25/01/2025

Tin đồn đảo chính ám ảnh Campuchia

Giới chức Campuchia đang gấp rút truy tìm kẻ tuyên bố lật đổ chính quyền của Thủ tướng Hun Sen thông qua đoạn clip đăng trên YouTube sau khi đã nhận diện được nhân vật này.

 

Tin đồn đảo chính ám ảnh Campuchia

Giới chức Campuchia đang gấp rút truy tìm kẻ tuyên bố lật đổ chính quyền của Thủ tướng Hun Sen thông qua đoạn clip đăng trên YouTube sau khi đã nhận diện được nhân vật này.




Một đơn vị xe tăng của Campuchia /// Khmer Times

 Một đơn vị xe tăngcủa Campuchia
KHMER TIMES


Trước đó, trong đoạn clip được đăng tải ngày 17.7, một người đàn ông mặc âu phục ngồi trước tấm phông rằn ri tuyên bố sẽ thực hiện chiến dịch “giải phóng đất nước” khỏi chính phủ của ông Hun Sen. “Chúng tôi, đơn vị ở khu vực tây nam, thông báo đến tất cả đơn vị và các bộ, ngành khắp nước nhanh chóng chuẩn bị đối địch lại với chế độ do đảng Nhân dân Campuchia của Hun Sen lãnh đạo”, người đàn ông trong đoạn clip nói.
Tờ The Cambodia Daily hôm 21.7 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Chhum Sucheat cho biết người đàn ông nói trên đã được nhận dạng, nhưng từ chối tiết lộ nhân thân, nơi ở hay công việc của người này. “Chúng tôi đã nhận dạng được nghi phạm. Ông ta không thể chạy thoát. Xin đừng hỏi quá nhiều. Chúng tôi đang làm việc”, ông Chhum Sucheat nói.
Trong khi đó, phát ngôn viên lực lượng quân cảnh quốc gia Campuchia Eng Hy nói thêm rằng ông không thể cung cấp tên chính xác hoặc xác nhận liệu người này có phải là thành viên Các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia hay không. “Chúng tôi hiện đang nghiên cứu vụ việc. Trong lúc làm việc này, chúng tôi không thể công bố hình ảnh nhận dạng hoặc bình luận về những chi tiết của vấn đề này”, ông Eng Hy cho biết.
Còn phát ngôn viên Cảnh sát quốc gia Kirth Chantharith tuyên bố kế hoạch đảo chính là vi hiến và cam kết “sẽ tiêu diệt những người có hành động như thế”. Ông cũng kêu gọi những người sử dụng Facebook hãy thận trọng hơn, đặc biệt không chia sẻ tuyên bố về kế hoạch đảo chính, vì làm như thế đồng nghĩa với việc họ đang ủng hộ cho hoạt động trái pháp luật này.
Tin đồn đảo chính ám ảnh Campuchia - ảnh 1

Người đọc tuyên bố kêu gọi đảo chính trong đoạn clip xuất hiện trên YouTubeKHMER TIMES

Trước đó, ông Chhum Sucheat đã đề cập đến cái tên Som Vichea khi thông báo mở cuộc điều tra về âm mưu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Hun Sen. Đây cũng là cái tên được báo chí địa phương đưa ra ngày 20.7. Một tài khoản Facebook có tên trên đã đăng tải một số hình ảnh của người đàn ông trong đoạn clip trên YouTube cho thấy nhân vật này mặc quân phục. Trang Facebook mang tên Som Vichea hoạt động tích cực đến ngày 17.7, với nhiều bài đăng lên mỗi ngày cáo buộc cả Thủ tướng Hun Sen lẫn lãnh đạo đối lập Sam Rainsy là “điệp viên bí mật của Việt Nam”.
Ông Chhum Sucheat nói với tờ Khmer Times rằng các cơ quan chức năng nước này đang tích cực truy tìm nghi phạm nói trên do lo ngại người này có thể bỏ chạy ra nước ngoài.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Campuchia công bố thông tin về một âm mưu đảo chính. Gần đây nhất vào tháng 8 năm ngoái, nhà chức trách Campuchia đã bắt giữ một sinh viên vì đăng thông điệp trên Facebook đề cập ý định đảo chính. Đến tháng 3 năm nay, người này bị một toà án địa phương tuyên phạt 1 năm rưỡi tù giam.
Về phần mình, tổ chức Mặt trận Giải phóng dân tộc Khmer (KNLF), trụ sở tại Đan Mạch, ngày 20.7 đã ra tuyên bố thừa nhận người trong đoạn clip là thành viên của KNLF nhưng phủ nhận việc người này kêu gọi đảo chính, vì mục đích của KNLF là “tranh luận trong h bình”. Tổ chức trên cho rằng tuyên bố về kế hoạch đảo chính thật ra chỉ là cách bày tỏ cá nhân của người trong đoạn clip về cái chết của ông Kem Ley.
Nhà bình luận chính trị vốn nổi tiếng với các chỉ trích nhằm vào Thủ tướng Hun Sen này đã bị ám sát ngày 10.7 tại thủ đô Phnom Penh. Cơ quan điều tra Campuchia cho biết ông ta có thể bị sát hại do nợ tiền, nhưng giới hoạt động cho rằng đây là vụ án mang động cơ chính trị.
Tin đồn đảo chính ám ảnh Campuchia - ảnh 2

Dòng người đến viếng ông Kem Ley REUTERS

Khmer Times dẫn lời các nhà quan sát Campuchia nhận định việc chính phủ di chuyển nhiều xe tăng từ một căn cứ gần đền Preah Vihear ở biên giới với Thái Lan về Phnom Penh trong vài ngày qua nhiều khả năng không chỉ đối phó nguy cơ đảo chính mà còn để đón đầu lễ đưa tang ông Kem Ley sẽ diễn ra vào ngày 24.7.
Dự kiến hàng chục ngàn người sẽ đổ về thủ đô để tiễn ông Kem Ley đến nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà ở tỉnh Takeo. Giới chức Campuchia trước đó khẳng định các xe tăng được đưa về thủ đô chỉ để “sửa chữa”.

 

Trùng Quang