24/01/2025

Thu nhập ‘sếp’ doanh nghiệp nhà nước cao hay thấp?

Trong khi nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ nghìn tỉ thì một báo cáo mới đây cho thấy, hầu hết người đứng đầu các tập đoàn lớn như dầu khí, than, điện đều có thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng.

 

Thu nhập ‘sếp’ doanh nghiệp nhà nước cao hay thấp?

Trong khi nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ nghìn tỉ thì một báo cáo mới đây cho thấy, hầu hết người đứng đầu các tập đoàn lớn như dầu khí, than, điện đều có thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng.

 

 

 

 

Năm 2015, lương của các “sếp” Tập đoàn dầu khí đều trên mức 500 triệu đồng/năm	 /// Ảnh: Ngọc Thắng

Năm 2015, lương của các “sếp” Tập đoàn dầu khí đều trên mức 500 triệu đồng/nămẢNH: NGỌC THẮNG

 

Lương 50 triệu đồng/tháng
Tập đoàn than khoáng sản (TKV) cho biết trong bảng kế hoạch của doanh nghiệp (DN), mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý năm 2015 là 52 triệu đồng/tháng, trong khi mức lương bình quân là 48,4 triệu đồng/tháng. Con số này cao hơn số thực hiện của năm trước đó 1,5 triệu đồng. Như vậy, thu nhập bình quân của lãnh đạo tập đoàn này vào khoảng 600 triệu đồng/năm.
Tại Tập đoàn điện lực (EVN), năm ngoái, thu nhập trước thuế của chủ tịch là 618 triệu; tổng giám đốc nhận 606 triệu đồng. Cao nhất là ông Mai Quốc Hội, thành viên HĐTV với thu nhập 867 triệu đồng. Sở dĩ thu nhập của ông Mai Quốc Hội cao là do trước đó ông còn là người đại diện vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP An Bình. Ở Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) cũng tương tự, mức lương bình quân của các “sếp” là 48,4 triệu đồng/tháng – thấp hơn mức thực hiện của năm trước đó là 48,46 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập bình quân của khối này dự kiến là 53,6 triệu đồng/tháng, cũng không bằng con số thực hiện năm trước đó là 53,66 triệu đồng. VNPT cho hay, quỹ tiền lương của tập đoàn đối với các chức danh quản lý năm 2015 là gần 4,6 tỉ đồng cộng thêm hơn 870 triệu đồng để chi cho thưởng. Như vậy, quỹ này trong năm 2015 đã thấp hơn đáng kể so với mức 6,9 tỉ đồng của năm 2014.
Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí, năm 2014, quỹ lương của ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch đương nhiệm, khi đó làm phó tổng giám đốc là gần 582 triệu đồng/năm. Còn hơn 10 người là phó tổng giám đốc hoặc uỷ viên HĐTV đều có mức lương 576 triệu đồng/năm. Cần phải nói thêm rằng, theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí, lợi nhuận trước thuế năm trước đó (2014) lên đến gần 34.000 tỉ đồng, tăng hơn 17% so với năm 2013.


Thu nhập 'sếp' doanh nghiệp nhà nước cao hay thấp? - ảnh 1

Cái cơ bản là cần làm rõ tiêu chí để nói thu nhập hay mức lương đó là cao hay thấp. Trong kinh tế thị trường, yếu tố đầu tiên phải là hiệu quả sản xuất kinh doanh, là lợi nhuận của doanh nghiệp 

Thu nhập 'sếp' doanh nghiệp nhà nước cao hay thấp? - ảnh 2

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý và kinh tế T.Ư


Còn với VNPT, nếu như năm 2014, lợi nhuận của VNPT được tính gộp cả MobiFone trong 7 tháng (trước khi chia tách) mới đạt con số 2.600 tỉ đồng, trong năm 2015, tổng lợi nhuận mà VNPT đạt được là 3.280 tỉ đồng. Dù lợi nhuận năm qua vẫn chưa được EVN công bố, song hiệu quả doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỉ đồng nâng tổng mức doanh thu toàn tập đoàn đạt 233.710 tỉ đồng, tăng 18,5% so với năm trước. Còn số liệu được TKV công bố cuối năm ngoái cho biết lợi nhuận của DN là 600 tỉ đồng.

“Lỗ thì 3 triệu cũng là cao”
Trả lời Thanh Niên liên quan đến lương và thu nhập một số lãnh đạo DN nhà nước (DNNN), hầu hết chuyên gia kinh tế đều đánh giá mức lương kể trên chưa phải là cao, song vì nhiều DNNN làm ăn chưa hiệu quả, thậm chí bết bát nên dư luận hồ nghi.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý và kinh tế T.Ư, cho rằng cần phải phân biệt rạch ròi giữa vấn đề thu nhập với vai trò của người quản lý DN làm ăn có hiệu quả. “Cái cơ bản là cần làm rõ tiêu chí để nói thu nhập hay mức lương đó là cao hay thấp. Trong kinh tế thị trường, yếu tố đầu tiên phải là hiệu quả sản xuất kinh doanh, là lợi nhuận của DN”, ông Cung nói và ví dụ: Nếu là người đứng đầu một DNNN kiểu dự án gang thép Tisco mà nhà máy đang đắp chiếu hay lương của người đứng đầu công ty có các dự án kiểu xơ sợi Đình Vũ thì 3 triệu/tháng cũng là cao. Còn công ty làm ăn có lãi, thậm chí là lợi nhuận lớn thì 50 triệu/tháng cũng không thể nói là cao được.
Theo chuyên gia này, trên thực tế, không ít người đứng đầu các công ty tư nhân, tuy nắm trong tay nguồn tài sản dù ít hơn các “ông lớn” nhà nước, nhưng lợi nhuận thu được cao hơn, thì con số lương hay thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng là chuyện bình thường. “Do vậy, điều quan trọng là cần có tiêu chí để khuyến khích các lãnh đạo đưa DNNN làm ăn hiệu quả chứ không nên nhìn vào các con số lương phải trả”, ông Cung bày tỏ.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng đi kèm với hiệu quả còn phải để ý đến cả yếu tố quy mô của DN. “Vì nếu một DN nhỏ, vốn 100 tỉ, lãi 10 tỉ tức lợi nhuận/vốn 10%. Nhưng nếu DN có vốn 10.000 tỉ mà tỷ suất lợi nhuận/vốn của họ vẫn 10% thì đòi hỏi công sức, trí tuệ trong quản trị, điều hành khó hơn nhiều nên lương cao hơn là xứng đáng”, ông Ngân chia sẻ. Ngoài ra, theo chuyên gia này, hiện đã có quy định về lương thưởng lãnh đạo DNNN, ví dụ trước đây quy định lương tối đa 36 triệu đồng, cộng hệ số tăng thêm 50% khi làm ăn hiệu quả. Như vậy, mức tối đa 54 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 600 triệu đồng/năm rồi nên các con số kể trên chưa phải là cao.
Minh bạch thì không ai thắc mắc
Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định điều đáng ngại là việc hạch toán lỗ lãi, giám sát tài chính của các DNNN vẫn còn thiếu minh bạch. Dẫn đến tình trạng năm nay báo cáo lãi nhưng có khi chỉ một vài năm sau đó lộ ra lỗ nặng, thậm chí mất vốn, khiến dư luận bức xúc. “Một khi anh minh bạch, làm ăn hiệu quả thật thì 50 triệu đồng, hay lên tới vài trăm triệu đồng/tháng mà các công ty tư nhân vẫn trả thì cũng không ai thắc mắc”, bà Lan nói.
Theo bà Chi Lan, điều khiến dư luận bất bình về lương của lãnh đạo DN mấu chốt ở chỗ: Khi lỗ thì đổ cho chính sách, cơ chế, nguyên nhân khách quan. Trong khi lãi thì chủ yếu do các yếu tố tiếp cận nguồn lực, vốn nên có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh chứ lợi ích mang lại cho xã hội không cao.


 

Nguyên An