24/12/2024

Tự tạo cơ hội: Kiếm tiền từ hoa kiểng cấy mô

Việc thuần dưỡng thành công các giống hoa nuôi cấy mô và trồng hoa kiểng đã giúp ông Huỳnh Thanh Cần ở Cần Thơ có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.

 

Tự tạo cơ hội: Kiếm tiền từ hoa kiểng cấy mô

Việc thuần dưỡng thành công các giống hoa nuôi cấy mô và trồng hoa kiểng đã giúp ông Huỳnh Thanh Cần ở Cần Thơ có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.




Ông Cần chăm sóc vườn hoa /// Ảnh: Nguyên Đạt

 

Ông Cần chăm sóc vườn hoaẢNH: NGUYÊN ĐẠT


Vốn yêu thích hoa kiểng nên hơn 5 năm trước, khi về hưu, ông Cần (ngụ KV.Bình Phó B, P.Long Tuyền, Q.Bình Thuỷ, TP.Cần Thơ) quyết định đến làng hoa kiểng Phó Thọ (P.Long Tuyền) mua gần 3.000 m2 đất để trồng hoa. Sau đó, ông qua tận Sa Đéc (Đồng Tháp) để học, chọn giống hoa phù hợp để đem về trồng.
Vụ đầu tiên hoa nở đúng tết, đẹp bán được giá cao như khích lệ để ông tự tin tiếp tục phát triển nghề trồng hoa kiểng. Tuy vậy, khi tập tành trồng hoa, ông Cần cũng như người dân ở làng hoa Phó Thọ vẫn canh tác theo kỹ thuật cũ là mua hạt về tự ươm nên cây giống dễ bị bệnh, sinh trưởng và phát triển kém.
Từ đó, ông quyết định tìm đến Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP.Cần Thơ, rồi lên Đà Lạt tìm hiểu cách thức bà con nông dân trồng hoa cũng như tìm đường hợp tác để tiến tới trồng hoa đạt năng suất cao, đặc biệt là cách thuần dưỡng các giống hoa nuôi cấy mô.
Theo ông Cần, kỹ thuật nuôi cấy mô giúp nhân giống nhanh với số lượng lớn, có thể tiến hành ở một số loài mà biện pháp nhân giống thông thường không thể thực hiện được. Hơn nữa, kỹ thuật này còn tạo ra giống cây trồng sạch, đồng đều về mặt di truyền, có thể sản xuất ra cây giống quanh năm và sử dụng làm cây mẹ cho các bước nhân giống tiếp theo.
Sau khi tìm hiểu kỹ, ông Cần đầu tư khu nhà lưới rộng 300 m2 để sau đó tiếp nhận và thuần hóa cây giống lấy về từ Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP.Cần Thơ. Các cây con sau khi thuần dưỡng được người trồng hoa kiểng ở Phó Thọ tiếp nhận về trồng vào dịp tết.
“Khi mới thuần dưỡng gian nan lắm vì kỹ thuật nắm chưa vững, cây khi bị bệnh hay lan nhanh gây thiệt hại. Sau đó, tôi phải học hỏi thêm, đặc biệt trong giai đoạn thuần dưỡng giống thì phải theo dõi kỹ, khi cây bị bệnh phải cách ly, xử lý để bảo đảm khi giống giao cho người dân hoàn toàn sạch bệnh, yên tâm trồng” – ông chia sẻ.
Ông Cần cho biết việc thuần hóa cây con bằng phương pháp nuôi cấy mô giúp nông dân giảm khoảng 50% chi phí so với sử dụng cây giống được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Mỗi vụ hoa tết, ông Cần cung cấp khoảng 80.000 cây giốngnuôi cấy mô các loại đã được thuần dưỡng cho người trồng hoa ở làng hoa kiểng Phó Thọ.
Ngoài ra, để có thêm thu nhập chờ trồng vụ hoa chính vào dịp tết, ông thường xuyên trồng hoa vạn thọ, mỗi tháng xuất bán hàng ngàn cây vào ngày rằm và 30 âm lịch, thu lời 5 – 6 triệu đồng. Ông còn trồng thêm các loại hoa như: cúc đồng tiền, dâu tây, lan, cát tường theo đơn đặt hàng của khách, cùng với các loại kiểng như: nguyệt quế, mai vàng… nên mỗi năm đạt thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Điều mà ông Cần trăn trở là cách làm ăn của bà con nông dân tại làng hoa kiểng Phó Thọ vẫn nhỏ lẻ, thiếu hợp tác nên đạt hiệu quả không cao. Do đó, khi địa phương tiến hành thành lập Hợp tác xã (HTX) hoa kiểng Phó Thọ, ông đã nhiệt tình vận động mọi người cùng tham gia. Sau đó, với vai trò là giám đốc HTX, ông chủ động kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm hoa, tìm hiểu kỹ thuật để chuyển giao lại cho các xã viên…
Ông Cần cho biết: “Trước đây vì chỉ là câu lạc bộ hoa kiểng nên tư cách pháp nhân không rõ ràng khó hợp tác làm ăn. Bây giờ, khi đã là HTX, chúng tôi được sự hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước, có thể chủ động tìm đối tác rồi hợp tác trồng, bán các loại hoa”.
Với đà ăn nên làm ra như hiện nay, ông Cần dự định vụ hoa Tết 2017 sẽ vận động 17 xã viên HTX trồng 250.000 cây hoa kiểng các loại. Do đó nhu cầu giống sẽ rất lớn nên ông đang chủ động tìm nguồn mang về thuần dưỡng cung cấp cho bà con.

 

Nguyên Đạt