23/01/2025

Tự tạo cơ hội: Hái ra tiền từ lai tạo hoa sứ

Dù không phải là nghề chính, nhưng niềm đam mê lai tạo hoa sứ của anh kỹ thuật viên ở Công ty điện lực Phú Yên đã tạo thu nhập mỗi tháng từ 6 – 8 triệu đồng.

 

Tự tạo cơ hội: Hái ra tiền từ lai tạo hoa sứ

Dù không phải là nghề chính, nhưng niềm đam mê lai tạo hoa sứ của anh kỹ thuật viên ở Công ty điện lực Phú Yên đã tạo thu nhập mỗi tháng từ 6 – 8 triệu đồng.




Anh Hồng tại cơ sở hoa sứ của mình  /// Ảnh: Tuy An

Anh Hồng tại cơ sở hoa sứ của mìnhẢNH: TUY AN


Anh Nguyễn Văn Hồng (45 tuổi) nhà ở KP.Ninh Tịnh 6, P.9, TP.Tuy Hoà (Phú Yên) đã lai tạo thành công hàng trăm loại hoa sứ. Anh trải lòng: “Trước kia ba tôi trồng cây cảnh và hoa sứ rất nhiều nhưng 4 anh em trong nhà, chỉ có mình tôi mê hoa”. Thế nên từ những ngày còn là học sinh, anh đã biết cắt tỉa cây kiểng. Đến năm 2008, khi theo học lớp nâng cao về kỹ thuật điện và lớp phiên dịch tiếng Anh, những lúc tìm tài liệu trên mạng, anh thường vào đọc những chuyên trang nói về hoa sứ bằng tiếng Anh nên đã đam mê hoa sứ. Đến khi học xong 2 lớp này thì anh bắt tay vào chơi hoa sứ ghép.
Từ vườn sứ ta (sứ đơn) gia đình, anh mua thêm một số gốc sứ trong vùng rồi về lặn lội sưu tầm những loài hoa sứ đẹp, nhiều cánh khắp các nơi mua về ghép. Nhớ lại những lúc này, anh tâm sự: “Khi đó nghe nơi nào có giống sứ đẹp thì tìm đến mua, có lúc phải vào tận TP.HCM. Trường hợp gặp cây giống ưng ý, dù nhỏ nhưng giá cao cả chỉ vàng cũng phải mua”. Một thời gian sau, vườn sứ đơn nhà anh đã rực rỡ khoe đủ màu sắc. Lúc này phong trào chơi sứ trong vùng cũng đã nhen nhóm nên anh bắt đầu bán được một số cây với giá ưu đãi để mọi người nhân giống. Đồng thời anh cũng làm dịch vụ ghép sứ cho những người có nhu cầu. Cứ thế, tên tuổi và vườn sứ của anh được nhiều người biết đến.
Đến năm 2013, khi phong trào chơi sứ kiểng ghép tăng cao, cùng với kinh nghiệm có được, anh Hồng bắt tay vào công việc lai tạo loài hoa này để cho ra thêm những giống sứ mới. Kỹ thuật thì anh học trên mạng và từ những chuyến đi thực tế ở một số nhà vườn phía nam, rồi đúc rút kinh nghiệm cho mình. Quy trình cho một chu kỳ từ khi lai tạo đến khi cây sứ con cho hoa mất gần 1 năm. Đầu tiên, anh chọn những giống sứ ưng ý đã có trong vườn, lấy phấn của loại hoa này đem thụ phấn với loại hoa kia. Khi hoa đậu, tạo thành những cặp trái, khoảng 2,5 tháng sau trái già, anh hái lấy hạt đem ươm. Cây sứ con lớn lên khoảng 7 tháng tuổi thì cho ra một giống hoa mới mang gien từ 2 giống hoa trên. Niềm vui lớn nhất của anh Hồng là chờ đợi và được những cây sứ con ra hoa ưng ý nhất. Hiện nay, anh như một kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành hoa sứ thực thụ. Anh đã lai tạo thành công trên 200 loại hoa mới và đã chọn được gần 100 loại hoa đẹp trong số lai tạo đó để nhân giống bằng cách ghép. Số hoa lai được, anh tự đặt tên bằng ký hiệu HN (Hồng Nguyễn) theo thứ tự từ 1 đến n. Trong đó có nhiều giống anh lấy những địa danh ở Phú Yên để đặt tên.
Từ việc tạo ra những giống hoa độc quyền, anh Hồng bắt đầu nhân rộng các giống này bằng cách ghép với những gốc sứ nguyên liệu mua ở miền Nam về và bán ra thị trường. Nhu cầu khách mua cao, năm rồi anh mở cơ sở hoa sứ để trưng bày và bán cho những người yêu hoa. Ngoài ra, anh còn có một cơ sở lai tạo và ươm cây con ở nhà riêng tại KP.Ninh Tịnh và một cơ sở trồng chăm sóc, ghép tại KP.Liên Trì với tổng số cây sứ con và trưởng thành ước tính lên đến con số 10.000 cây. Song song với việc lai tạo, trồng, ghép sản phẩm anh bán ra thị trường đủ loại từ cây con đến cây trưởng thành với giá từ 30.000 đồng/cây trở lên.
Không dừng lại ở đó, hiện nay anh đã bắt tay vào việc làm sứ nguyên liệu. Dự tính trong năm tới, nguồn sứ gốc nguyên liệu của anh đã ổn định nên anh không phải mua từ miền Nam nữa. Khi đó, anh đã tạo được sản phẩm một vòng tròn khép kín từ cây con đến trưởng thành, bán ra thị trường nên lợi nhuận từ việc trồng hoa sứ sẽ cao hơn.

 

Tuy An