24/01/2025

Bất an kho vũ khí hạt nhân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tình hình bất ổn kéo dài tại Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt ra nhiều vấn đề cho kho vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ tại nước này.

 

Bất an kho vũ khí hạt nhân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tình hình bất ổn kéo dài tại Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt ra nhiều vấn đề cho kho vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ tại nước này.




Căn cứ không quân Incirlik 	  /// Reuters

 

Căn cứ không quân IncirlikREUTERS

 


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 20.7 đã tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp trong vòng 3 tháng trên cả nước. Quyết định trên được đưa ra sau khi ông Erdogan có cuộc họp với hội đồng an ninh quốc gia và nội các ở thủ đô Ankara.
Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình sau vụ đảo chính bất thành đêm 15.7 ở Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục diễn biến phức tạp, và điều này đang gây lo ngại về sự an toàn của các vũ khí hạt nhân chiến thuật mà NATO triển khai tại căn cứ không quân Incirlik, vốn giữ vai trò quan trọng trong chiến dịch không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Kho vũ khí “khủng”
Căn cứ Incirlik ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ hiện là kho cất giữ vũ khí hạt nhân lớn nhất NATO. Các chuyên gia quân sự cho hay quân đội Mỹ đang bố trí tại đây khoảng 50 quả bom nhiệt hạch B-61, chiếm hơn 25% trong tổng số vũ khí thuộc loại này của liên minh quân sự do Washington dẫn đầu. Sức công phá của bom B-61 có thể được điều chỉnh cho phù hợp với một sứ mệnh cụ thể, từ 0,3 kiloton đến 170 kiloton. Để so sánh, quả bom phá hủy thành phố Hiroshima của Nhật có sức công phá khoảng 15 kiloton.
Theo tờ New Yorker, Incirlik được lực lượng công binh thuộc lục quân Mỹ xây dựng sau Thế chiến thứ hai. Khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952, nó trở thành căn cứ quan trọng của Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh. Ở khoảng cách chỉ khoảng 1 giờ bay để đến Liên Xô, Incirlik đã tiếp nhận các chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, xe tăng và máy bay do thám U-2. Và như nhiều căn cứ NATO khác, nó cũng là nơi cất giữ vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Chiến lược của NATO là dựa vào vũ khí hạt nhân như một đối trọng trước sự ưu việt của các lực lượng thông thường phía Liên Xô. NATO tin rằng mối đe doạ tấn công bằng vũ khí hạt nhân sẽ giúp ngăn chặn xe tăng của quân đội Xô Viết tràn sang lãnh thổ của khối.
Đến thập niên 1960, hơn 7.000 vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được triển khai tại Tây Âu, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Những vũ khí này có nhiều kích cỡ, hình dạng và khả năng công phá khác nhau: đầu đạn hạt nhân, bom, mìn, đạn pháo… Nhờ những nỗ lực cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của các chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống George H.W.Bush và Tổng thống George W.Bush, Mỹ hiện chỉ còn khoảng 180 vũ khí hạt nhân được triển khai tại NATO, tất cả đều là bom B-61. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, các vũ khí này cũng được cất giữ tại các căn cứ ở Đức, Hà Lan, Bỉ và Ý.
Theo tờ The Washington Post, các quả bom B-61 tại Incirlik có thể trang bị cho những loại chiến đấu cơ tốc độ cao như F-15E Strike Eagle hay F-16 Fighting Falcon. Mỗi quả bom dài khoảng 3 m và nặng hơn 300 kg. Chúng được cất ở những căn hầm dưới lòng đất, bên trong các nhà chứa máy bay. Để kích hoạt các quả bom này, cần phải có một thiết bị đặc biệt được gọi là Kết nối hành động được phép (PAL). Đây là công tắc cài mật mã được gắn bên trong những quả bom nhiệt hạch của NATO. Chúng được thiết kế để ngăn chặn việc sử dụng trái quy trình và sẽ không phát nổ nếu không nhập đúng mã.
 
Bất an kho vũ khí hạt nhân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ - ảnh 1

Bom hạt nhân B-61 dưới cánh 1 máy bay ném bom của MỹKHÔNG QUÂN MỸ

Lo ngại an ninh
Trong vụ đảo chính bất thành cuối tuần qua, chỉ huy trưởng căn cứ Incirlik, tướng Bekir Ercan Van bị cáo buộc hậu thuẫn phe nổi loạn. Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bao vây căn cứ, bắt giữ ông Van cùng 9 sĩ quan khác, đồng thời cắt nguồn cung cấp điện và đóng tạm thời không phận xung quanh Incirlik. Dù máy bay, vũ khí và binh sĩ Mỹ tại Incirlik nằm ở một khu vực tách biệt, cách xa nơi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động, Mỹ vẫn nâng mức phòng vệ lên cao nhất vào thời điểm xảy ra đảo chính.
Theo CNN, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy giới chức quân sự hay chuyên gia kỹ thuật của Mỹ đến giám sát kho vũ khí tại Incirlik hay di chuyển chúng khỏi Thổ Nhĩ Kỳ trước những mối lo ngại về an ninh. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, chắc chắn đó sẽ là một chiến dịch tuyệt mật mà chỉ tổng thống và một số ít quan chức cấp cao của Mỹ mới biết.
Giới chức hàng đầu tại Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng tất cả vũ khí của nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. “Chúng tôi đã thực hiện các bước cần thiết nhằm đảm bảo mọi thứ chúng ta nắm giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn an toàn và được bảo vệ”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook tuyên bố ngày 18.7. Tuy nhiên, phát biểu này của ông Cook không thể xoa dịu lo ngại của các chuyên gia.
Tiến sĩ Jeffrey Lewis, chuyên gia về địa chính trị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân Mỹ, nói với chuyên san Foreign Policy rằng trong trường hợp những kẻ mưu phản có thể tiếp cận các vũ khí hạt nhân, sử dụng được chúng là cả một vấn đề. Tuy nhiên, nếu chính quyền một quốc gia cất giữ vũ khí hạt nhân Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ bị lật đổ bằng bạo lực, tình thế có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm. “Căn cứ không quân không phải là pháo đài, nó không mạnh hơn cơ quan đại diện ngoại giao bao nhiêu nếu xét đến khả năng chịu đựng một cuộc vây hãm của phe đảo chính”, ông viết.
Trong khi đó, Hans Kristensen, chuyên gia về vũ khí hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, cho rằng lợi ích từ việc cất giữ vũ khí hạt nhân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ là “rất nhỏ” trong khi rủi ro thì đã gia tăng đáng kể suốt 5 năm qua. Theo ông, an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tại Incirlik hiện không thể đáp ứng yêu cầu bảo quản vũ khí hạt nhân Mỹ. “Quý vị sẽ nhận về rất nhiều lời cảnh báo trước khi mọi chuyện trở nên vô cùng tồi tệ. Đã đến lúc đem vũ khí về”, tờ The Guardian dẫn lời ông Kristensen nhấn mạnh.
Ông Aaron Stein, chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), cho rằng vụ đảo chính hụt cùng sự dính líu của chỉ huy căn cứ Incirlik đã đặt ra những câu hỏi lớn hơn về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. “Nó nói lên rất nhiều điều về khả năng hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ trong các chiến dịch một khi quân đội của họ không thể được tin cậy. Việc có những chỉ huy không quân gàn dở bay khắp Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra nhiều kịch bản mà NATO không thể lường tới”, ông nói.
Hiểm hoạ thường trực
Không phải đến khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành ngày 15.7 vấn đề an ninh tại Incirlik mới được đặt ra. Nằm cách biên giới với Syria hơn 100 km, căn cứ này thường đối mặt với mối đe doạ khủng bố, đặc biệt kể từ khi các chiến đấu cơ và máy bay không người lái của Mỹ đóng tại đó bắt đầu chiến dịch không kích chống IS vào tháng 10.2015.
Gần đây, Mỹ quyết định nâng cấp hàng rào bao quanh căn cứ vốn chủ yếu do binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ canh gác.
Theo Sputnik, ngoài hàng rào ngoại vi, bên trong còn có các hàng rào bao quanh những khu vực an ninh hơn, bao gồm các khu vực hoạt động và văn phòng chính. Khu vực cất giữ vũ khí tại Incirlik có 2 hàng rào, ở giữa là một khu vực để trống có gắn các thiết bị cảm biến. Những người tìm kiếm vũ khí cần phải biết khu vực có hàng rào nào là mục tiêu của họ và phải vượt qua lực lượng an ninh được trao quyền “bắn để tiêu diệt” nhằm ngăn chặn những kẻ xâm nhập. Tuy nhiên, những “vị khách không mời” vẫn còn thách thức sau cùng phải đối mặt, đó là hoá giải thiết bị PAL.

 

Trùng Quang