm”, ông Doanh nói.
Phải đấu thầu trọn gói
“Hiện tượng hàng loạt DA công đội vốn khủng là rất bất thường. Nó cho thấy việc quản lý chi phí xây dựng đầu tư công đang có vấn đề và hậu quả là ngân sách nhà nước phải chịu. Vì vậy, cần hoàn thiện quy định quản lý đầu tư xây dựng minh bạch theo thông lệ quốc tế như việc đưa tất cả chi phí trượt giá, hệ số nhân công… vào hợp đồng ban đầu để đấu thầu trọn gói”.
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh

 

Nguyên An