23/12/2024

Thực lực mới của Hạm đội Nam Hải

Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, có địa bàn hoạt động ở Biển Đông, được ưu tiên bổ sung nhiều tàu khu trục và tàu ngầm tối tân.

 

Thực lực mới của Hạm đội Nam Hải

Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, có địa bàn hoạt động ở Biển Đông, được ưu tiên bổ sung nhiều tàu khu trục và tàu ngầm tối tân.



Từ đầu năm đến nay, Hạm đội Nam Hải được bổ sung ít nhất 6 chiến hạm. Trong đó, đáng chú ý nhất là hạm đội này đưa vào biên chế chiếc tàu khu trục Type 052D thứ 4 mang tên Ngân Xuyên ngay trong ngày 12.7, khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan công bố phán quyết về Biển Đông.
Nhận 2 tàu 23.000 tấn trong 1 ngày
Tàu Type 052D là khu trục hạm tối tân của Trung Quốc, có hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, sở hữu tên lửa siêu thanh YJ-18, vốn được thiết kế để phá hủy các khu trục hạm trang bị hệ thống Aegis của Mỹ. Tàu Ngân Xuyên được đưa vào biên chế sau chiếc cùng loại mang tên Hợp Phì khoảng 8 tháng. Trung Quốc có kế hoạch đóng 12 khu trục hạm Type 052D cho 3 hạm đội, nhưng đến nay chỉ có Hạm đội Nam Hải nhận được loại tàu này.
Bên cạnh đó, hiện chỉ Hạm đội Nam Hải vận hành 2 tàu khu trục tên lửa đa nhiệm tàng hình Type 052B. Đây được cho là tàu khu trục đầu tiên của Trung Quốc có khả năng phòng không, được trang bị 16 tên lửa chống hạm YJ-83, với tầm bắn 180 km. Và ngày 15.7 vừa qua, Hạm đội Nam Hải đưa vào biên chế cùng lúc 2 tàu tiếp tế tổng hợp Type 903A mang tên Hồng Hồ và Lạc Mã. Hai tàu này dài 178,5 m, rộng 24,8 m, với độ choán nước 23.000 tấn.
Theo chuyên trang quân sự Sina, chỉ cần một chiếc Type 903A hỗ trợ, hạm đội Trung Quốc có thể hoạt động tại vùng biển cách xa đại lục trong nhiều tháng.
Trước đó, vào ngày 8.6, hạm đội này nhận chiếc khinh hạm tàng hình Type 056A thứ 4, mang tên Khúc Tĩnh, sau khi nhận chiếc thứ 2 và 3 trong 2 tháng đầu năm. Tàu Khúc Tĩnh sẽ thực hiện nhiều hoạt động như tuần tra, chống tàu ngầm, tác chiến trên biển. Với con số nói trên, Hạm đội Nam Hải trở thành lực lượng vận hành nhiều chiếc Type 056A nhất, kế đến là Hạm đội Đông Hải (2 chiếc ) và Hạm đội Bắc Hải (1 chiếc).
 
Ngoài ra, hiện nay chỉ có Hạm đội Nam Hải được trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo có thể gắn đầu đạn hạt nhân (SSBN) Type 094, với 4 chiếc. Hồi tháng 4.2015, trong cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương khi đó là ông Samuel Locklear cho rằng Trung Quốc có thể đóng 8 chiếc Type 094, theo chuyên san IHS Jane’s Defence Weekly. Mỗi chiếc SSBN được trang bị 12 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có tầm bắn 7.000 – 8.000 km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Chưa hết, Hạm đội Nam Hải cũng là hạm đội đầu tiên của hải quân Trung Quốc được trang bị tàu đổ bộ Type 071, nhận 3 chiếc từ năm 2007 – 2012. Trong khi đó, Hạm đội Đông Hải, nơi Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đến năm 2015 mới nhận chiếc Type 071 đầu tiên. Tàu đổ bộ Type 071 có độ choán nước 20.000 tấn, có thể chở theo từ 15 – 20 xe bọc thép và 500 – 800 binh sĩ.
Phục vụ tham vọng
Như vậy, đến nay, Hạm đội Nam Hải được cho là có tổng cộng gần 120 tàu, gồm 12 khu trục hạm tên lửa, 31 tàu hộ vệ/khinh hạm tên lửa, 27 tàu ngầm, trong đó có 10 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, 23 tàu đổ bộ, 14 tàu quét thuỷ lôi, 7 tàu tiếp tế tổng hợp, 1 tàu do thám, 2 tàu thí nghiệm, 1 tàu cứu hộ viễn dương và 1 tàu lặn, theo Sina.
Lý do Trung Quốc ưu tiên trang bị vũ khí tiên tiến cho Hạm đội Nam Hải được cho là nhằm phục vụ mưu đồ bành trướng quân sự. Nhà bình luận quân sự ở Bắc Kinh Tống Trung Bình khẳng định với tờ South China Morning Post (SCMP): “Dù phán quyết của Toà trọng tài quy định như thế nào đi nữa, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tham vọng biển của mình ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)”. Ông Tống còn cho rằng mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là thiết lập một lực lượng hải quân có khả năng thật sự cho việc hoạt động ở vùng biển xa với tầm vươn ra toàn cầu và nước này đang bắt đầu mở rộng ảnh hưởng ra ngoài khu vực”.
Trung Quốc lộ ảnh tàu ngầm mới và chế tạo thủy phi cơ lớn nhất thế giới
Trung Quốc lộ ảnh tàu ngầm mới và chế tạo thủy phi cơ lớn nhất thế giới

Hình ảnh được cho là tàu ngầm lớp 094A (ảnh nhỏ) và tàu ngầm lớp 094

Trung Quốc lộ ảnh tàu ngầm mới và chế tạo thủy phi cơ lớn nhất thế giới 1

Thuỷ phi cơ AG600ẢNH: NEW.CN

Tờ SCMP hôm qua 24.7 đưa tin đúng vào ngày 12.7, khi phán quyết của Tòa trọng tài bác bỏ đường lưỡi bò được công bố, một tấm ảnh về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc là Type 094A bị “rò rỉ” và xuất hiện trên nhiều trang quân sự nước này. Tấm ảnh dẫn đến suy đoán rằng tàu ngầm Type 094A, phiên bản mới của lớp 094, có khả năng mang tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới của Trung Quốc, với tầm bắn 12.000 km, đủ vươn tới Mỹ từ Biển Đông. Nhà quan sát quân sự Antony Wong ở Macau nhận định với SCMP rằng Mỹ lâu nay theo dõi kỹ tàu Type 094A và Bắc Kinh “đã cố tình cho rò rỉ tấm ảnh tàu Type 094A để cảnh báo Mỹ”.
* Ngày 24.7, Tân Hoa xã đưa tin Công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) vừa chế tạo xong loại thuỷ phi cơ mới được cho là lớn nhất thế giới, với tên gọi AG600. Nó có kích cỡ bằng chiếc Boeing 737 nên lớn hơn bất kỳ loại máy bay nào có thể cất/hạ cánh trên biển. Với tầm hoạt động tối đa 4.500 km, AG600 sẽ được dùng để chữa cháy rừng và cứu hộ trên biển.

 

Văn Khoa