23/12/2024

Tác động từ phán quyết Biển Đông

Khoảng 200 đại biểu cùng 20 chuyên gia VN và các nước Bỉ, Nhật Bản, Nga, Philippines, Úc đã phân tích những tác động xung quanh phán quyết mới đây về vụ kiện Biển Đông.

 

Tác động từ phán quyết Biển Đông

Khoảng 200 đại biểu cùng 20 chuyên gia VN và các nước Bỉ, Nhật Bản, Nga, Philippines, Úc đã phân tích những tác động xung quanh phán quyết mới đây về vụ kiện Biển Đông.



 

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo	 /// Ảnh: Bạch Dương

Các đại biểu thảo luận tại hội thảoẢNH: BẠCH DƯƠNG


Các phân tích được đưa ra tại hội thảo “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982”, diễn ra tại TP.HCM vào ngày 23.7, do Trường đại học Luật TP.HCM phối hợp với Hội Luật gia VN tổ chức.
Hội thảo gồm có 3 phiên. Trong đó, 2 phiên đầu tiên diễn ra vào buổi sáng, thảo luận các quy định về giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982 và giải quyết tranh chấp bằng thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982. Phiên thứ 3 tập trung đánh giá, bình luận những ảnh hưởng, tác động về chính trị, pháp lý, thương mại và quan hệ quốc tế của phán quyết đối với các bên trong khu vực và thế giới.
Trung Quốc vẫn bị ràng buộc
 
 
Thành lập trung tâm nghiên cứu luật biển
Trong buổi họp báo về hội thảo, GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM, thông báo trường sẽ phối hợp với Hội Luật gia VN thành lập Trung tâm nghiên cứu luật Biển. Trung tâm này sẽ đặt tại Đại học Luật TP.HCM. Theo GS-TS Mai Hồng Quỳ, hiện ở Đại học Luật TP.HCM đã có môn luật biển trong khuôn khổ môn công pháp quốc tế. Tuy nhiên, bà đánh giá giảng dạy như thế là chưa đủ trước vai trò to lớn và quan trọng của việc nghiên cứu luật Biển. Do đó, sau khi thành lập trung tâm, Đại học Luật TP.HCM và Hội Luật gia VN có thể sẽ xem xét mở chương trình đào tạo ở cấp độ cao hơn. Nếu thời gian đầu trường chưa có khả năng đào tạo ngay ở cấp bậc thạc sĩ và tiến sĩ thì sẽ gửi các giảng viên ra nước ngoài về luật Biển quốc tế để đạt được các cấp bậc này. Mục đích là thời gian tới, VN sẽ có những chuyên gia thường xuyên nghiên cứu về luật Biển.
  Lan Chi
 

Dù Trung Quốc không chấp nhận vụ kiện và bác bỏ phán quyết, nhiều học giả dự hội thảo cho rằng Trung Quốc vẫn bị ràng buộc bởi phán quyết và thất bại khi không tham gia vụ kiện. Cụ thể, GS Gegory Rose, thuộc Khoa Luật thuộc Đại học Wollongong (Úc), nhấn mạnh rằng T trọng tài được thành lập và phán quyết được đưa ra một cách phù hợp theo Phụ lục VII và Trung Quốc chịu sự ràng buộc bởi phán quyết về thẩm quyền của Toà trọng tài với tư cách là một bên trong quy trình tố tụng trọng tài này. Trung Quốc bị ràng buộc bởi nội dung phán quyết của Tòa trọng tài như là một thành viên của UNCLOS.

Trả lời Thanh Niên, ông Rose cho rằng trong thời gian ngắn, Trung Quốc sẽ không rút khỏi UNCLOS và dù Trung Quốc có rút khỏi thì cũng không gây ra tác động lớn, vì Mỹ hiện là cường quốc nhưng không phải là bên phê chuẩn UNCLOS. Cũng tại hội thảo, GS Hideo Yamagata, thuộc Đại học Nagoya (Nhật Bản), cho rằng việc không tham gia vụ kiện là một thất bại của Trung Quốc vì các bên không xuất hiện không thể thay đổi thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và nhấn mạnh Bắc Kinh phải nhận tiếng xấu vì một nước lớn lại không tuân thủ luật quốc tế. Tương tự, TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế (CSSD), nhận định phán quyết là một thất bại pháp lý và ngoại giao nghiêm trọng của Trung Quốc.
Thuận lợi và thách thức
Trả lời Thanh Niên bên lề hội thảo, GS Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng điểm lớn nhất mà VN cảm thấy vui mừng là phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc và từ đó VN có thể tin tưởng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình sẽ được pháp luật quốc tế bảo vệ. Còn về thách thức từ phán quyết, theo Giáo sư Thayer, còn tùy thuộc vào phản ứng của Trung Quốc trong thời gian tới, liệu có những hành vi vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến ngư dân hay không. Cũng theo ông Thayer, VN phải cân nhắc việc sử dụng biện pháp tư pháp để giải quyết tranh chấp nhưng trước khi thực hiện biện pháp này phải có đánh giá kỹ càng.
 
Còn TS Nguyễn Ngọc Trường thì nhận định VN có thể vận dụng nội dung phán quyết về đường lưỡi bò để đấu tranh chống lại các hành vi đánh bắt cá hoặc khoan thăm dò dầu khí trong EEZ và thềm lục địa. VN sẽ tăng cường năng lực bảo vệ bờ biển của mình để đối phó với tàu chấp pháp và lực lượng dân quân biển của Trung Quốc mà được dự đoán sẽ đẩy mạnh hoạt động sau phán quyết.
Cũng tại hội thảo, TS Trần Thăng Long, thuộc Trường đại học Luật TP.HCM , lại cho rằng phán quyết tuy không đề cập và giải quyết vấn đề chủ quyền, nhưng lại có những tác động nhất định đối với việc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của mình trên Biển Đông. Phán quyết cũng tạo ra những gợi mở pháp lý và những kinh nghiệm cho VN trong việc sử dụng các cơ chế tư pháp và sử dụng những luận cứ pháp lý cho các cơ chế này trong tương lai.
TS Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa Luật quốc tế – Trường đại học Luật TP.HCM, cũng cho rằng VN sẽ có một số thuận lợi nếu chọn giải pháp kiện Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Phước nhấn mạnh: “Giải pháp khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS đối với các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS chỉ nên được sử dụng sau khi chúng ta đã vận dụng hết các biện pháp chính trị – ngoại giao nhưng không mang lại kết quả”.
Tận dụng phán quyết
Tại hội thảo, khi được hỏi Philippines sẽ làm gì để phán quyết được thực thi, GS Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật Biển thuộc Đại học Philippines, khẳng định phán quyết không yêu cầu các bên phải làm gì mà chỉ đưa ra tuyên bố cái gì là đúng, hợp pháp và không hợp pháp. Sở dĩ Philippines kiện Trung Quốc vì các bên không tìm được giải pháp h bình, nên phán quyết chỉ giúp các bên tiếp tục đàm phán trên những cơ sở rõ ràng hơn. Phán quyết được Tòa trọng tài đưa ra đúng mục tiêu là đưa các bên trở lại bàn đàm phán chứ không phải tạo ra căng thẳng lớn hơn nữa. Mặt khác, ông Batongbacal cho rằng thách thức hiện nay là làm sao có thể tận dụng phán quyết vào các cuộc đàm phán trong tương lai với Trung Quốc.
Trong khi đó, GS Carl Thayer cho rằng để phán quyết được thực thi, thì trong tương lai cần một cuộc tranh luận trên 3 mặt trận – ngoại giao, chính trị và chiến lược quân sự. Nếu các tàu thực thi pháp luật biển và các tàu đánh bắt gắn cờ Trung Quốc tiếp tục vi phạm quyền tài phán của Philippines và những quốc gia lân cận khác, hành động nên bị công bố công khai. Cũng theo ông Thayer, Mỹ và các đồng minh cùng đối tác nên làm rõ với Trung Quốc rằng họ sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào hướng đến đóng kín vùng Biển Đông.
Cơ sở pháp lý quan trọng
Bên lề hội thảo, Thanh Niên đã phỏng vấn một số chuyên gia quốc tế.
Tác động từ phán quyết Biển Đông - ảnh 1

GS Erick Frankx (Trưởng khoa Luật quốc tế và luật châu Âu của Đại học Vrije Brussel, Bỉ – thành viên Toà trọng tài thường trực La Haye, Hà Lan): Phán quyết của Tòa trọng tài có ý nghĩa rất quan trọng, trước tiên là vì giúp làm rõ điều 121 trong UNCLOS 1982 – Quy chế pháp lý của đảo để phân loại các cấu tạo biển. Đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng của các nước tại bàn đàm phán trong thời gian tới với Trung Quốc về Biển Đông. Hiện tại, Trung Quốc bác bỏ nhưng đây chỉ là phản ứng bề ngoài. Hiện nay, mỗi quốc gia đều tồn tại với những mối quan hệ trên mọi lĩnh vực với các quốc gia khác. Trung Quốc cũng thế và nước này không thể tiếp tục kéo dài mãi tình trạng là một thành viên của cộng đồng quốc tế mà đi ngược với luật quốc tế. Vào thập niên 1980, Toà án công lý quốc tế ra phán quyết Mỹ phải bồi thường cho Nicaragua vì đã hỗ trợ cho các lực lượng bán quân sự chống chính phủ tại nước này. Sau nhiều thập niên không công nhận phán quyết trên, Washington cũng phải thay đổi thái độ dù vẫn không chịu bồi thường.
Tác động từ phán quyết Biển Đông - ảnh 2

PGS-TS Jay Batongbacal (Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật Biển – Đại học Philippines): Phán quyết đã kết luận rằng “đường 9 đoạn” là bất hợp pháp. Điều này đồng nghĩa với việc trong các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Philippines và Trung Quốc, phía Trung Quốc sẽ không thể sử dụng yêu sách đó như một phần lập trường của họ nữa. Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện thêm một số động thái tương tự, Philippines mặc nhiên sẽ có quyền sử dụng mọi phương thức cần thiết để ngăn chặn các hành động này. Philippines có quyền phản ứng ngay lập tức để bảo vệ các quyền lợi của mình.
Còn đối với các việc Trung Quốc sử dụng các lực lượng tàu chấp pháp, nếu Trung Quốc vẫn cương quyết thực hiện sách lược này, và làm hư tổn tàu bè của Philippines, phía Philippines sẽ có quyền buộc Trung Quốc phải đền bù thiệt hại. Chúng tôi cũng có thể buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm quốc tế trước hành động tàu chấp pháp nước này ức hiếp tàu Philippines. Cụ thể, nếu phía Trung Quốc tiếp tục đưa tàu chấp pháp bảo vệ những tàu cá của họ đánh bắt trái phép trên vùng biển Luzon, chúng tôi có thể kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra một lệnh cấm vận chống lại Trung Quốc bởi nước này đang đánh bắt cá trái phép. Chắc chắn rằng phía Philippines sẽ tìm cách nối lại đàm phán. Ngay từ đầu, mục đích chúng tôi khởi kiện là bởi vì đàm phán bị bế tắc, không đi được đến đâu.
Lan Chi – Ngọc Mai


Những ảnh hưởng và tác động đối với ngư dân VN
Tác động từ phán quyết Biển Đông - ảnh 3

TS Trần Thăng LongẢNH: BẠCH DƯƠNG

Trả lời Thanh Niên về vấn đề trên, TS Trần Thăng Long, Phó trưởng bộ môn Anh văn pháp lý – Trường đại học Luật TP.HCM, cho rằng: Phán quyết ngày 12.7.2016 có những tác động về nhiều mặt, không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực, trong đó có VN mà còn đối với ngư dân VN.
Cụ thể, nội dung của phán quyết có những nội dung quan trọng có tác động đến ngư dân như sau:
Thứ nhất, phán quyết chính thức tuyên bố đường 9 đoạn là không có cơ sở pháp lý theo luật quốc tế hiện hành, cùng với đó là việc tuyên bố bác bỏ các đòi hỏi của Trung Quốc đối với việc yêu sách các vùng biển vạch ra từ đường cơ sở bất hợp pháp này. Đồng thời, phán quyết là cơ sở khẳng định quyền tự do đánh bắt cá tại các vùng biển quốc tế, cho phép các quốc gia và ngư dân của các nước có quyền tiến hành các hoạt động đánh bắt cá hợp pháp tại đây.
Hai là, phán quyết khẳng định quyền đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống (traditional fishing), mặc dù là vấn đề được giải quyết giữa Philippines và Trung Quốc, đây cũng trở thành cơ sở quan trọng để ngư dân VN tiếp tục thực thi các quyền đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống, vốn được khẳng định rõ ràng qua các bằng chứng lịch sử. Toà khẳng định Biển Đông là khu vực không chỉ có sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc mà còn của ngư dân các nước khác. Phán quyết đã bác bỏ các luận điểm trước nay của Trung Quốc về các quyền, trong đó có quyền đánh bắt cá của nước này, mặt khác cũng tạo cơ sở để ngư dân các nước, trong đó có VN thực hiện quyền đánh bắt hợp pháp tại các ngư trường truyền thống tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.
Ba là, phán quyết tuyên bố các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông trong việc cản trở hoạt động đánh bắt của ngư dân tại vùng biển Scarborough là bất hợp pháp, tác động đến sinh kế của họ. Điều này vừa cơ sở để nhà nước có những cơ sở và biện pháp đấu tranh với phía Trung Quốc và lên án các hành vi tàn bạo, vô nhân đạo của cơ quan chức năng cũng như ngư dân của nước này.
Bốn là, cùng với việc bác bỏ đòi hỏi về các vùng biển giới hạn bởi yêu sách đường 9 đoạn, nội dung của phán quyết về quy chế của các thực thể trên Biển Đông một mặt thu hẹp phạm vi các vùng biển từ các đảo, đá trong khu vực, dẫn đến việc thu hẹp phạm vi các khu vực tranh chấp, mặt khác cũng mở ra khả năng đánh bắt cá tại các vùng biển rộng lớn hơn.
Năm là, phán quyết không đề cập đến chủ quyền lãnh thổ nhưng các quy định về chế độ pháp lý của các vùng biển theo công ước cũng đảm bảo khẳng định quyền đánh bắt cá đối với những khu vực biển nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của VN. Đây cũng là cơ sở thực thi quyền của VN trong việc áp dụng các biện pháp hợp pháp để thực thi quyền chủ quyền hợp pháp tại các khu vực này, cụ thể là bảo vệ ngư dân VN.
Sáu là, trên cơ sở quy chế về các vùng biển được xác định theo Công ước luật Biển 1982, các quốc gia trong khu vực chắc chắn cũng sẽ dựa vào đó mà xác định các vùng biển, cũng như đặt ra các vấn đề phải giải quyết giữa các bên về các khu vực chồng lấn, điều này có thể sẽ dẫn đến một số khó khăn cho ngư dân khi tham gia đánh bắt tại các ngư trường này. Vấn đề này có thể được giải quyết thông qua các thỏa thuận giữa các bên về hợp tác nghề cá trong khu vực trên cơ sở hợp tác thiện chí, cùng có lợi, lưu ý đến các quyền lợi đã được thiết lập mang tính lịch sử…
Bảy là, với việc toà ra các phán quyết, đây có thể là một thất bại nặng nề của Trung Quốc về phương diện quốc tế. Tuy nhiên với bản chất ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế và đạo lý cùng tư tưởng bành trướng, Trung Quốc có thể gia tăng các hành vi bất chấp luật pháp quốc tế. Những hành động này cũng sẽ có những tác động không nhỏ đối với ngư dân VN trong các hoạt động đánh bắt cá tại đây.
Văn Khoa


 

Văn Khoa