Thổ Nhĩ Kỳ lo đảo chính tái diễn
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 18.7 ra lệnh tuần tra toàn lãnh thổ bằng chiến đấu cơ, giữa lúc có những lo ngại về một âm mưu đảo chính mới.
Thổ Nhĩ Kỳ lo đảo chính tái diễn
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 18.7 ra lệnh tuần tra toàn lãnh thổ bằng chiến đấu cơ, giữa lúc có những lo ngại về một âm mưu đảo chính mới.
Quyết định trên được đưa ra sau vụ đảo chính bất thành khiến 232 người thiệt mạng cuối tuần qua. Theo Hãng thông tấn Anadolu, mục tiêu của chiến dịch tuần tra bằng các chiến đấu cơ F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và kiểm soát tình hình tại nước này.
Trước đó, vào ngày 17.7, ít nhất 42 máy bay trực thăng đã biến mất khỏi kho vũ khí của quân đội, gây lo ngại một cuộc đảo chính thứ hai có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Điều đáng lo ngại là 42 trực thăng mất tích từ căn cứ Incirlik, nơi NATO đang duy trì khoảng 90 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Căn cứ này cũng là nơi không quân Mỹ đang đồn trú để thực hiện nhiệm vụ không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong khi đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin các biện pháp khẩn cấp đã được tiến hành ở thành phố Istanbul với việc triển khai thêm 1.800 cảnh sát từ các địa phương lân cận, và lực lượng này được trao quyền bắn hạ máy bay trực thăng mà không cần báo trước. Reuters dẫn lời một quan chức an ninh cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng an ninh nước này vẫn đang tìm kiếm một số binh sĩ dính líu vào âm mưu đảo chính bất thành cũng như vũ khí của họ ở nhiều thành phố và các vùng nông thôn.
Hôm qua 18.7, Anadolu đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 103 viên tướng và đô đốc kể từ sau vụ đảo chính bất thành đêm 15.7. Những người này bị bắt trong các cuộc bố ráp trên toàn quốc, trong động thái được xem là một cuộc thanh trừng lớn trong hàng ngũ quân đội, và bị cáo buộc vi phạm hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cùng âm mưu lật đổ chính phủ bằng vũ lực. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim hôm qua 18.7 tuyên bố chính quyền có các tài liệu mô tả chi tiết âm mưu đảo chính, các cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn và sẽ còn nhiều vụ bắt giữ khác trong lực lượng an ninh. Bên cạnh đó, gần 9.000 công chức, bao gồm 1 tỉnh trưởng, 29 thị trưởng và 7.899 cảnh sát, đã bị bãi nhiệm.
Tính đến hôm qua 18.7, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 7.500 người liên quan đến vụ đảo chính. Một phần đáng kể trong số này là các thẩm phán và công tố viên. Sự ra tay nhanh chóng của lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến EU lo ngại. Ông Johannes Hahn, ủy viên EU phụ trách mở rộng khối, cho rằng việc bắt giữ nhanh chóng các thẩm phán và những người khác sau sự kiện đêm 15.7 cho thấy chính quyền đã chuẩn bị sẵn danh sách trước đó.
“Có vẻ như đã có điều gì đó được sắp xếp. Các danh sách có sẵn, qua đó cho thấy nó đã được chuẩn bị để dùng vào một giai đoạn nhất định”, Reuters dẫn lời ông Hahn nói. Trước đó, giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gullen đang sống lưu vong ở Mỹ đã tố ngược chính quyền Erdogan dàn dựng đảo chính để có cớ đàn áp phong trào của ông.
Các lãnh đạo Mỹ và EU đã kêu gọi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ xử lý tình hình hậu đảo chính theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, ông Erdogan ngày 17.7 đã “châm dầu vào lửa” khi tuyên bố nước ông có thể xem xét áp dụng lại án tử hình nhằm buộc “những kẻ đảo chính phải trả giá”.
Trong phản ứng mạnh mẽ đưa ra hôm qua, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel – ông Steffen Seibert tuyên bố một động thái như thế “sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Trùng Quang