24/01/2025

Chuyển hiểm nguy thành cơ hội

Tổng thống Erdogan tận dụng được yếu tố sức mạnh quần chúng to lớn và tâm lý chán ghét thời kỳ các tướng lĩnh quân đội thống trị chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra các cuộc đảo chính khiến đất nước bất ổn triền miên.

 

Chuyển hiểm nguy thành cơ hội

 

Tổng thống Erdogan tận dụng được yếu tố sức mạnh quần chúng to lớn và tâm lý chán ghét thời kỳ các tướng lĩnh quân đội thống trị chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra các cuộc đảo chính khiến đất nước bất ổn triền miên. 

 

 

 

 

 

Chuyển hiểm nguy thành cơ hội
Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ, gồm cả phụ nữ và trẻ em, xuống đường ủng hộ Tổng thống Erdogan ở quảng trường Taksim, trung tâm thành phố Istanbul tối 16-7 – Ảnh: Reuters

Cuộc binh biến đêm 15-7 từ thành phố Istanbul nhanh chóng thất bại ngay trong ngày sau đó. Phe đảo chính từ vị thế chủ động khởi sự, tuyên bố “kiểm soát đất nước, hủy bỏ hiến pháp, áp đặt thiết quân luật toàn quốc…” đã không tạo dựng được quyền bính, để Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lật ngược thế cờ.

Có lẽ những người chủ trương đảo chính đã không thống nhất thời gian khởi sự. Một nhóm sĩ quan hạng trung, do đại tá Muharrem Kose đứng đầu, đã vội vàng dấy loạn, trong khi các tướng lĩnh lão luyện còn đang muốn tìm thời cơ chín muồi hơn để tránh rủi ro. Chính vì vậy, tình thế bị đảo ngược nhanh chóng.

Dường như Tổng thống Erdogan cùng chính phủ của ông cũng bất ngờ, ít nhất về thời điểm nổ ra binh biến. Bởi thế, ông Erdogan lập tức ẩn tích “tại một nơi an toàn”, chờ cơ hội lật ngược tình thế.

Phao cứu sinh của ông Erdogan lúc ấy chính là tiện ích FaceTime của Apple cài đặt trên điện thoại di động. Nhờ tiện ích này, ông lập tức cho bàn dân thiên hạ thấy mình “vẫn an toàn”.

Chỉ cần thế, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã trấn an được những người ủng hộ ông và giáng một đòn cân não nặng nề vào hàng ngũ những người âm mưu đảo chính. Nhiều tướng lĩnh (chưa lộ diện) đã rơi ngay vào tâm trạng hoang mang, bởi họ biết rằng nếu không “hạ” được Erdogan ngay từ giờ phút đầu khó lòng lật đổ chính quyền của ông, vì ông vốn đầy bản lĩnh 
chính trường.

Thực tế cho thấy ngay điều đó. Tổng thống Erdogan kêu gọi được đông đảo quần chúng vốn ủng hộ đường lối thiên hướng Hồi giáo của ông đổ ra đường phản kháng và cản ngăn đảo chính.

Hình ảnh những người dân liều mình ngăn xe tăng, dũng cảm đối đầu với đám binh biến đang nhả đạn… là những minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần “tử vì đạo” của các tín đồ Hồi giáo ủng hộ vị tổng thống đồng đạo với họ.

Tổng thống Erdogan tận dụng được yếu tố sức mạnh quần chúng to lớn. Ông tin vào nhóm quần chúng ngoan đạo ủng hộ ông, bởi ông trở thành tổng thống chính nhờ những lá phiếu của đông đảo cử tri mộ đạo này.

Còn một yếu tố khác giúp ông Erdogan chuyển hiểm nguy thành thắng thế: tâm lý của đông đảo tầng lớp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ chán ghét thời kỳ các tướng lĩnh quân đội nước này thống trị chính trường, gây ra liên tiếp các cuộc đảo chính khiến đất nước bất ổn triền miên.

Ông Erdogan đã tận dụng được điều này để “trung lập hóa” những người tuy không ưa gì ông nhưng nếu phải lựa chọn thì đối với họ, ông Erdogan còn đỡ tai hoạ hơn là giới quân nhân thủ cựu.

Nay phe quân nhân rơi vào thế thua trắng tay trước vị tổng thống có tiếng là “độc đoán chuyên quyền”. Một loạt tướng tá lập tức bị xộ khám, mặc dù trước đó không hề ra mặt trong “hội đồng hoà bình” của đại tá Kose.

Những người am hiểu tình hình Thổ Nhĩ Kỳ chưa kịp thở phào vì đất nước này không bị rơi vào tay phe quân nhân đảo chính, đã lập tức phải lo một thảm hoạ nhãn tiền về trấn áp, trả thù sẽ sớm diễn ra.

Nhiều nguyên thủ quốc gia Âu – Mỹ khá mau lẹ lên tiếng ủng hộ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Erdogan, nhưng cũng nhanh miệng không kém yêu cầu chính quyền Ankara xử lý những người đảo chính theo cách “thượng tôn pháp luật”.

Đúng với tính khí của mình, Tổng thống Erdogan phản ứng tức thì rằng “chúng tôi sẽ không bao giờ phải xin phép ai khi xét xử những kẻ đảo chính”! Trước đó, ngay khi còn phải ẩn mình trong “bóng tối”, ông Erdogan nhờ FaceTime để lớn tiếng với bàn dân thiên hạ rằng “những kẻ phản quốc sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của chúng”!

Việc bắt bớ tràn lan ngay lập tức hàng ngàn người được cho là có liên quan binh biến đương nhiên tạo hoài nghi về việc tuân thủ các quy định của trình tự tố tụng. Nhưng đó chính là cách mà Erdogan đã và sẽ hành xử với những ai chống lại ông!

Thổ Nhĩ Kỳ vừa thoát khỏi một cuộc đổ vỡ kinh hoàng thì đã có nhiều yếu tố để thấy đất nước này khó tránh khỏi rơi vào một thảm kịch mới, trong đó bên “thoát chết” sẽ dùng bàn tay sắt để trừng phạt những người thất bại trong cuộc binh biến vừa qua.

Thủ phạm nằm bên Mỹ?

Đến giờ, phía chính quyền Ankara vẫn một mực tin rằng người đứng sau vụ đảo chính của quân đội tối 15-7 là giáo sĩ Fethullah Gulen, 75 tuổi, người sống lưu vong ở bang Pennsylvania (Mỹ) từ năm 1999.

Theo Reuters, sau khi tình hình được kiểm soát, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry để nhắc đến cái tên Gulen.

Ông Cavusoglu nhấn mạnh: “Chuyện dẫn độ không được nhắc đến trong cuộc điện đàm giữa tôi với ngoại trưởng Mỹ. Tuy nhiên, tôi đã trực tiếp nhắc lại một lần nữa rằng cuộc đảo chính là nỗ lực của ông Gulen, một cá nhân đang sống tại Mỹ và tay chân của ông ta trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ”.

Cũng theo ông Cavusoglu, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cần phải được “thanh lọc” khỏi những ảnh hưởng của ông Gulen. “Một khi thanh lọc xong quân đội, lực lượng quân sự và binh sĩ của chúng tôi sẽ mạnh hơn, hỗ trợ và phối hợp tốt hơn với các lực lượng NATO”.

Hồi tháng 5 vừa rồi, Tổng thống Tayyip Erdogan vẫn còn liệt phong trào của giáo sĩ Gulen vào danh sách các nhóm hoạt động khủng bố và cam kết sẽ truy đuổi đến cùng các thành viên của phong trào.

Phía Mỹ khẳng định không dính líu vào vụ việc ở bên kia đại dương, còn giáo sĩ Gulen cũng khẳng định ông không liên quan và thậm chí cho rằng “các lãnh đạo chính trị đã tổ chức đảo chính giả để củng cố quyền lực”.

DUY LINH

NGUYỄN NGỌC HÙNG