24/01/2025

Phán quyết Biển Đông và cục diện khu vực

Sức ép của công luận có thể sẽ làm Trung Quốc cân nhắc việc tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện do Philippines khởi xướng.

 

Phán quyết Biển Đông và cục diện khu vực

Sức ép của công luận có thể sẽ làm Trung Quốc cân nhắc việc tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện do Philippines khởi xướng.




Tàu hải cảnh Trung Quốc uy hiếp tàu VN trong vùng biển VN /// Ảnh: Độc Lập

Tàu hải cảnh Trung Quốc uy hiếp tàu VN trong vùng biển VNẢNH: ĐỘC LẬP


Phán quyết lịch sử
Ngày 12.7, Toà trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về luật Biển (UNCLOS) 1982 đã ra phán quyết lịch sử về Biển Đông.
Phán quyết giải quyết vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc nhưng nó có ảnh hưởng to lớn đến cục diện khu vực, vì tạo cơ sở pháp lý góp phần giải quyết cuộc tranh chấp vào loại phức tạp nhất trên thế giới liên quan đến hầu hết các nước ven Biển Đông và các quốc gia sử dụng đường hàng hải, hàng không qua lại khu vực trọng yếu này. Phán quyết là một bước phát triển của luật pháp quốc tế, trở thành tiền lệ quốc tế có giá trị đóng góp cho việc vận dụng UNCLOS giải quyết tranh chấp biển trên thế giới. Nó sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng lâu dài đối với Biển Đông, biển Hoa Đông…
Khách quan phải thừa nhận Philippines là một nước nhỏ đã bất chấp sức ép to lớn từ Trung Quốc, dũng cảm đương đầu, chuẩn bị chu đáo một khối lượng tài liệu tới 7.000 trang (cho 2 lần điều trần), với một đội ngũ luật sư nổi tiếng am hiểu vấn đề, đấu tranh kiên cường suốt 3 năm (từ 22.1.2013 tới 12.7.2016) để có thể thắng kiện. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện. Họ cho rằng tranh chấp thực ra là tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, do đó t không có thẩm quyền xét xử. Nhưng tòa cho rằng vấn đề Philippines đệ trình lại không liên quan đến vấn đề chủ quyền. Phán quyết dài 500 trang của Tòa trọng tài giải quyết 3 nhóm vấn đề chính sau:
1. Đường chín đoạn (đường lưỡi bò): Tòa kết luận: “Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển bên trong đường chín đoạn”.
2. Quy chế các cấu trúc: Tòa kết luận: “Không một cấu trúc nào tại quần đảo Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng”. Toà cũng quyết định rằng các đảo ở Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.
3. Tính phi pháp của các hoạt động của Trung Quốc.
Ý nghĩa của phán quyết

Có thể thấy một số ý nghĩa nổi bật như sau:

– Phán quyết có ý nghĩa to lớn đối với ổn định, h bình trong khu vực vì góp phần giải quyết một điểm nóng phức tạp trên thế giới; góp phần làm giảm nguy cơ xung đột trên Biển Đông.
– Phán quyết đã thu hẹp đáng kể các vùng tranh chấp, làm cơ sở để các nước hữu quan sử dụng trong việc đấu tranh trên thực địa và trong đàm phán.
– Phán quyết là chiến thắng của công lý, của luật pháp quốc tế vì nó bảo vệ quyền lợi chính đáng của nước nhỏ chống lại sự vi phạm, hành động ngang ngược của một nước lớn.
– Phán quyết là một tiền lệ của luật pháp quốc tế và sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông một cách lâu dài.
Không hề nói quá chút nào khi nhận định: Phán quyết Biển Đông là một phán quyết lịch sử bởi nó đưa tranh chấp Biển Đông chuyển sang một giai đoạn mới. Các phiên t để đi đến phán quyết là kinh nghiệm tốt và bài học có giá trị để các quốc gia có thể học hỏi để chuẩn bị cho việc đưa tranh chấp biển ra các cơ quan tài phán quốc tế sau khi đàm phán lâu dài không có kết quả.
Sau khi tòa ra phán quyết, Trung Quốc không công nhận và lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố không tuân thủ. Đồng thời, Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên thực địa: đáp máy bay xuống Trường Sa, đưa ngư dân đến Trường Sa, kích động người dân trong nước phản ứng với phán quyết, doạ thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tăng cường diễn tập quân sự…
Dù Trung Quốc từ chối thực hiện thì phán quyết vẫn có ảnh hướng lớn đến quan hệ quốc tế và khu vực Biển Đông. Trung Quốc không thể ngồi trên pháp luật quốc tế và phải có nghĩa vụ thực hiện, bởi điều 11 phụ lục VII của UNCLOS đã quy định: “Phán quyết sẽ được các bên trong tranh chấp tuân thủ”. Trung Quốc là quốc gia thành viên công ước nên phải có trách nhiệm thực thi. Hơn nữa, là một cường quốc có chân trong Hội đồng bảo an LHQ, Trung Quốc càng có trách nhiệm thi hành luật pháp quốc tế, bảo đảm hoà bình thế giới.
Vận dụng cho Việt Nam
Ngày 12.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ: Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12.7.2016, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện đã được thể hiện đầy đủ trong tuyên bố ngày 5.12.2014.
Tuy là phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc nhưng nó đề cập đến khu vực Biển Đông mà Việt Nam liên quan rất lớn, nên Việt Nam có thể vận dụng phán quyết để bảo vệ quyền lợi của mình:
– Việt Nam luôn phản đối đường chín đoạn. Nay càng có cơ sở, dựa vào phán quyết để bác bỏ đường chín đoạn phi lý.
– Phán quyết là sự khẳng định quan điểm đúng đắn của Việt Nam rằng các đảo trên quần đảo Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý; các bãi chìm khi thủy triều lên cao nhất không có lãnh hải, nếu có công trình trên các bãi chìm đó thì chỉ có vành đai an toàn 500 m. Như vậy, các bãi chìm không nằm trong phạm vi lãnh hải của các đảo thì sẽ được quy thuộc vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của quốc gia ven bờ. Quan điểm này đã được Việt Nam thể hiện trong hồ sơ của Việt Nam và Malaysia trình Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa của LHQ năm 2009.
– Phán quyết đã khẳng định: Các đảo ở quần đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Điều đó cho thấy không thể vạch đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo để đòi mở rộng EEZ 200 hải lý và thềm lục địa chồng lấn với vùng biển của các nước ven bờ.
– Phán quyết tạo cơ sở như phân tích ở 3 điểm trên để Việt Nam thu hẹp vùng tranh chấp, đấu tranh với các hành động vi phạm của Trung Quốc. Dựa trên phán quyết ta có thể khẳng định: Hợp đồng Trung Quốc ký năm 1992 với Công ty Creston (Mỹ) tại khu vực bãi Tư Chính trên thềm lục địa Việt Nam là vô hiệu; việc công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc ngang ngược phân lô (năm 2012) kêu gọi thầu quốc tế vùng phía tây “đường lưỡi bò” sâu trong EEZ của Việt Nam là phi pháp; việc tàu Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát địa chấn của phía Việt Nam, việc ngăn trở, đâm va tàu cá của ngư dân Việt Nam, việc ra lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm của Trung Quốc trên EEZ của Việt Nam ở Biển Đông, việc đưa giàn khoan thăm dò Hải Dương-981 vào thềm lục địa Việt Nam đều vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam… Các hành động vi phạm đó cần phải chấm dứt.
– Có cơ sở là phán quyết, Việt Nam có chính nghĩa để đấu tranh và được dư luận tiến bộ trên thế giới đồng tình ủng hộ hơn. Sức ép của công luận có thể sẽ buộc Trung Quốc dần dần phải tuân thủ phán quyết.
– Chúng ta cũng học tập được kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ, đội ngũ luật sư để có thể đưa tranh chấp các vùng biển và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa ra giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế.
Tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp do Trung Quốc phản ứng nhằm giữ thể diện, vấn đề gai góc nhất là tranh chấp chủ quyền hai quần đảo nói trên chưa được phán quyết đề cập tới…, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh vì biển đảo của đất nước trong giai đoạn mới sau khi có phán quyết.

 

Tiến sĩ Hoàng Trọng Lập