24/01/2025

​“Hành trang” để không thất nghiệp khi ra trường

Phụ huynh và thí sinh luôn băn khoăn với câu hỏi: học gì để không thất nghiệp, chọn ngành này có việc làm không, phải làm sao để ra trường có việc làm ngay…

 

​“Hành trang” để không thất nghiệp khi ra trường

 

Phụ huynh và thí sinh luôn băn khoăn với câu hỏi: học gì để không thất nghiệp, chọn ngành này có việc làm không, phải làm sao để ra trường có việc làm ngay…

 

 

 

 

​“Hành trang” để không thất nghiệp khi ra trường
Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến

Hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp

Theo Bản tin thị trường lao động quý 3-2015 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và Tổng cục Thống kê công bố, quý 3-2015, cả nước có 1.128.700 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp.

Đặc biệt, có đến 117.300 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (chiếm 10,4%, tăng 24.100 người so với quý 2) và 225.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm 20%, tăng 26.100 người so với quý 2).

Trong khi đó, số liệu công bố tháng 3-2016 của Tổng cục Thống kê cho thấy cả nước có 192.500 người có trình độ ĐH trở lên đang thất nghiệp, chiếm 1/5 tổng số người thất nghiệp trên toàn quốc. Có thể thấy, dù xu hướng thất nghiệp có phần giảm nhưng rõ ràng, hàng trăm ngàn cử nhân tốt nghiệp ĐH, CĐ không tìm được việc làm là điều đáng lo ngại.

Có thể thấy, số trường ĐH mở ra ngày càng nhiều, số lượng sinh viên tốt nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước. Nguồn lao động qua đào tạo được bổ sung hàng năm khá dồi dào trong khi các doanh nghiệp tuyển dụng với tiêu chí ngày càng khắt khe hơn.

Tỉ lệ người tốt nghiệp CĐ, ĐH thất nghiệp, theo các chuyên gia cũng có phần nguyên nhân từ sự khó khăn của nền kinh tế, nhu cầu tuyển dụng ít. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức đào tạo chưa quan hệ chặt chẽ với thị trường lao động, chưa nắm bắt được nhu cầu nhân lực. Chưa kể việc đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành, trường đào tạo là do học sinh tự quyết định, tuy nhiên lại thiếu thông tin dự báo nguồn nhân lực, thông tin về thị trường lao động…

Làm thế nào để có việc làm khi ra trường?

Trong bối cảnh đó, về phía các trường ĐH, CĐ, vấn đề chất lượng đào tạo phải được đặt lên hàng đầu, nhất là khi chúng ta đang trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay. Việc gắn kết nội dung đào tạo với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp là vô cùng cần thiết để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu trình độ ngày càng cao của xã hội.

Sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu công việc. Có thể nói, nâng cao chất lượng đào tạo bao gồm cả kiến thức và kỹ năng cho sinh viên là một trong những yêu cầu bắt buộc để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng khắt khe của doanh nghiệp.

Để tăng cơ hội có việc làm, bạn Nguyễn Lê Mai Phương – SV năm 2 Khoa Du lịch trường ĐH Văn Hiến cho rằng “tôi nghĩ sinh viên phải đầu tư kỹ về việc chọn ngành học phù hợp, định hướng mục tiêu rõ ràng cho tương lai của mình để tránh tình trạng khi ra trường rồi vẫn không biết bản thân mình đang muốn gì, khuyết cái gì để có kế hoạch bổ sung và nên làm gì. Các bạn sinh viên cũng tự trang bị cho mình các kỹ năng mềm cần thiết. Về phía nhà trường, đào tạo phải gắn với thực hành để sinh viên tích lũy kinh nghiệm bởi tôi thấy các doanh nghiệp hiện nay cũng chú trọng việc nhân viên có kinh nghiệm khi tuyển dụng. Tôi nghĩ nếu bản thân mỗi người có định hướng rõ ràng, chuẩn bị hành trang thật vững chãi thì việc thất nghiệp không phải là vấn đề. May mắn chỉ chiếm khoảng 10% thôi, còn lại là do nỗ lực và quyết tâm của mình”.

Theo tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu “để trở thành 1 sinh viên thành công không chỉ lựa chọn cho mình một môi trường học tập tốt và chúng ta phải bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân để tham gia thật nhiều các hoạt động, tiếp xúc với thực tế, tham gia các câu lạc bộ, tham gia các phong trào để chúng ta có thêm nhiều trải nghiệm, để chiếc giỏ hành trang của chúng ta càng đầy bảo bối để khi ra trường sẽ trở thành người thành công trong cuộc sống”.

THẢO NGUYÊN