Kết quả kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước về tình hình kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy vẫn còn không ít “ông lớn” có bức tranh tài chính u ám.
‘Ông lớn’ lỗ nghìn tỉ
Kết quả kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước về tình hình kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy vẫn còn không ít “ông lớn” có bức tranh tài chính u ám.
Bảng tổng hợp báo cáo kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan này đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), công ty. Trong đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lớn làm ăn kém hiệu quả.
Cụ thể, 5 ông lớn kinh doanh thua lỗ đầu tiên bị “bêu” tên là TCT hàng hải VN (Vinalines) với số tiền trên 3.400 tỉ đồng; TCT 15 lỗ hơn 470 tỉ đồng; TCT xây dựng công nghiệp (Vinaincon) 131,96 tỉ đồng; TCT mía đường 2 lỗ 15,18 tỉ đồng…
Mẹ lỗ, con lỗ
Trường hợp đặc biệt được Kiểm toán Nhà nước nhắc đến của tình trạng mất vốn là công ty mẹ TĐ dầu khí đầu tư 800 tỉ đồng vào Ngân hàng Oceanbank đã mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông. Hay câu chuyện của TCT dầu VN được chia cổ tức trong năm 2014 là 112,6 tỉ đồng, bằng 1,73% giá trị đầu tư nhưng khoản trích lập dự phòng đã lên tới 18 lần với trên 1.915 tỉ đồng đối với 14 doanh nghiệp có lỗ luỹ kế.
Cùng với đó là tình trạng lỗ luỹ kế lớn hơn vốn đầu tư của chủ sở hữu như khoản đầu tư của TCT TNHH MTV sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương vào Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa quốc tế Hạnh Phúc là 852,46 tỉ đồng/vốn đầu tư 209,7 tỉ đồng. Hay với Vinalines tại Công ty cổ phần vận tải biển Viship 748,59 tỉ đồng/32,1 tỉ đồng, Công ty cổ phần tiếp vận Biển Đông 52,8 tỉ đồng/10 tỉ đồng. Một số doanh nghiệp xảy ra lỗ luỹ kế lớn như Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (thuộc TĐ dầu khí) lên tới 1.472,8 tỉ đồng; Công ty thực phẩm miền Bắc (thuộc TCT thuốc lá VN) 1.066 tỉ đồng.
Trong khi đó, một số công ty mẹ có nhiều công ty con thua lỗ như TCT Lâm nghiệp có 5/19 công ty con lỗ luỹ kế 19,09 tỉ đồng; 6 công ty liên doanh, liên kết lỗ luỹ kế 54,7 tỉ đồng và gần 657.000 USD. Tương tự là TCT thương mại Hà Nội (Hapro) với 7/16 công ty con lỗ lũy kế gần 27 tỉ đồng; 15/19 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 94,5 tỉ đồng; 3/12 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ luỹ kế 69,36 tỉ đồng.
Đáng lưu ý, theo kiểm toán, vẫn còn nhiều đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, vốn góp vào nhiều doanh nghiệp có tình trạng tài chính xấu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể. Điển hình trong số này vẫn là cái tên Vinalines với 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của công ty mẹ thua lỗ hoặc hiệu quả thấp khi cổ tức thu được năm 2014 chỉ bằng 0,46% vốn đầu tư. Một trường hợp nổi bật khác là công ty mẹ – TCT cơ khí xây dựng (COMA). Lợi nhuận được chia năm 2014 từ các công ty con của COMA bằng 1,05% vốn đầu tư, trong đó 6/10 công ty con thua lỗ và đặc biệt là 4 công ty mất vốn chủ sở hữu là COMA 3, COMA 7, COMAEL và Công ty cổ phần khoá Minh Khai.
Tương tự là các doanh nghiệp ngành mía đường. Công ty cổ phần mía đường La Ngà năm 2014 lỗ 10,9 tỉ đồng, lỗ luỹ kế đến hết năm 2014 là 22,73 tỉ đồng; Công ty cổ phần mía đường Hiệp Hoà năm 2014 lỗ 57,8 tỉ đồng, lỗ luỹ kế đến 31.12.2014 là 98,7 tỉ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu.
Nợ khó đòi cao
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cảnh báo về tình trạng nhiều TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn lớn. Điển hình như công ty mẹ TĐ dầu khí hơn 450 tỉ đồng; Công ty Sasco thuộc TCT cảng hàng không VN xấp xỉ 245 tỉ đồng, TCT du lịch Sài Gòn 122,41 tỉ đồng; TCT xây dựng số 1 (CC1) cũng còn trên 470 tỉ đồng hay Công ty TNHH MTV cảng Sài Gòn (thuộc Vinalines) 313,23 tỉ đồng.
Các “ông lớn” viễn thông, điện lực cũng có tình trạng nợ khó đòi cao như TCT MobiFone có nợ khó đòi của công ty mẹ hơn 312 tỉ đồng (chiếm 30,4% nợ phải thu), TCT điện lực miền Bắc 49,8 tỉ đồng, TCT điện lực miền Nam 16,7 tỉ đồng, TCT điện lực TP.HCM 34,3 tỉ đồng, TCT truyền tải điện quốc gia 53,8 tỉ đồng…
Một số đơn vị thành viên của TĐ dầu khí cũng bị nhắc nhở về tình trạng nợ khó đòi như TCT cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí VN phải thu Công ty công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất 124,74 tỉ đồng, TCT phân bón và hoá chất dầu khí 110,14 tỉ đồng.
Đáng ngại hơn là tình trạng vốn chủ sở hữu âm như tại Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất lên tới hơn 1.100 tỉ đồng, Công ty cổ phần đầu tư tài chính công đoàn dầu khí âm 71,18 tỉ đồng.
Thảm cảnh này càng nặng nề hơn đối với nhiều doanh nghiệp thuộc Vinalines như Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin âm hơn 8.400 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông 3.403 tỉ đồng, Công ty cổ phần vận tải Biển Bắc 2.219 tỉ đồng, Công ty cổ phần vận tải dầu khí VN 2.114 tỉ đồng, Công ty TNHH cảng quốc tế SP-PSA gần 540 tỉ đồng, Công ty TNHH cảng quốc tế Cái Mép hơn 1.000 tỉ đồng.
Ngành xây dựng cũng góp nhiều cái tên trong số này như Công ty cổ phần xi măng Hạ Long (1.655 tỉ đồng), Công ty TNHH MTV xi măng Quang Sơn (665,39 tỉ đồng), Công ty cổ phần xây dựng công trình và thương mại 747 (18,93 tỉ đồng); Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển vật liệu IDICO (10,24 tỉ đồng)…