24/01/2025

Bóng ma khủng bố ‘Sói đơn độc’ đe doạ châu Âu

Trong những ngày qua, châu Âu và cả thế giới thực sự bị chấn động bởi các vụ tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra tại Pháp và Đức được tiến hành theo dạng thức tấn công kiểu “Sói đơn độc”.

 

Bóng ma khủng bố ‘Sói đơn độc’ đe doạ châu Âu


Trong những ngày qua, châu Âu và cả thế giới thực sự bị chấn động bởi các vụ tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra tại Pháp và Đức được tiến hành theo dạng thức tấn công kiểu “Sói đơn độc”. Hình thức này đang trở nên phổ biến và trở thành mối nguy cơ lớn hơn ở Đức cũng như ở các nước châu Âu. 

 

 

 

 

Các vụ tấn công liên tiếp

Ngày 24-7-2016, một vụ nổ bom lớn đã xảy ra tại nhà khách Eugens Weinstube trên đường Pfarrstraße ở thành phố Ansbach, bang Bayern, Đông Nam nước Đức, trong khi đang diễn ra lễ hội âm nhạc Ansbach Open. Vụ nổ đã khiến thủ phạm tử vong tại chỗ và làm ít nhất 12 người bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng. Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tuyên bố thừa nhận một chiến binh IS đã tiến hành vụ đánh bom liều chết này.

Bộ trưởng Nội vụ bang Bayern, Joachim Herrmann xác nhận hung thủ là người Syria, 27 tuổi, đã cho kích hoạt thiết bị nổ mang theo người. Theo Bộ trưởng Herrmann, đối tượng này xin tị nạn ở Đức một năm trước nhưng đã bị từ chối. Tuy nhiên, tên này vẫn được ở lại Đức sau khi được xét tới tình hình bất ổn ở Syria.

Cảnh sát Đức phong toả hiện trường vụ tấn công bằng dao ở Reutlingen, ngày 24/7. Ảnh: AFP/ TTXVN 


Cơ quan chức năng Đức cũng cho biết đã tìm thấy một video trên điện thoại di động của Herrmann, trong đó tên này đã “thề trung thành” với thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi của tổ chức khủng bố IS và tuyên bố hành động trả thù người Đức vì cho rằng người Đức đang cản đường người Hồi giáo. 

Vụ đánh bom liều chết tại thành phố Ansbach là vụ tấn công thứ tư ở Đức chỉ do một đối tượng duy nhất thực hiện trong một tuần qua, khiến nhiều người thiệt mạng và gây rúng động đất nước giàu có hàng đầu châu Âu này.


Trước đó, ngày 18-7, tại thành phố Wuerzburg thuộc bang Bavaria, một đối tượng người Afghanistan, 17 tuổi, đã tấn công các hành khách bằng dao và rìu trên một chuyến tàu hoả đang trong hành trình từ Treuchlingen tới Wuerzburg làm 5 hành khách bị thương, trong đó có 3 người bị thương nặng. 

Tiếp đó ngày 22-7 tại trung tâm mua sắm đông người Olympia ở thành phố Munich đã xảy ra một vụ xả súng kinh hoàng làm 9 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Đối tượng gây ra vụ xả súng là một thanh niên 18 tuổi, người Đức gốc Iran và tên này đã tự sát ngay sau đó. Ngày 24-7, một vụ tấn công bằng dao cũng đã xảy ra tại thành phố Reutlingen, bang Baden-Württemberg, khiến một phụ nữ mang thai thiệt mạng và 5 người khác bị thương. Thủ phạm của vụ tấn công này là một người đàn ông Syria, 21 tuổi, tới Đức tị nạn.

 

Trước đó, ngày 14-7, một đối tượng lái một chiếc xe tải trắng chạy với tốc độ cao đã lao vào đám đông đang rời đi sau khi xem màn trình diễn pháo hoa chào mừng ngày Quốc khánh trên đại lộ “La Promenade des Anglais” chạy men theo bờ biển ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp khiến 84 người thiệt mạng và 300 người bị thương. Thủ phạm gây ra vụ tấn công khủng bố được xác định là một công dân Pháp gốc Tunisia, 31 tuổi, đang sinh sống tại Nice đã bị cảnh sát bắn chết.


Căn nguyên sâu xa 

Những vụ tấn công liên tiếp tại Pháp và Đức đã cho thấy việc chỉ có một đối tượng đơn lẻ (hay còn gọi là “Sói đơn độc”) đứng ra thực hiện mà vẫn có thể gây ra những thương vong rất lớn thực sự là một điều hết sức đáng quan ngại tại các quốc gia châu Âu trong thời điểm hiện nay.


Theo các nhà phân tích, số lượng các đối tượng “Sói đơn độc” cũng dường như ngày càng gia tăng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau đó là: Tại các nước Tây Âu, những hố sâu ngăn cách trong xã hội giữa người giàu với người nghèo, giữa người bản xứ và người nhập cư ngày càng lớn đang làm cho xã hội bị chia rẽ sâu sắc hơn. Sự bất đình đẳng về thu nhập và mức sống càng lớn thì những người nghèo càng bế tắc hơn và sống mặc cảm hơn. Sự gia tăng đột biến của dòng người di cư tới nước Đức trong năm 2015 tiếp tục đẩy cao những xu hướng bất bình đẳng này. 


Theo một thống kê của Cục Thống kê liên bang Đức năm 2015, tỷ lệ những người thất nghiệp có nguồn gốc nhập cư tại Đức lên tới 35%, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của những người gốc Đức. Thất nghiệp, nghèo đói và mặc cảm tự ti như những người sống bên lề xã hội đã gây ra nhiều hệ luỵ và bất ổn cho Đức và các nước châu Âu. 

Những người này dễ bị lôi kéo vào các phong trào hoặc tư tưởng cực đoan hay rơi vào trạng thái trầm cảm, giống như đối tượng trong vụ xả súng ở Munich, và từ đó trở thành những “Sói đơn độc” luôn ấp ủ âm mưu tiến hành những vụ tấn công gây chết chóc.

Một nguyên nhân quan trọng khác góp phần vào sự gia tăng của hiện tượng “Sói đơn độc” chính là sự phổ biến của Internet và mạng xã hội đã lan truyền các tư tưởng cực đoan một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Những phương tiện truyền thông hiện đại này cũng khiến các đối tượng “Sói đơn độc” tìm hiểu thông tin về một mục tiêu tấn công, lên kế hoạch tấn công một cách dễ dàng hơn.

Những diễn biến vừa qua trong các vụ tấn công ở châu Âu có thế thấy rõ ràng rằng mặc dù các lực lượng cảnh sát Pháp và Đức đã cố gắng hết sức nhưng vẫn ở thế bị động trước dạng thức tấn công kiểu “Sói đơn độc” này.

Nhìn chung, an ninh và sự ổn định của xã hội Đức và các nước châu Âu đang đứng trước một số thách thức từ những đối tượng cực đoan đơn lẻ này.

Có thể khẳng định rằng, các đối tượng “Sói đơn độc” có thể là bất kỳ ai bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan và vì thế các cơ quan cảnh sát gần như không thể đoán biết trước để ngăn chặn phòng ngừa. Các chuyên gia cảnh báo rằng, các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào bởi các đối tượng “Sói đơn độc.”

Việc các tổ chức khủng bố gần đây liên tiếp thực hiện các vụ tấn công theo môtíp những con “Sói đơn độc” đã đặt các cơ quan cảnh sát châu Âu vào tình thế cùng một lúc phải đối phó với nhiều nguy cơ an ninh khác nhau và gây thêm nhiều khó khăn trong việc triển khai các biện pháp đối phó phù hợp.

TTXVN/Thanh Lâm (tổng hợp)